07/11/2020 - 09:33

Khi nhà có “ông trời con” 

Chiều cuối tuần, vừa đi học về, bé Bo, 6 tuổi, quăng cặp xuống sàn, la lớn: “Bà ngoại đâu rồi, thấy người ta đi học về mệt muốn chết mà không đem nước cho uống nữa!”. Thay vì uốn nắn cách nói chuyện của cháu, ngoại Bo tất tả lấy nước dỗ dành: “Cục cưng của tui đó, mới bây lớn mà khôn dữ lắm!”. Lát sau, tới giờ ăn cơm, Bo nhìn trên bàn thấy thịt kho thì giãy lên không chịu, đòi cánh gà chiên. Năn nỉ không được, bà ngoại phải đi mua cánh gà vì cháu dọa nhịn đói.

Người lớn hãy rèn dạy, uốn nắn cho con những thói quen tốt, để trẻ biết chia sẻ, sống hòa đồng, thân thiện với mọi người.

Một lần bạn ông ngoại tới chơi, Bo không chịu ra nhà sau mà bày đồ chơi giữa phòng khách, gây ồn ào. Nói cháu không nghe, ông ngoại la nếu Bo không ngoan sẽ phạt thì Bo cãi lại: “Con làm gì kệ con, mốt không cho ngoại ở đây nữa”, khiến cả nhà muối mặt với khách.

Ðó là những tình huống thường xảy ra trong gia đình chị Ngọc ở quận Ninh Kiều. Là cháu trai duy nhất nên Bo rất được hai bên nội, ngoại cưng chiều. Biết vị trí của mình nên Bo hay nhõng nhẽo, bắt người thân phải đáp ứng các yêu cầu, nếu không được thì quậy phá. Bo còn hỗn hào với ông bà, cha mẹ, bắt nạt các bạn trong xóm nên ít ai chịu chơi chung. Bo đi học, mỗi khi cô giáo mắng vốn việc Bo đánh bạn, xé tập, hỗn với cô thì về nhà mẹ Bo lại cùng con “nói xấu” cô, rồi mua đồ chơi năn nỉ để con chịu đi học. Gia đình không dạy dỗ, giúp con cháu thấy cái sai để sửa đổi tính nết mà dung túng nên Bo tưởng mình hay, làm tới, ngày càng ngỗ ngược.

Trước đây, bé Tuấn, con trai chị Bích Thủy ở quận Bình Thủy (hiện đang học lớp 5) cũng thuộc hàng “siêu quậy” trong nhà. Ðược cha và ông bà nội quá cưng nên Tuấn ương bướng, hung hăng, hay trả treo. Chị Thủy kể: “Tôi nhớ có lần con mê chơi game, tôi kêu cất điện thoại, con không nghe, nói cha mua, mẹ không có quyền la. Tôi lại lấy điện thoại thì con quăng mạnh vào vách tường bể luôn, thời điểm đó con 7 tuổi. Thấy không ổn, tôi bàn với ông bà nội có biện pháp với con, không thể để con có cách cư xử như vậy!”. Ngoài việc thường xuyên kể chuyện, giải thích cho con hiểu, mỗi khi thấy con hỗn, có hành động không đúng, chị Thủy can thiệp ngay. Cha và ông bà nội cũng phối hợp dạy dỗ, không bênh cháu như trước. Bây giờ bé Tuấn đã sửa đổi tính tình, lễ phép, biết nghe lời người lớn.

Việc quá cưng chiều nên không uốn nắn khi con cháu nói hỗn, làm sai thường xảy ra trong nhiều gia đình. Ðiều này vô tình khiến trẻ hư, tiêm nhiễm thói quen xấu, ảnh hưởng không nhỏ đến sự hình thành tính cách khi lớn lên. Trẻ còn nhỏ chưa ý thức được hành vi, tiết chế cảm xúc nên rất cần người lớn định hướng trong cư xử hằng ngày. Việc giáo dục trẻ cần sự kiên nhẫn, thấu hiểu, bao dung và người lớn phải thật sự làm gương. Ðừng vì sự dễ dãi, chủ quan mà để trẻ thành “ông trời con” trong nhà, muốn gì được nấy. Bởi khi trẻ nổi loạn, vượt khỏi tầm kiểm soát của gia đình, sẽ khó lường hậu quả.

Bài, ảnh: CÁT TƯỜNG

Chia sẻ bài viết