18/12/2024 - 20:23

Khôi phục hiện trạng trước khi vi phạm 

Ngành chức năng quận Ninh Kiều đã tiến hành xử phạt nhiều cá nhân thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Bên cạnh việc phạt tiền đối với hành vi vi phạm, cá nhân vi phạm còn bị buộc khôi phục hiện trạng ban đầu trước khi vi phạm. Trong trường hợp cá nhân không tự khôi phục hiện trạng, sẽ bị cưỡng chế thi hành biện pháp khắc phục hậu quả, theo quy định của pháp luật.

Một hộ dân ở phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ tự nguyện tháo dỡ công trình vi phạm, khôi phục hiện trạng ban đầu trước khi vi phạm.

Hộ ông N.T.Q (ngụ phường 8, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) có hành vi chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, với diện tích vi phạm 175,8m2, đất tọa lạc tại phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Ông N.T.Q bị phạt tiền 8 triệu đồng, buộc khắc phục hậu quả khôi phục lại hiện trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Qua vận động, ông N.T.Q đã tự nguyện tháo dỡ công trình vi phạm, trả lại hiện trạng đất ban đầu trước khi vi phạm để không bị áp dụng biện pháp cưỡng chế.

Bà Đ.T.S (ngụ phường An Phú (cũ), quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) có hành vi lấn chiếm đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị và xây dựng công trình trên đất lấn chiếm. Diện tích đất lấn chiếm trái phép dưới 0,05ha, tọa lạc tại đường 30 tháng 4, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. UBND quận Ninh Kiều đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi lấn đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm... nhưng bà Đ.T.S không chấp hành. UBND quận Ninh Kiều tiếp tục ban hành quyết định về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, bà Đ.T.S vẫn không chấp hành. Vì vậy, UBND quận Ninh Kiều phối hợp địa phương và các đơn vị liên quan tiến hành cưỡng chế hành chính, buộc khắc phục hậu quả, khôi phục hiện trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.

Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, được sửa đổi năm 2020, quy định về các biện pháp khắc phục hậu quả và nguyên tắc áp dụng như sau: buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép… Đối với mỗi vi phạm hành chính, ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định. Theo đó, trong xử phạt vi phạm hành chính thì có thể áp dụng nhiều biện pháp khắc phục hậu quả cùng lúc.

Tuy nhiên, khi áp dụng phương án cưỡng chế thi hành biện pháp khắc phục hậu quả, phải đảm bảo quy định về nguyên tắc áp dụng cưỡng chế thi hành biện pháp khắc phục hậu quả: việc cưỡng chế chỉ được thực hiện khi có quyết định cưỡng chế bằng văn bản của người có thẩm quyền; việc quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ, điều kiện thi hành quyết định cưỡng chế và tình hình thực tế ở địa phương. Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế quyết định áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo thứ tự quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính. Chỉ áp dụng các biện pháp tiếp theo khi không thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế đó hoặc đã áp dụng nhưng chưa thu đủ số tiền bị cưỡng chế theo quyết định cưỡng chế.

Về quy trình cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả được thực hiện như sau: ra quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả; tổ chức thi hành cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Đối với cá nhân, tổ chức được giao nhiệm vụ tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế, khi nhận được quyết định cưỡng chế, phối hợp với cơ quan có liên quan huy động lực lượng, phương tiện để thực hiện biện pháp đã ghi trong quyết định. Đối với cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế nếu tự nguyện thi hành trước khi tiến hành cưỡng chế sẽ được công nhận sự tự nguyện; nếu cố tình vắng mặt thì vẫn tiến hành cưỡng chế nhưng phải có đại diện của chính quyền địa phương và người chứng kiến. Trong quá trình thực hiện cưỡng chế phải có đại diện chính quyền địa phương và người chứng kiến. Việc cưỡng chế phải được lập biên bản thi hành quyết định cưỡng chế.

Bài, ảnh: Hoàng Yến

Chia sẻ bài viết