|
Cha con tỉ phú Warren Buffett.
Ảnh: The Observer |
"Anh là con trai của tỉ phú Warren Buffett à? Nhưng anh thật tầm thường!". Trước đây, hầu hết những người mới biết Peter Buffett đều nói với anh như vậy. Peter hiểu khó trách mọi người nghĩ như vậy khi cha anh là cái tên quá lẫy lừng trên thương trường với khối tài sản mà chỉ cần ngồi không cũng ăn không hết. Lớn lên trong cảnh giàu sang, những “thiếu gia” như Peter thường được người đời cho rằng làm sao biết được giá trị của đồng tiền hay ngày công lao động. Thế nhưng, mấy chục năm qua, trái với suy nghĩ của số đông, cậu con trai út của nhà tài phiệt Mỹ giàu thứ 3 trên thế giới năm 2010 (theo xếp hạng của tạp chí Forbes) đã không núp bóng cha mình mà theo đuổi con đường riêng, và anh đã thành công.
Nhìn bề ngoài, niềm say mê âm nhạc của Peter không dính dáng gì với thú đam mê mổ xẻ hoạt động của các doanh nghiệp trước khi quyết định rót tiền đầu tư của cha anh. “Nhưng thực sự, cha con chúng tôi đều giống nhau. Chúng tôi theo đuổi những gì mình say mê”, Peter chia sẻ với báo giới khi ra mắt quyển sách mới với tựa đề “Life is What You Make It: Find Your Own Path to Fulfillment” (tạm dịch: Cuộc sống là do bạn tạo dựng: Hãy tự tìm hướng đi đến thành công) hồi tuần trước. Trong quyển sách được tỉ phú Warren đánh giá là “tuyệt vời” này, Peter đã chia sẻ kinh nghiệm sống bằng chính đôi chân của mình dù có người cha giàu sang tột bậc.
Theo Peter, sở dĩ anh không hư thân như không ít những cậu ấm cô chiêu khác lớn lên trong nhung lụa là nhờ người cha tỉ phú không bao giờ nuông chiều con cái. Cha anh quan niệm, những đứa trẻ con nhà phú quí thường lớn lên với “dao găm bạc trên lưng” từ dùng của tỉ phú Warren để chỉ tâm lý tự mãn và không có chí tiến thủ và đó là một thảm họa. Thực ra hồi nhỏ, Peter từng ỷ lại vào gia đình giàu có của mình nhưng đến năm 20 tuổi, anh bị cha bắt ra riêng với “gia sản thừa kế”: cổ phần trị giá 90.000 USD của tập đoàn Berkshire. Với nhiều người, đây có thể là số tiền lớn nhưng theo Peter, cha anh không nghĩ số tiền đó nhiều tới mức suốt đời anh không cần phải làm gì cả.
Lúc đó, Peter đang học năm nhất Đại học Stanford nhưng anh quyết định bỏ học khi nhận ra rằng âm nhạc mới chính là hơi thở của mình. Chính Warren đã khuyến khích con trai theo đuổi âm nhạc, và đã ví nó giống như đam mê của ông dành cho Berkshire từ một công ty dệt làm ăn thua lỗ đã được ông biến thành tập đoàn đầu tư bảo hiểm, năng lượng và hàng tiêu dùng trị giá 200 tỉ USD. Do đã được chia thừa kế nên sau khi nghỉ học nửa chừng, Peter hiểu anh không nên trông đợi gì thêm mà phải tự xoay xở cuộc sống của mình. Anh chuyển đến San Francisco bắt đầu cuộc sống tiện tặn và khởi nghiệp bằng việc sáng tác những đoạn nhạc 10 giây chen giữa các chương trình trên kênh MTV mới thành lập.
Cho đến giờ, Peter vẫn không hối tiếc vì đã bán cổ phần trong Berkshire (nếu còn, hiện giá trị lên đến 70 triệu USD) bởi nó đã giúp anh phát triển sự nghiệp âm nhạc của mình. Bằng những nỗ lực của bản thân, Peter Buffett giờ trở thành nhạc sĩ tên tuổi ở Mỹ, từng đoạt giải Emmy (được xem là giải Oscar của thể loại truyền hình), sáng tác nhạc nền cho nhiều phim quảng cáo, truyền hình và điện ảnh, trong đó có bộ phim nổi tiếng “Dances with Wolves” (Khiêu vũ với bầy sói), và phát hành 15 CD. Ông cũng là diễn giả về quản lý tài chính và giáo dục con cái sống có trách nhiệm và độc lập.
Cách đây không lâu, tỉ phú Warren, 79 tuổi, tuyên bố sau khi ông qua đời, hầu hết tài sản, theo đánh giá của Forbes là khoảng 47 tỉ USD, sẽ được quyên cho từ thiện. Với Peter, ba anh chị anh được cha để lại gia tài đáng giá hơn tiền, đó chính là đạo đức sống và bản tính độc lập. Đó cũng chính là điều mà tác giả 52 tuổi này muốn nhắn nhủ đến những bậc làm cha làm mẹ lắm tiền nhiều của hiện nay: Hãy dạy con bạn các giá trị trong cuộc sống và đừng bao giờ cho chúng tất cả những gì chúng đòi hỏi. “Sự thịnh vượng kinh tế có thể đến rồi đi bởi nó vốn dĩ là thế nhưng các giá trị sống là đồng tiền vững chắc mang lại cho chúng ta những thành tựu vô biên”, Peter đúc kết.
QUỐC CHÂU
(Theo SHM, The Observer, AP, Reuters)