12/05/2011 - 21:02

Kiểm soát bệnh hen suyễn

Đông đảo bệnh nhân dự buổi sinh hoạt của câu lạc bộ hen phế quản.

Hen suyễn là một bệnh khá phổ biến. Hiện nay, tỷ lệ người mắc bệnh hen suyễn chiếm khoảng từ 4-5% dân số. Đây là một bệnh lý mạn tính nên những bệnh nhân mắc bệnh cần có sự tư vấn, hướng dẫn cách kiểm soát bệnh từ bác sĩ chuyên khoa. Tại buổi sinh hoạt Câu lạc bộ hen phế quản do Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi TP Cần Thơ tổ chức mới đây với chủ đề “Sống khỏe với bệnh hen phế quản”, các bác sĩ đã có những khuyến cáo bổ ích về căn bệnh này...

Bà T.T.T, 54 tuổi, ở xã Thới Tân, huyện Thới Lai bị mắc bệnh hen suyễn vào năm 2010. Bà thường ho, khó thở, hơi thở khò khè,... Ban đầu do thiếu thông tin về căn bệnh hen suyễn nên cô cứ nghĩ mình bị bệnh lao và tự ý đi chích thuốc. Sau 2 tháng được các bác sĩ Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi TP Cần Thơ điều trị, bệnh tình bà T.T.T. thuyên giảm khá nhiều. Do chủ quan, không tiếp tục điều trị nên hiện nay bệnh hen suyễn lại tái phát. Tại buổi sinh hoạt câu lạc bộ, được các bác sĩ tư vấn, cung cấp thêm nhiều thông tin, bà T. mới hiểu bệnh hen suyễn cần phải chữa trị lâu dài,... Tại buổi sinh hoạt, có một số trường hợp bệnh nhân bị mắc bệnh hen suyễn lâu năm nhờ điều trị đều đặn tại Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi TP Cần Thơ nên đến nay, bệnh tình đã thuyên giảm khá nhiều. Điển hình như trường hợp bà U.T.C., 60 tuổi, ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, bị mắc bệnh hen suyễn từ khi bà mới 20 tuổi. Ban đầu cũng chỉ là các triệu chứng ho, khó thở,... thậm chí bà bị ho kéo dài 2-3 tháng, nhưng tự ý mua thuốc uống, nên bệnh cứ kéo dài và nặng thêm. Sau khi đi khám bà mới biết mình bị bệnh hen suyễn. Hai bệnh nhân trên, cũng giống như những bệnh nhân đến dự buổi sinh hoạt, đều mong muốn tìm hiểu thêm thông tin về bệnh hen suyễn, biết cách xử trí tại nhà, sử dụng thuốc đúng cách,...

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Trưởng phòng khám hen suyễn, thì bệnh suyễn hoặc hen phế quản là tình trạng viêm mạn tính đường thở, dẫn đến những cơn khó thở tái phát. Khi suyễn không được kiểm soát, cuống phổi bị sưng đỏ, phù nề làm cản trở không khí ra vào phổi. Những người mắc bệnh là những người có cơ địa nhạy cảm, phế quản dễ bị co thắt khi bị ảnh hưởng bởi các tác nhân bên ngoài gây ra ho, nặng ngực, khó thở,... Triệu chứng bệnh chủ yếu là ho, khò khè, khó thở, nặng ngực và diễn biến thành từng cơn. Những triệu chứng trên thay đổi tùy theo thể trạng từng người và tùy vào từng thời điểm. Các dấu hiệu để nhận biết bệnh nặng là bệnh nhân bị tăng số cơn khó thở, khò khè. Khi thấy bệnh nhân có dấu hiệu khó thở nặng, không cắt được cơn sau 3 giờ, tình trạng bệnh xấu hơn cần đưa bệnh nhân đến khám tại các cơ sở y tế. Về cách điều trị, bệnh nhân cần tự chăm sóc bản thân tốt, không hút thuốc lá, tích cực vận động thể dục thể thao và dùng thuốc đúng theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Về dùng thuốc, thuốc điều trị hen suyễn nói chung được xếp thành 2 nhóm: thuốc dùng dài hạn (thuốc dự phòng) và thuốc cắt cơn hen suyễn. Các loại thuốc cắt cơn như Salbutamol hoặc Terbutaline dạng bình hít định liều,... Đây là những thuốc có tác dụng nhanh, cần thiết cho tất cả bệnh nhân để cắt cơn suyễn khi bệnh nhân bị khó thở hoặc phòng ngừa lên cơn hen suyễn khi gắng sức. Thuốc dự phòng là loại thuốc phòng ngừa nhằm làm giảm đi tính nhạy cảm của phế quản. Điều trị dự phòng phụ thuộc vào mức độ bệnh và điều quan trọng là bệnh nhân cần tuân thủ đúng theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa trong quá trình sử dụng thuốc.

Để góp phần chăm sóc sức khỏe cho những bệnh nhân hen suyễn, hiện nay, Phòng khám hen tại Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi TP Cần Thơ thường xuyên tư vấn, khám và điều trị hen ngoại trú. Đồng thời, duy trì sinh hoạt của câu lạc bộ hen suyễn từ 2-3 tháng/lần, nhằm giúp các bệnh nhân thêm thông tin, hướng dẫn người bệnh điều trị bệnh liên tục, đúng cách.

Bài, ảnh: HỒNG VÂN

Chia sẻ bài viết