11/05/2020 - 06:14

Không chủ quan với đại dịch 

Những ngày gần đây, nhiều nước trên thế giới đã từng bước mở cửa nền kinh tế, nới lỏng giãn cách xã hội. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều địa phương phải siết lại.

Seoul đóng cửa quán bar

Cảnh nhộn nhịp tại một khu vui chơi ở Seoul sau khi chấm dứt giãn cách xã hội. Ảnh: Bloomberg        

 Hàn Quốc ngày 10-5 ghi nhận số ca nhiễm tăng đột biến trở lại với 34 ca sau khi xuất hiện ổ lây nhiễm mới ở Itaewon. Thời điểm Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm cao nhất trong ngày là ngày 29-2 vừa qua với 909 ca.

Số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc cho thấy tính tới 10 giờ (giờ địa phương) ngày 10-5, chỉ sau gỡ bỏ quy định giãn cách xã hội 4 ngày, với 34 ca mới được phát hiện, số ca nhiễm COVID-19 ở Hàn Quốc đã tăng lên thành 10.874 ca. Số ca tử vong vẫn là 256 ca, trong đó trên 50% là bệnh nhân trên 80 tuổi và có ít nhất một bệnh lý nền từ trước. Số bệnh nhân được điều trị khỏi hoàn toàn thêm 42 người nâng tổng số lên 9.610 người, chiếm 88,3%.

Trước nguy cơ bùng phát ổ dịch mới ở thủ đô Seoul, ngày 9-5, Thị trưởng thành phố này Park Won-soon đã ban hành mệnh lệnh hành chính yêu cầu các quán bar, vũ trường, hộp đêm trên toàn thành phố phải tạm thời dừng mọi hoạt động. Đây là biện pháp tình huống mà thành phố Seoul phải thực hiện sau khi xuất hiện hàng chục người dương tính với SARS-CoV-2 do tiếp xúc gần với một bệnh nhân nam 29 tuổi được xác nhận dương tính vào ngày 5-5 vừa qua. Ước tính có khoảng hơn 1.500 người thuộc diện F1 do đã có tiếp xúc gần với thanh niên này. Điều đáng chú ý là cơ quan y tế Hàn Quốc chưa xác định được nguồn lây nhiễm đối với bệnh nhân này do không có tiền sử đi du lịch nước ngoài và cũng chưa được xác nhận có tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19 nào hay không.

Theo báo cáo sơ bộ của quận Yongsan (nơi có khu phố Tây sầm uất Itaewon), ước tính có khoảng 7.200 người đã ghé thăm 5 câu lạc bộ và quán bar (nơi bệnh nhân nam 29 tuổi có mặt) trong thời gian từ ngày 30-4 đến 5-5 vừa qua. Hiện giới chức y tế Hàn Quốc đang kêu gọi những người đã từng ghé các địa điểm trên cần đi xét nghiệm và tự cách ly ở nhà để tránh lây nhiễm tiếp ra cộng đồng.

Thị trưởng Lagos cảnh báo nguy cơ tái áp đặt lệnh phong tỏa

Trong khi đó, Lagos - thành phố lớn nhất của Nigeria có thể phải quay trở lại tình trạng phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của SARS-CoV-2 nếu cư dân tại đây tiếp tục phớt lờ các quy định về giãn cách xã hội. Thị trưởng Babajide Sanwo-Olu đã đưa ra cảnh báo trên ngày 9-5 trước thực tế người dân thành phố không đảm bảo thực hiện nghiêm chỉnh các hướng dẫn y tế phòng chống dịch COVID-19 sau khi các biện pháp hạn chế được nới lỏng từ ngày 4-5.

Trên trang cá nhân Twitter, ông Sanwo-Olu phản ánh thực tế việc người dân bỏ qua các hướng dẫn y tế để đảm bảo sức khỏe của bản thân và cộng đồng với việc đông đúc người tập trung tại ngân hàng, các khu vực mà không đảm bảo giãn cách xã hội. Ông cho biết chính quyền thành phố sẽ buộc phải đưa ra quyết định "khó khăn" về việc khôi phục lệnh phong tỏa nếu người dân Lagos tiếp tục như vậy. Nigeria là quốc gia đông dân nhất châu Phi và hiện tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở nước này là hơn 4,1 ngàn, trong đó có 118 ca tử vong. Lagos, thành phố 20 triệu dân, hiện là điểm nóng chính của dịch COVID-19 tại Nigeria khi số ca nhiễm mới trong ngày đã tăng gấp 2 lần trong vài ngày gần đây.

Tính đến chiều 10-5, thế giới ghi nhận hơn 4,1 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó hơn 280 ngàn người đã tử vong. Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với trên 80 ngàn người chết trong số 1,35 triệu ca nhiễm. Kế đến là Tây Ban Nha, Ý, Anh, Nga, Pháp, Đức, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Trung Quốc.

Thủ tướng Tây Ban Nha kêu gọi người dân thận trọng

Tại châu Âu, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez ngày 9-5 đã lên tiếng cảnh báo đại dịch COVID-19 hiện vẫn là mối đe dọa rình rập khi quốc gia Nam Âu này dần nới lỏng các biện pháp phong tỏa.

Trong bài phát biểu tại thủ đô Madrid, Thủ tướng Sanchez kêu gọi người dân Tây Ban Nha thể hiện tinh thần cảnh giác và thận trọng cao nhất. Ông đánh giá đại dịch COVID-19 chưa đi qua và mối đe dọa vẫn tồn tại. Lời kêu gọi được Thủ tướng Sanchez đưa ra trong bối cảnh Tây Ban Nha bắt đầu từng bước dỡ bỏ các hạn chế trong hai tuần vừa qua. Từ ngày 26-4, trẻ em dưới 14 tuổi đã được phép ra khỏi nhà trong 1 giờ. Từ tuần trước, người lớn bắt đầu được phép ra ngoài đi dạo hoặc tập thể dục trong một khung giờ nhất định. Chính phủ Tây Ban Nha hy vọng tiến trình dỡ bỏ phong tỏa gồm 4 giai đoạn của nước này sẽ kết thúc vào cuối tháng Sáu tới.

P.V (TTXVN)

Chia sẻ bài viết