07/07/2025 - 08:38

Khởi nghiệp với nghề nấu ăn lưu động 

Với nhiều ưu điểm như tiện lợi, cắt giảm thời gian nấu nướng và dọn rửa, những năm gần đây, dịch vụ nấu ăn lưu động được nhiều gia đình lựa chọn vào các dịp hiếu hỉ, liên hoan... Nắm bắt xu thế này, chị Mai Thị Phượng ở phường Ô Môn, TP Cần Thơ đã khởi sự kinh doanh với mô hình nấu ăn lưu động, mang về thu nhập ổn định; đồng thời tạo việc làm cho nhiều hội viên phụ nữ dân tộc Khmer trên địa bàn.

Chị Mai Thị Phượng (bên trái) cùng thành viên Tổ liên kết “Dịch vụ nấu ăn lưu động hỗ trợ việc làm cho phụ nữ dân tộc” chuẩn bị món ăn giao khách.

Từng là phụ bếp cho các nhà hàng nấu ăn lưu động, tích lũy nhiều kinh nghiệm nấu nướng lẫn kinh doanh, nên hơn 10 năm nay, chị Phượng theo nghề dịch vụ nấu ăn lưu động. Chị kể: “Những ngày đầu khởi nghiệp, tôi nhận nấu các món ăn riêng lẻ cho bà con lân cận. Tôi luôn chú trọng chọn những sản phẩm sạch, an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo tươi mới để phục vụ khách hàng. Dần dà, khách ăn ngon và giới thiệu nhiều người tìm đến”.

Thời điểm đầu, chỉ có một mình chị Phượng đảm trách công việc. Về sau, để đảm bảo tiến độ, chị huy động thêm các hội viên phụ nữ Khmer lân cận phụ giúp. Chị Phượng kể, Tổ liên kết “Dịch vụ nấu ăn lưu động hỗ trợ việc làm cho phụ nữ dân tộc”, được Hội LHPN phường Châu Văn Liêm (nay là phường Ô Môn) vận động thành lập vào năm 2024. Hiện nay, Tổ liên kết có 8 thành viên tham gia, do chị Phượng làm chủ nhiệm. Thông qua sự giới thiệu của Hội LHPN phường, chị Phượng được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư thêm bàn ghế, bếp... phục vụ kinh doanh.

Theo chị Phượng, mô hình nấu ăn lưu động có thể hoạt động quanh năm nhưng vào cao điểm mùa cưới, lễ, Tết, công việc sẽ sôi động, bận rộn hơn. Tùy theo nhu cầu của khách hàng và tính chất sự kiện, chị Phượng chủ động tư vấn cho khách hàng thực đơn và mức giá phù hợp. Căn cứ vào số lượng món ăn, bàn tiệc khách đặt, chị Phượng sẽ phân công việc cụ thể cho các tổ viên Tổ liên kết.

Chị Mai Thị Hạnh, thành viên Tổ liên kết “Dịch vụ nấu ăn lưu động hỗ trợ việc làm cho phụ nữ dân tộc”, cho biết: “Trước đây, tôi từng phụ việc ở nhà hàng nấu ăn lưu động. Nhờ có kinh nghiệm nên tôi tham gia vào Tổ liên kết, nhận phụ việc để có thêm thu nhập. Trung bình mỗi ngày làm việc, tôi được trả công khoảng 350.000 đồng”.

Để công việc kinh doanh thuận lợi, chị Phượng tận dụng mạng xã hội giới thiệu dịch vụ, tìm kiếm khách hàng; thường xuyên học hỏi các món ăn mới lạ, cách bài trí bắt mắt... Chị Phượng bộc bạch: “Cùng với việc quan tâm chế biến món ăn, tôi luôn lắng nghe ý kiến phản hồi của khách hàng để có sự điều chỉnh phù hợp. Hiện nay, nhiều món ăn đang được khách ưa chuộng, như lẩu cù lao, heo giả cầy, chả bách hoa... Giá mâm tiệc trọn gói khá mềm, từ 1,6-1,9 triệu đồng/mâm. Nhờ mô hình này, tôi có thu nhập dao động từ 10-15 triệu đồng/tháng; các chị em trong Tổ liên kết cũng có công việc thường xuyên, ổn định”.

Chị Võ Thị Thúy Đoan, Chủ tịch Hội LHPN phường Ô Môn, cho biết: “Từ khi thành lập đến nay, Tổ liên kết “Dịch vụ nấu ăn lưu động hỗ trợ việc làm cho phụ nữ dân tộc” hoạt động ổn định. Thời gian tới, Hội LHPN phường tiếp tục duy trì, hỗ trợ và quảng bá để Tổ liên kết phát triển, góp phần giải quyết việc làm ổn định cho phụ nữ trên địa bàn, nhất là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế”.

Bài, ảnh: Kiến Quốc

Chia sẻ bài viết