18/04/2024 - 18:23

Không gian trình diễn bánh tráng Thuận Hưng 

Phóng sự ảnh: KIỀU MAI

Làng nghề bánh tráng Thuận Hưng (phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) trải hơn 200 năm hình thành và phát triển, được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2023. Tại Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần này có không gian để các nghệ nhân trình diễn và giới thiệu các loại bánh đặc trưng của làng nghề.

Giữa thời tiết oi bức, nắng nóng, chị Trần Thị Thu Em (41 tuổi) vẫn luôn tay tráng bánh, vui vẻ giới thiệu với du khách gần xa về chiếc bánh đặc trưng của làng quê mình. Chị Thu Em chia sẻ: “Tôi là đời thứ ba làm bánh ở gia đình, tính ra cũng đã có gần 30 năm làm bánh. Đây là lần đầu tôi đến Lễ hội, cảm giác rất vui và hạnh phúc vì được quảng bá nghề bánh gia truyền”. Bên cạnh những chiếc bánh truyền thống: bánh lạt, bánh mặn, bánh trắng, bánh mè, chị Thu Em còn sáng tạo thêm chiếc bánh ngọt lá dứa để tạo thêm hương vị mới cho bánh quê nhà.

 Đi cùng chị Thu Em là con gái Lê Thị Kim Ngân (20 tuổi, trái). Dù còn nhỏ tuổi nhưng Kim Ngân vừa học vừa phụ mẹ. Theo Kim Ngân chia sẻ, nghề bánh tuy cực nhưng Ngân vẫn học nghề, vừa đỡ đần công việc giúp mẹ lại vừa giữ nghề. Đó là niềm tự hào của cô gái trẻ khi nói về nghề bánh của gia đình.

Bánh tráng Thuận Hưng làm rất kỳ công, trải qua nhiều công đoạn: pha bột, tráng bánh, phơi…Tùy theo từng loại bánh mà có những quá trình khác nhau. Trong ảnh: Bánh ngọt lá dứa là bánh ăn liền nên phải cuốn tại chỗ khi tráng xong.

 Phơi bánh cũng đòi hỏi sự khéo tay, nếu không chiếc bánh dễ rách.

 

 

Chia sẻ bài viết