22/10/2023 - 10:47

Khi nào đổ mồ hôi đêm là tình trạng bất thường? 

Ðổ mồ hôi là cơ chế tự nhiên giúp làm mát của cơ thể và duy trì thân nhiệt tối ưu. Nhưng việc thường xuyên thức giấc nửa đêm vì cơ thể ướt đẫm mồ hôi thì không phải là điều bình thường. Các chuyên gia khuyến nghị mọi người nên lưu tâm đến tình trạng đổ mồ hôi đêm, để kịp thời ngăn chặn những vấn đề gây hại sức khỏe.

Phụ nữ dễ bị đổ mồ hôi đêm hơn nam giới.

Các chuyên gia sức khỏe cho biết vùng dưới đồi, nằm ở đáy não, là một phần của hệ nội tiết và là trung tâm kiểm soát nhiệt độ của cơ thể. Vùng này chứa các cảm biến nhiệt độ, phụ trách nhận thông tin từ các tế bào thần kinh (thụ thể nhiệt) nằm ở trung tâm các cơ quan) và bề mặt da. Khi phát hiện thay đổi về thân nhiệt, các cảm biến nhiệt sẽ phản hồi tín hiệu đến vùng dưới đồi nhằm kích hoạt cơ chế đổ mồ hôi để làm mát cơ thể hoặc run rẩy để làm ấm cơ thể.

Những nguyên nhân gây đổ mồ hôi đêm

+ Thay đổi hoóc-môn. Bất kỳ ai cũng có thể bị đổ mồ hôi đêm, nhưng phụ nữ gặp tình trạng này nhiều hơn nam giới, phần lớn là do mãn kinh và thay đổi nồng độ hoóc-môn liên quan tới mãn kinh. 80% phụ nữ trải qua các cơn bốc hỏa hoặc đổ mồ hôi đêm trong giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh. Những cơn bốc hỏa xảy ra vào ban ngày thường thoáng qua và có thể kèm theo đổ mồ hôi. Còn khi xảy ra vào buổi tối, chúng gây đổ mồ hôi dữ dội hơn. Sự thay đổi nồng độ estrogen được cho là có tác động đến mức norepinephrine và serotonin, hai chất dẫn truyền thần kinh ảnh hưởng đến việc điều chỉnh nhiệt độ ở vùng dưới đồi.

Hoóc-môn cũng gây đổ mồ hôi đêm ở nam giới, đặc biệt là những người có nồng độ testosterone thấp, được gọi là suy sinh dục. Khoảng 38% nam giới trên 45 tuổi có nồng độ testosterone thấp.

+ Nhiễm trùng, mắc bệnh và dùng thuốc. Khi cơ thể đang chống lại nhiễm trùng, thân nhiệt thường tăng lên. Ðiều này kích thích cơ chế đổ mồ hôi để làm mát và giảm nhiệt độ cơ thể. Tuy các bệnh nhẹ như cảm lạnh có thể gây đổ mồ hôi đêm, song tình trạng này cũng có thể là triệu chứng của các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng, bao gồm virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV), các bệnh nguy hiểm như ung thư hạch Hodgkin và không Hodgkin (thường kèm theo một số triệu chứng khác).

Việc dùng một số loại thuốc nhất định - như thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI), corticosteroid, hoóc-môn tuyến giáp thay thế và methadone - cũng gây đổ mồ hôi đêm.

+ Căng thẳng tinh thần (stress), ngáy và vận động cường độ cao. Những người mắc chứng lo âu thường đổ mồ hôi đêm. Nguyên nhân là căng thẳng về tâm lý dễ kích hoạt hệ thống “đương đầu hay lảng tránh” của cơ thể khi stress, từ đó giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh làm tăng nhịp tim, hô hấp và huyết áp. Ðiều này khiến cơ thể nóng lên, nên bắt đầu đổ mồ hôi để hạ nhiệt.

Ðổ mồ hôi đêm cũng có liên quan đến các rối loạn giấc ngủ như chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA), khiến đường thở bị tắc nghẽn trong lúc ngủ và gây ra tiếng ngáy to. Khoảng 1/3 số người mắc OSA thường đổ mồ hôi ban đêm.

Bên cạnh đó, đổ mồ hôi đêm cũng dễ xảy ra sau khi tập luyện thể chất cường độ cao. Bởi vận động mạnh có thể kích thích tuyến giáp, tăng tốc độ trao đổi chất và nhiệt độ cơ thể tận 14 giờ sau khi tập luyện. Ðổ mồ hôi đêm còn là dấu hiệu của tập luyện quá sức hoặc thiếu năng lượng. Nếu không nạp đủ lượng calo để hỗ trợ vận động, lượng đường trong máu sẽ giảm và dẫn tới hạ đường huyết - yếu tố có thể gây đổ mồ hôi đêm.

Làm gì khi bị đổ mồ hôi đêm?

Nếu đổ mồ hôi đêm diễn ra thường xuyên, gây khó chịu, cản trở giấc ngủ hoặc kèm theo các triệu chứng như mệt mỏi hoặc sụt cân (không liên quan đến thay đổi lối sống hoặc chế độ ăn), bạn cần đi kiểm tra sức khỏe để bác sĩ xác định nguyên nhân và tìm hướng điều trị.

Còn nếu đổ mồ hôi đêm mà không ảnh hưởng gì đến sức khỏe, bạn có thể thử điều chỉnh lại nhiệt độ mát mẻ cho phòng ngủ và sử dụng quạt nếu cần thiết. Mặc đồ ngủ may bằng chất liệu thoáng khí, sử dụng áo gối, ga từ vải mát nhẹ. Ngoài ra, tránh dùng thực phẩm cay nóng, chứa caffeine hoặc rượu trước khi đi ngủ.

AN NHIÊN (Theo Study Finds)

Chia sẻ bài viết