30/06/2012 - 17:31

ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Khởi động dự án nâng cấp 6 thành phố

Công trình Hồ Xáng Thổi thuộc Dự án Nâng cấp đô thị đã được triển khai tại TP Cần Thơ từ năm 2008 (sử dụng nguồn vốn vay của
Ngân hàng Thế giới) đang phát huy hiệu quả.

Mới đây, tại TP Cần Thơ, Bộ Xây dựng tổ chức Lễ khởi động Dự án nâng cấp đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Dự án này dự kiến có gần 1,8 triệu người dân được hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp...

* QUY MÔ DỰ ÁN LỚN

Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 758/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia”-NUUP, giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2020. Theo đó, triển khai chương trình này có khoảng 100 đô thị (từ loại 4 trở lên) của cả nước sẽ được trình tự nâng cấp. Dự án nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL (MDR-UUP) có ý nghĩa rất quan trọng cho việc đầu tư nâng cấp và phát triển đô thị Việt Nam thuộc NUUP. Ngày 27-10-2010, Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 1961/TTg-QHQT phê duyệt danh mục dự án, bao gồm: TP Cần Thơ - đô thị loại 1, TP Mỹ Tho - đô thị loại 2 và các TP Cà Mau, Cao Lãnh, Trà Vinh, Rạch Giá - là các đô thị loại 3.

Phát biểu tại Lễ khởi động MDR-UUP, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh: Vùng ĐBSCL được xác định là khu vực ưu tiên trong Chương trình nâng cấp đô thị với sự đồng thuận cao của các bộ ngành liên quan và nhà tài trợ. Sau 2 năm chuẩn bị, với sự nỗ lực lớn của chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư, sự tham gia phối hợp của các bộ-ngành Trung ương, dưới sự chỉ đạo và điều phối của Bộ Xây dựng và Ngân hàng Thế giới, MDR-UUP đã đạt được những thành công bước đầu. Ngày 15-5-2012, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thay mặt Chính phủ đã ký kết Hiệp định tài trợ với Ngân hàng Thế giới. Đây là một dự án lớn và có sự ảnh hưởng đến toàn vùng ĐBSCL, với tổng vốn đầu tư 399 triệu USD, trong đó vốn ODA 293 triệu USD và vốn đối ứng 106 triệu USD. Mục tiêu của dự án là nâng cao đời sống và dịch vụ đô thị ở 6 đô thị trong vùng ĐBSCL thông qua nâng cấp đô thị góp phần thúc đẩy phát triển bền vững, công bằng và có sự tham gia của xã hội, cải thiện đời sống và điều kiện vệ sinh môi trường của người dân nghèo sinh sống tại các đô thị. Dự án kéo dài 6 năm (2012-2017), khi hoàn thành có gần 300.000 người được hưởng lợi trực tiếp và 1,5 triệu người hưởng lợi gián tiếp.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thị Hồng Ánh, với những giá trị và lợi ích to lớn đã được thể hiện qua kết quả của dự án nâng cấp đô thị cũng sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới đã và đang thực hiện tại TP Cần Thơ (triển khai từ năm 2008 và sẽ kết thúc vào năm 2014), tin tưởng rằng, MDR-UUP sẽ tiếp tục góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện điều kiện sống cho các khu thu nhập thấp, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

* ĐỂ DỰ ÁN ĐẠT HIỆU QUẢ CAO

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng: Vốn vay ODA là Chính phủ vay của các nhà tài trợ để đầu tư. Do đó, ODA phải được trân trọng và sử dụng hiệu quả, mang lại lợi ích cao nhất cho người dân, phục vụ xây dựng và phát triển đất nước. Để đạt được điều đó, Bộ Xây dựng với trách nhiệm là cơ quan điều phối và triển khai MDR-UUP yêu cầu các Tiểu dự án phối hợp chặt chẽ với Ban Điều phối Bộ xây dựng và nhà tài trợ để tiến hành dự án theo đúng quy định, cam kết của Chính phủ và Ngân hàng Thế giới.

Theo Bộ Xây dựng, giai đoạn chuẩn bị của dự án đã thành công nhưng các Ban Quản lý Tiểu dự án các tỉnh tới đây khi đấu thầu cần tuyển chọn đơn vị thi công cho phù hợp đặc trưng của dự án đô thị (mỗi công trình của dự án quy mô không lớn nhưng lại len lỏi vào các khu dân cư). Song song đó, cần chú trọng công tác tập huấn, đào tạo cán bộ cho giai đoạn đầu dự án, 6 địa phương trong cùng dự án chia sẻ kinh nghiệm triển khai dự án lẫn nhau... Theo Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), dự án có tầm quan trọng rất lớn nên BIDV sẽ nỗ lực cùng Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai thực hiện tốt dự án này. Các Ban Quản lý Tiểu dự án cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau để giải ngân vốn được thuận lợi. Qua kinh nghiệm giải ngân vốn ODA cho thấy, đảm bảo vốn đối ứng là rất quan trọng nên Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bố trí nguồn vốn đối ứng cho dự án cho đủ và các địa phương cũng phải chuẩn bị nguồn vốn đối ứng...

Dự kiến kết quả của dự án

- 175.835m đường mới và đường cải tạo;

- 239.300m cống thoát nước mới và cải tạo;

- 34.300m kênh rạch mới và cải tạo;

- 3.410 lô nền đất dịch vụ mới kèm dịch vụ được xây dựng;

- 25.900 hộ gia đình được kết nối với hệ thống cấp nước;

- 139.500 người được tiếp cận với đường dân cư hoặc đường phố được nâng cấp;

- 18.900 hộ gia đình được kết nối tới bể tự hoại và hệ thống nước thải...

Ông Phạm Hoàng Nam, Chủ tịch UBND TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, cho biết: So với các đô thị trong khu vực, Rạch Giá vẫn còn nhiều khó khăn, tốc độ phát triển đô thị chậm do nguồn vốn đầu tư còn hạn chế. Là 1 trong 6 thành phố của ĐBSCL được tài trợ từ nguồn vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới để đầu tư nâng cấp đô thị là điều kiện thuận lợi để TP Rạch Giá chỉnh trang, nâng cấp đô thị, phấn đấu nâng cấp lên đô thị loại II vào năm 2014. Sau khi tiếp nhận dự án, tỉnh Kiên Giang và TP Rạch Giá đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các yêu cầu đặt ra như: thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, Ban Quản lý điều hành dự án... Địa phương cũng đã hoàn thành hồ sơ thiết kế chi tiết cho các hạng mục giai đoạn 18 tháng, cuối tháng 6-2012 hồ sơ sẽ được các cấp thẩm quyền phê duyệt và triển khai đấu thầu trong năm 2012 cho các hạng mục hoàn thành của công tác chuẩn bị...

Ông Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, cho rằng: Để dự án được triển khai đúng thời gian và đạt hiệu quả cao, đề nghị các đơn vị thực hiện dự án và tiểu dự án cần tuân thủ nghiêm pháp luật, các quy định, cơ chế, chính sách của nhà nước về đầu tư xây dựng, cũng như thực hiện tốt những quy định của nhà tài trợ. Khi triển khai dự án cần tránh những tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, đặc biệt hạn chế thấp nhất những tác động đến đời sống của người dân trong vùng có dự án. Bộ Xây dựng và Ngân hàng Thế giới tiếp tục quan tâm làm đầu mối phối hợp với nhà tài trợ duy trì dự án nâng cấp đô thị cho các thành phố còn lại thuộc các tỉnh trong vùng nhằm góp phần phát triển đô thị vùng ĐBSCL nhanh và bền vững trong thời gian tới...

Bài, ảnh: ANH KHOA

Công trình Hồ Xáng Thổi thuộc Dự án Nâng cấp đô thị đã được triển khai tại TP Cần Thơ từ năm 2008 (sO

Chia sẻ bài viết