27/10/2021 - 06:28

Khơi thông để nông sản đến siêu thị 

Hệ thống siêu thị là một trong những kênh tiêu thụ nông sản hiệu quả. Vừa qua, do ảnh hưởng dịch COVID-19, khi nhiều chuỗi cung ứng hàng hóa đứt gãy, siêu thị vẫn là “bệ đỡ” hỗ trợ đưa hàng nông sản ra thị trường. Tuy nhiên, trong quá trình hợp tác, giữa siêu thị và các nhà cung ứng là các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) bộc lộ  nhiều “điểm nghẽn” cần được khơi thông...

Kết nối

Hàng hóa nông sản miền Tây bày bán tại Siêu thị GO! Cần Thơ.

Hàng hóa nông sản miền Tây bày bán tại Siêu thị GO! Cần Thơ.​ 

Tại hội nghị kết nối cung - cầu tiêu thụ hàng hóa giữa Liên hiệp Hợp tác xã (HTX) Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) và các HTX, tổ hợp tác (THT) do Liên minh HTX Việt Nam tổ chức trực tuyến trên toàn quốc mới đây. Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết, Saigon Co.op có hàng loạt siêu thị trải dài từ Bắc vào Nam nên nhu cầu thu mua các mặt hàng nông sản rất lớn. Saigon Co.op rất nỗ lực tìm kiếm nguồn hàng chất lượng cao để đưa vào hệ thống siêu thị. Ngoài việc bán hàng trực tiếp nông sản tại hơn 800 siêu thị lớn nhỏ, đơn vị còn tham gia xuất khẩu một lượng lớn nông sản chất lượng cao qua thị trường Singapore, Nhật Bản...

Tại TP Cần Thơ, đến ngày 30-9-2021, ngành Nông nghiệp có 145 đầu mối cung cấp hàng hóa với tổng sản lượng là 42.358 tấn. Thời gian qua, Sở Công Thương TP Cần Thơ phối hợp với các Sở, ngành triển khai thực hiện nhiều biện pháp tiêu thụ nông sản cho nông dân như: Tổ chức kết nối đầu ra cho nông dân khi nông sản đến vụ thu hoạch hoặc sắp thu hoạch; triển khai các điểm bán hàng bình ổn giá, thành lập nhóm liên kết mua bán nông sản thông qua mạng xã hội (Zalo) để kết nối người bán và người mua. Qua các đợt kết nối cung cầu, các hoạt động tham gia tại các tỉnh, thành phố đã góp phần tiêu thụ hàng hóa nông sản của TP Cần Thơ đến các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam và cả nước. Điển hình, một số hàng hóa của các doanh nghiệp, HTX của thành phố tham gia trưng bày sản phẩm tại tổ hợp Vinpearl Grand World Phú Quốc; hàng hóa của 8 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố vào siêu thị Tứ Sơn (tỉnh An Giang); HTX Nhất Tâm với các mặt hàng thủy, hải sản tươi sống và đã qua chế biến; HTX nông sản xanh với sản phẩm gạo đã cung cấp vào hệ thống siêu thị GO!. Cùng đó, các mặt hàng rau, củ, quả của các HTX trên địa bàn thành phố đang cung cấp vào chuỗi hệ thống phân phối trong và ngoài thành phố khoảng 10 tấn/ngày.

Theo ông Nguyễn Đại Giao, Giám đốc HTX Thuận Phát (huyện Thới Lai), HTX đang là nhà cung cấp cho nhiều siêu thị tại TP Cần Thơ. Trong giai đoạn ảnh hưởng dịch COVID-19 năm 2020, HTX đã hỗ trợ tiêu thụ cho nông dân khoảng 400 tấn trái cây. HTX đáp ứng các nhu cầu của siêu thị về tiêu chuẩn hàng hóa, chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Buôn bán với siêu thị phải chấp nhận thanh toán chậm; chiết khấu cũng được thỏa thuận hợp lý. Việc giữ chữ tín trong liên kết là rất quan trọng. Đó là phải đảm bảo chất lượng, nguồn cung và giá cả theo đúng thỏa thuận.   

Ông Nguyễn Trường Hải, Giám đốc Siêu thị GO! Cần Thơ, cho biết, với hệ thống chuỗi siêu thị lớn toàn quốc, khi hợp tác kinh doanh tại GO! sẽ có được nguồn thu mua ổn định, nhà cung cấp còn được hỗ trợ về đầu tư thương mại như xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh phân phối… Theo kế hoạch phát triển, GO! dự kiến đến năm 2025 tại miền Tây có 9 siêu thị GO!. Đây là cơ hội lớn để hàng hóa nông sản miền Tây được vào siêu thị với giá cạnh tranh. Chúng tôi mong muốn mở trạm thu mua, phân phối nông sản tại miền Tây và TP Cần Thơ sẽ là điểm lựa chọn.

Tháo điểm nghẽn

Ông Nguyễn Trường Hải, Giám đốc Siêu thị GO! Cần Thơ, cho biết, hàng hóa đưa vào siêu thị phải có tiêu chuẩn chất lượng rõ ràng, cùng đó là những ràng buộc về tài chính… Để hợp tác thành công, nên hình thành các nhóm HTX chuyên về ngành hàng để có sự cung ứng ổn định. Đối với nhà cung cấp mới. Để kết nối thành công, các HTX lưu ý, phải có sản phẩm mang tính chất “mở khóa” thị trường với chất lượng cao, giá tốt. Việc thực hiện sẽ được làm từng bước, sau thành công ở những sản phẩm đầu tiên, cơ hội thành công ở những sản phẩm khác sẽ cao hơn.

Một trong những điểm nghẽn trong liên kết giữa siêu thị và các HTX, THT là do HTX, THT chưa nắm rõ được quy trình ký kết hợp đồng, chưa hoàn thiện hồ sơ nên khó đưa nông sản vào hệ thống siêu thị. Một hạn chế khác là các HTX, THT chưa nắm rõ nhu cầu thị trường, khó tiếp cận hệ thống siêu thị cũng như mở rộng đầu ra cho sản phẩm. Đại diện Saigon Co.op cho biết, để đưa nông sản vào hệ thống siêu thị của Saigon Co.op, các doanh nghiệp, HTX phải bảo đảm các yếu tố về mẫu mã, hồ sơ, chất lượng được kiểm soát, bao bì thu hút và tem nhãn đúng quy định; giá cả cạnh tranh, giao hàng đúng thời hạn; chính sách hậu mãi tốt. Saigon Co.op đặc biệt ưu tiên các sản phẩm đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, những sản phẩm đặc trưng theo vùng miền, sản phẩm tiện lợi, thân thiện môi trường, đặc biệt là những sản phẩm mang tính chất gắn kết cộng đồng.

Ông Nguyễn Văn Út, Phó Giám đốc HTX Trường Trung A (huyện Phong Điền), cho rằng, mỗi ngày 1 siêu thị chỉ lấy khoảng vài trăm ký hàng nông sản, trong khi năng lực cung ứng mỗi ngày của HTX lớn hơn rất nhiều. Do vậy, HTX mong muốn kết nối với các chuỗi siêu thị để tiêu thụ lượng lớn hàng hóa. Có như vậy, các HTX mới mạnh dạn đầu tư, bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân. Ông Phan Thế Tường, Giám đốc Công ty TNHH Xây lắp Tường An, cho biết, doanh nghiệp mong muốn có cuộc trao đổi trực tiếp với nhà phân phối, siêu thị, để nắm được các quy trình tiếp cận, tìm hướng đi và an tâm để đầu tư. Với nguồn hàng công ty sản xuất là heo thịt và trứng gia cầm nuôi mô hình trang trại đảm bảo các tiêu chí an toàn thực phẩm, hiện công ty đang thực hiện thủ tục tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) địa phương để thuận lợi hơn trong việc tiếp cận kênh bán lẻ.

Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho rằng, điểm nghẽn trong kết nối giữa các HTX sản xuất hàng nông sản và các siêu thị cần được tháo gỡ. Đó là sản lượng thu mua hàng ngày của mỗi siêu thị là tương đối nhỏ, trong khi sản lượng hàng hóa của một hộ sản xuất là rất lớn, do vậy nếu chỉ cung ứng cho 1 siêu thị là rất khó mà cần phối hợp để cung cấp cho nhiều siêu thị cùng thời điểm. Do đó, các HTX, THT phải là đầu tàu để đứng ra kết nối; cùng đó tổ chức sản xuất cho các xã viên để làm sao có lượng hàng đều đặn, chất lượng ổn định để cung cấp cho hệ thống siêu thị. Đây là 2 điểm nghẽn lớn nhất cần tháo gỡ để kết nối thành công.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố sẽ hỗ trợ cho nông dân về cách quản lý chất lượng, xây dựng các quy trình, tiêu chuẩn để đảm bảo đáp ứng được nhu cầu chất lượng khi đưa hàng nông sản vào siêu thị. Theo đó, Sở phối hợp với VNPT Cần Thơ xây dựng vận hành trang web tại địa chỉ: http://www.chonongsancantho.vn. Hiện nay Sở cũng đã tập huấn cho khoảng 350 đầu mối nông dân đưa hàng hóa lên sàn để giao dịch. Ngoài mặt hàng nông sản thì các mặt hàng vật tư, thiết bị, máy móc hỗ trợ sản xuất nông nghiệp cũng được đưa vào nhằm giúp bà con có thông tin đầu vào và kết nối đầu ra. Để người dân thuận lợi tiếp cận 3 sàn thương mại điện tử là: Postmart, Voso và chonongsancantho, Sở cùng các đơn vị tổ chức tuyên truyền, tập huấn để bên mua và bên bán thuận lợi trong kết nối. Đồng thời, hỗ trợ cho nông dân làm quen, tiếp cận với hình thức này để giúp nông dân trong việc tiêu thụ nông sản.

Để chuỗi kết nối phát huy hiệu quả bền vững, ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ, cho biết, sẽ tích cực kết nối với các siêu thị lớn, trung tâm thương mại để kết nối tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tiếp tục phối hợp cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn, tìm kiếm thị trường tiêu thụ ở các địa phương trên cả nước.

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết