Gác bằng kỹ sư điện tử, anh Ðào Nguyên Quang Kiệt (45 tuổi, ngụ xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, tỉnh Ðồng Tháp) đã khởi nghiệp từ cây tre, tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo bán ra thị trường.
Sản phẩm hoa sen được làm từ tre do cơ sở của anh Kiệt chế tác ra với phiên bản giới hạn.
Cơ sở tre gỗ Cường Thịnh chỉ có diện tích vài trăm mét vuông, nhưng là nơi anh Kiệt cho ra đời những sản phẩm từ tre vô cùng độc đáo và đẹp mắt. Khởi nghiệp từ tre, nhưng ít ai ngờ, anh Kiệt là một kỹ sư điện tử. Nhưng rồi cái duyên, niềm đam mê làm sản phẩm từ tre đã khiến anh chọn ngã rẽ đầy táo bạo là trở về quê khởi nghiệp.
Anh Kiệt kể, sau khi tốt nghiệp ngành điện - điện tử, Trường Ðại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, anh có thời gian gắn bó với đúng chuyên ngành đã học. Trong một lần đến vùng đất Tây Nguyên, anh bị "mê hoặc" bởi các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ cây tre. Nhận thấy quê nhà có nguồn nguyên liệu tre dồi dào, anh ấp ủ ý tưởng mở cơ sở gia công các sản phẩm đồ thủ công mỹ nghệ chất lượng từ tre trên chính quê hương của mình.
Năm 2006, anh Kiệt quyết định rời phố về quê để khởi nghiệp. Với số vốn ít ỏi, anh tự mày mò học hỏi nghề và mua sắm thiết bị để làm ra các sản phẩm đồ thủ công mỹ nghệ. Thời điểm đó, anh vừa làm, vừa tự học hỏi và tích cóp tiền để đầu tư thiết bị. Năm 2013, trải qua nhiều khó khăn, nhờ tinh thần quyết tâm dám nghĩ dám làm, niềm đam mê sáng tạo làm ra những sản phẩm đẹp mắt, nhiều khách hàng đã tìm đến cơ sở anh. Khi ổn định được lượng khách hàng và nguồn vốn, anh quyết định tiếp tục mở rộng xưởng sản xuất, đầu tư thêm máy móc, thiết bị hiện đại để có quy trình tạo ra sản phẩm khép kín, công nghệ sản xuất tiên tiến, không gây ô nhiễm, thân thiện với môi trường.
"Lúc mới khởi đầu với số vốn vỏn vẹn 150.000 đồng, tôi chỉ đủ mua được một chiếc máy mài cũ để gia công sản phẩm, còn lại đều tận dụng vật dụng có sẵn trong nhà. Ban đầu, sản phẩm làm ra bán không ai mua, trắng tay không biết bao lần. Nhưng rồi mọi cố gắng được đền đáp khi bản thân không bỏ cuộc, tôi tự học hỏi, mày mò làm ra sản phẩm ngày càng chất lượng, đẹp hơn nên khách hàng đón nhận", anh Kiệt trải lòng.
Theo anh Kiệt, chất liệu từ tre cũng được anh tuyển lựa kỹ lưỡng để sản xuất sản phẩm phù hợp với từng phân khúc thị trường. Công đoạn chế tác cũng lắm công phu, phải làm sao cân đối được bố cục, mang tính hài hòa, không quá lớn cũng không quá nhỏ thì sản phẩm làm ra mới có được chiều sâu.
"Tre ở xứ mình chủ yếu làm ra các sản phẩm như rổ, lọp, lờ, làm nhà tre. Nhưng chỉ có thể khai thác phục vụ ở thị trường bình dân, giá rẻ. Từ đó, tôi chọn nguyên liệu tre của địa phương để làm những sản phẩm thủ công mỹ nghệ ở phân khúc cao cấp để xuất bán ra thị trường quốc tế. Khi sản xuất như thế không áp lực về số lượng, chỉ chú trọng vào chất lượng. Từ đó, khai thác được giá trị tài nguyên bản địa một cách tốt nhất", anh Kiệt cho biết.
Ðiểm đặc biệt ở những sản phẩm từ tre do anh Kiệt làm ra đều ở phân khúc cao cấp nên đều là phiên bản giới hạn và siêu giới hạn, với 2 sản phẩm chủ lực của cơ sở là xe mô hình từ tre và sản phẩm lấy hình tượng từ hoa sen. Ðến nay, anh đã nhận được hơn 2.000 đơn đặt hàng lớn nhỏ. Anh còn nhận được đơn đặt hàng xuất khẩu sản phẩm sang các nước Canada, Nhật Bản, Ý. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Kiệt còn tạo việc làm ổn định cho 5 công nhân và khoảng 50 người nhận hàng về gia công tại địa phương.
Sắp tới, anh Kiệt sẽ tiếp tục phát triển cơ sở lên thành công ty, đa dạng hóa sản phẩm; liên kết nhiều vùng nguyên liệu. Ðồng thời áp dụng các quy trình hiện đại trong sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm; đăng ký nhãn hiệu độc quyền thương hiệu, bảo vệ kiểu dáng công nghiệp; duy trì các giá trị xanh trong sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường…
Bài, ảnh: NGUYỄN TRINH