10/07/2012 - 08:14

Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng TP Cần Thơ 2012

Khơi dậy tiềm năng, sáng tạo

Những vật tưởng chừng như bỏ đi như giấy vụn, lá cây, miếng nhôm, tăm xỉa răng... nhưng khi qua bàn tay khéo léo của các học sinh đã trở thành những vật dụng hữu ích. Đó là sản phẩm của 3 học sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba trong Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng TP Cần Thơ 2012.

Từ TP Cần Thơ trong mắt em đến Chiếc thẻ trắc nghiệm

“Đêm nay qua bến Ninh Kiều, nhớ về bóng dáng em yêu.
Lòng nghe xao xuyến bồi hồi, như dòng sông lấp lánh trăng sao.

Ông Lê Hùng Dũng (thứ 2, từ phải), Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, đang xem các sản phẩm được trưng bày tại lễ tổng kết Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng TP Cần Thơ. Ảnh: B.NG 

Dòng sông có bao nhiêu đất phù sa...”- giọng nữ ca sĩ Cẩm Ly ngân nga khúc hát trong đoạn clip ngắn về hình ảnh Bến Ninh Kiều- TP Cần Thơ, và thấp thoáng trên dòng sông là những chiếc xuồng ba lá chông chênh... Đó là phần mở đầu của sản phẩm Phần mềm “TP Cần Thơ trong mắt em” của em Phạm Công Thành, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học (TH) Ba Láng, đoạt giải Nhất cuộc thi- gây ấn tượng mạnh với người xem. Mọi người không thể rời mắt màn hình bởi những hình ảnh đất Tây Đô, nối tiếp nhau một cách hợp lý, logic; kèm theo lời bình về sự phát triển của TP Cần Thơ trong những năm gần đây.

Đam mê tin học từ năm học lớp 2, ngoài giờ học, Công Thành say mê bên máy vi tính. Và em từng đạt giải trong cuộc thi tin học của quận. Khi hay nhà trường triển khai Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng, Công Thành trao đổi ý tưởng với cô giáo chủ nhiệm và mẹ thì được hai người ủng hộ. Công Thành kể: “Em lên mạng tìm hình ảnh và thông tin về TP Cần Thơ, đặc biệt là môi trường và giao thông. Sau đó sắp xếp lại hình ảnh, câu chữ, nhờ các thầy cô trong trường xem và chỉnh sửa lại cho hoàn chỉnh. Em rất vui và không ngờ sản phẩm của em đạt giải cao như vậy”. Ước mơ của cậu học sinh này là học tốt, trở thành kiến trúc sư. Em hồn nhiên nói: “Em sẽ học thật giỏi để thi vào ngành kiến trúc đô thị, góp sức xây dựng thành phố ngày càng xinh đẹp, hiện đại hơn”.

Trong số nhiều sản phẩm sáng tạo được trưng bày tại lễ tổng kết Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng TP Cần Thơ vào cuối tháng 6-2012, “Thẻ trắc nghiệm đúng, sai- Bộ bảng chọn số”- đạt giải Nhì, đã thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu. Một đại biểu là giáo viên vừa cầm thẻ trắc nghiệm đúng, sai lên vừa nói: Sản phẩm này tiện dụng với bài trắc nghiệm. Khi chia nhóm học tập, sau khi thảo luận có kết quả, mỗi nhóm chỉ cần dùng thẻ trắc nghiệm, gạt qua, gạt lại là chọn được đúng, sai. Còn bảng chọn số, giáo viên đưa ra phép tính yêu cầu học sinh thảo luận, sau khi có kết quả, lấy bảng chứa số tương ứng với kết quả đã chọn, kéo thanh dẹp phía sau bảng sang phía đã chọn rồi giơ bảng lên. Bảng này áp dụng cho nhiều bài tập như: tìm số hạng, số trừ, thừa số... Thẻ này có tính sáng tạo, vì trước tới giờ, muốn trả lời đúng, sai, phải cần tới hai bộ thẻ, nay chỉ còn 1 bộ thẻ. Với bảng chọn số, trước đây phải thực hiện nhiều bảng chữ số, nay chỉ dùng 1 bộ bảng chọn số. Vật liệu làm từ giấy bìa cứng, giấy màu, bút, keo, ván gỗ vụn... Điều ngạc nhiên, đây là ý tưởng của cậu bé Trần Tuấn Anh, mới 8 tuổi, học lớp 2A Trường TH Trường Long 1. Trần Tuấn Anh kể: Cha em làm nghề sửa điện tử. Em quan sát cấu tạo các nét số, chữ số trên mặt đồng hồ điện tử và lịch vạn niên, mỗi chữ số được ghép bằng nhiều nét. Từ đó em nói với cha và giáo viên chủ nhiệm ý tưởng dùng nhiều nét, ghép thành chữ Đ, S và các chữ số. Sau nhiều lần chỉnh sửa, sản phẩm mới hoàn chỉnh. Thầy Lương Huỳnh Bá, Hiệu trưởng Trường TH Trường Long 1, cho biết: “Tuấn Anh học rất giỏi, thông minh. Nhà trường dùng thử nghiệm, thấy sản phẩm gọn nhẹ, độ bền cao, giúp học sinh thực hiện bài tập đỡ mất thời gian. Sắp tới, chúng tôi sẽ ứng dụng sản phẩm này trong toàn trường”.

Và sản phẩm Chiếc xe chở rác

Không chỉ tôn vinh vẻ đẹp của đất Tây Đô hay phục vụ cho ngành giáo dục, các sản phẩm đến với cuộc thi còn có nhiều gam màu khác nhau, tạo cho bức tranh cuộc thi đầy sức sống. Trong đó, sản phẩm Chiếc xe chở rác của tác giả Đào Vũ Ngọc Thảo, học sinh lớp 3, Trường TH Định Môn 1, đoạt giải Ba, đã mang hương vị mới cho nhiều người xem sản phẩm. Bởi thông điệp mà tác giả “nhí” muốn gởi gắm cho mọi người “Hãy chung tay bảo vệ môi trường bằng những chiếc xe chở rác...”. Ngọc Thảo bộc bạch: “Khi thấy người khác vứt rác ngoài đường, em nghĩ sao mình không làm một chiếc xe chở rác. Bà con có thể đổ rác vào và đổ đúng nơi quy định, tránh ô nhiễm môi trường”. Thế là, Thảo đã cùng mẹ- là giáo viên Trường TH Định Môn 1, tìm những vật liệu như sắt, thiếc vụn, nắp nhựa,... để sáng chế ra xe chở rác. Thảo nói: “Chiếc xe có 3 thùng và sẽ đựng rác đã phân loại sẵn (rác giấy vụn, rác phế liệu và rác lá cây). Mỗi ngày, chú tài xế sẽ tập kết rác về công ty để tái chế rác lại thành những vật dụng có ích phục vụ cho cuộc sống con người”.

Trong bài thuyết trình của Thảo có nêu: “Chiếc xe chở rác được dùng để chở rác sinh hoạt hàng ngày của người dân. Khi xe về đến công ty, rác được cho vào bồn tái chế, tài xế chỉ cần nhấn nút, lập tức lò xo của mỗi thùng rác sẽ bật lên, nghiêng đổ vào bồn đúng qui trình; lần lượt đến xe khác cũng làm theo qui trình như thế”. Theo đánh giá của Ban Tổ chức cuộc thi, ý tưởng của Thảo hay, bám sát được yêu cầu thời sự về vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu và mới ở chỗ, sản phẩm này ít tốn sức lao động con người, chủ yếu điều khiển bằng công nghệ máy móc, nhằm giúp cho môi trường trong lành, sạch đẹp, giảm ô nhiễm rác thải. Mô hình này có thể nhân rộng nhiều nơi. Chính vì thế, sản phẩm này đã thuyết phục các thành viên trong ban tổ chức... Khi chúng tôi hỏi, lớn lên, Thảo muốn làm gì? Thảo ngây thơ nói: “Em cố gắng học giỏi để có thể làm Giám đốc giải quyết vấn đề về... rác, để góp sức bảo vệ môi trường xanh-sạch-đẹp”. 3 năm liền, Thảo đều là học sinh giỏi và viết chữ rất đẹp. Gia đình cho biết, ở nhà, Thảo rất siêng năng, thường phụ mẹ lau nhà, rửa chén...

Cuộc thi trên do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Thành đoàn Cần Thơ tổ chức. Qua thống kê của Ban tổ chức, trong tổng số 178 hồ sơ đăng ký dự thi của các trường phổ thông trên địa bàn thành phố, Ban tổ chức đã sơ tuyển 82 hồ sơ ở nhiều lĩnh vực: giáo dục, môi trường, công nghệ thông tin... Ban tổ chức đã chấm điểm và chọn ra 15 hồ sơ để xét chọn. Theo các thí sinh, tham gia cuộc thi, các em đều rất vui và học hỏi được nhiều điều, nhất là ý nghĩa góp sức phục vụ lợi ích chung của mọi người. Để hoàn thành được sản phẩm, các em còn được gia đình và giáo viên tin tưởng, hết lòng hỗ trợ...

Theo ông Lê Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, cuộc thi đã khơi dậy tiềm năng và phát huy tư duy sáng tạo của thanh thiếu niên, nhi đồng. Cuộc thi giúp các em tăng cường trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng sáng tạo, vun đắp ước mơ trở thành nhà sáng chế trong tương lai, góp phần xây dựng thành phố ngày càng giàu đẹp, hiện đại và phát triển bền vững.

NGỌC-LÝ

Chia sẻ bài viết