Chỉ còn vài ngày nữa thôi cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra ở xứ Sương mù. Đây là dịp để người Anh thể hiện quyền công dân của mình trong việc lựa chọn chính đảng xứng đáng lãnh đạo đất nước 5 năm tới, giải quyết nhiều vấn đề cấp bách đã và đang đặt ra đối với đảo quốc này, từ phát triển kinh tế, cải thiện chính sách an sinh-xã hội, cho đến xử trí "xu hướng ly khai" trong Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, đặc biệt là chuyện đi hay ở lại "mái nhà chung" Liên minh châu Âu (EU), vốn đang làm phân hóa sâu sắc xã hội Anh. Mỗi đảng phái đều có cương lĩnh tranh cử riêng, nhưng do chưa lường hết tác động của từng vấn đề đối với xã hội Anh, đặc biệt là vai trò và vị thế của nước Anh trên trường quốc tế, nên chẳng đảng phái nào có cương lĩnh tranh cử toàn diện đủ sức thuyết phục tuyệt đại đa số cử tri ủng hộ.
Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy cuộc tổng tuyển cử lần này tiếp tục là cuộc đua sát nút giữa hai đảng Bảo thủ và Công đảng. Theo kết quả thăm dò sau buổi tranh luận trực tiếp trên kênh BBC ngày 30-4, lãnh đạo đảng Bảo thủ, đồng thời là đương kim Thủ tướng Anh David Cameron hiện đang dẫn đầu với 44% người ủng hộ phần diễn thuyết của ông, theo sau là lãnh đạo Công đảng Ed Miliband với tỷ lệ 38% và lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do Nick Clegg với tỷ lệ 19%. Cuộc thăm dò dư luận trước đó do tổ chức ICM tiến hành và đăng trên báo Guardian ngày 27-4 cũng cho thấy, đảng Bảo thủ vẫn dẫn đầu tỷ lệ ủng hộ với 35% so với mức 32% của Công đảng, nhưng rõ ràng chưa đảng nào có tỷ lệ ủng hộ quá bán.
Có thể nói, chính sách kinh tế và vấn đề người nhập cư đã trở thành đề tài chính để các đảng phái khai thác triệt để trong những ngày cuối của cuộc vận động tranh cử nhằm thu hút lá phiếu cử tri, đặc biệt là trong giới doanh nghiệp và người lao động. Trong các buổi tranh luận trực tiếp trên truyền hình, Thủ tướng đương nhiệm Cameron cáo buộc chính sách tăng thuế và đi vay nhiều hơn của các đối thủ chính trị đã làm tăng thêm áp lực lên khoản nợ 1,5 nghìn tỉ bảng Anh. Đồng thời, ông cũng cho rằng việc Công đảng tăng thuế sẽ làm tê liệt nền kinh tế nếu đảng này giành được quyền lực. Bên cạnh các chính sách kinh tế, Thủ tướng Cameron hứa sẽ cung cấp một chính sách nhập cư "kiểm soát và công bằng" nếu được tái cử.
Tuy nhiên, vấn đề nhập cư được xem là có liên quan chặt chẽ đến tư cách thành viên EU. Nguyên tắc tự do đi lại quy định trong các Hiệp ước của EU khiến cho không quốc gia nào có quyền kiểm soát hoàn toàn đối với biên giới nước mình. Sự trỗi dậy bất ngờ của đảng Độc lập Vương quốc Anh (UKIP), vốn chủ trương bài ngoại thời gian qua, cộng với làn sóng hoài nghi châu Âu trong nội bộ đảng Bảo thủ gia tăng đã buộc Thủ tướng David Cameron phải đưa ra lời hứa tổ chức trưng cầu ý dân về tư cách thành viên EU trước cuối năm 2017. Trong khi đó, lãnh đạo Công đảng từ chối đưa ra các cam kết tương tự do ông Ed Miliband cho rằng rời khỏi EU sẽ tác động tiêu cực đến nước Anh.
Sự đắn đo của Công đảng và đảng Bảo thủ trong những vấn đề nói trên được đáp lại bằng sự đắn đo và lưỡng lự của cử tri Anh mà các cuộc thăm dò đã thể hiện. Chính sự thiếu bứt phá của hai chính đảng lớn nhất Anh này mà các đảng nhỏ hơn có cơ hội nắm quyền quyết định cán cân quyền lực trong tổng tuyển cử vào ngày 7-5 tới. Với hy vọng có thể thu hút sự ủng hộ của tầng lớp cử tri nghèo, các chiến lược gia tranh cử của đảng Dân chủ Tự do đã soạn cho ông Clegg một cương lĩnh tranh cử nhấn mạnh tới một xã hội công bằng hơn, trong đó ưu tiên các chính sách dân sinh như tăng giờ trông miễn phí trẻ dưới 2 tuổi cho các gia đình có bố mẹ đi làm, mở rộng chương trình bữa ăn miễn phí cho tất cả học sinh tiểu học, đầu tư thêm 8 tỉ bảng mỗi năm cho Dịch vụ y tế quốc gia (NHS) đến năm 2020, xây thêm 300.000 nhà mới mỗi năm...
Theo giới phân tích, các chính sách của đảng Dân chủ Tự do tương đối giống với cương lĩnh tranh cử của đảng Bảo thủ. Họ hy vọng có thể thuyết phục được những cử tri còn do dự chưa biết bỏ phiếu cho đảng nào, đồng thời vẫn tin sẽ tiếp tục được đảng Bảo thủ lựa chọn để liên minh nếu đảng Bảo thủ giành chiến thắng ở cuộc bầu cử sắp tới. Trong khi đó, đảng Dân tộc Scotland (SNP) chủ trương tách Scotland khỏi Anh lại muốn bắt tay với Công đảng để "hạ bệ" đảng Bảo thủ của ông Cameron, dù cả ông Ed Miliband lẫn ông Cameron vẫn đang nỗ lực để đảng của mình có thể "độc diễn" trên chính trường Anh.
NHẬT QUANG