01/09/2012 - 20:26

Khi nào chúng ta mới thực sự cần phải xét nghiệm?

 Các chuyên gia y tế Mỹ khuyên bác sĩ và bệnh nhân chỉ tiến hành xét nghiệm khi thực sự cần thiết.  Ảnh: topnews.in

Ngày nay, mỗi khi đi khám bệnh, bệnh nhân thường được bác sĩ yêu cầu thực hiện hàng loạt cuộc kiểm tra, như xét nghiệm máu, đo điện tâm đồ, siêu âm… Một số xét nghiệm có thể xem là hữu ích, số khác chỉ khiến bệnh nhân lãng phí thời gian và tiền bạc, thậm chí rất hại cho sức khỏe. Chính vì vậy, các chuyên gia y tế Mỹ kêu gọi các bác sĩ và bệnh nhân nên suy nghĩ 2 lần trước khi quyết định làm các xét nghiệm không cần thiết.

Theo Tiến sĩ Glen Stream ở Học viện Bác sĩ Gia đình Mỹ (AAFP), xét nghiệm có thể xác nhận kết quả chẩn đoán hoặc xác định phác đồ điều trị, do đó, chúng ta cần theo dõi kỹ triệu chứng trước khi quyết định loại xét nghiệm nào là thực sự cần thiết. Chẳng hạn như các trường hợp sau đây:+ Triệu chứng: đau rát khi tiểu tiện, nước tiểu mờ đục hoặc đau nhức ở xương chậu.Đề xuất: xét nghiệm nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI). Một xét nghiệm đơn giản tại phòng khám giúp xác định bạn có bị nhiễm trùng hay không, còn phương pháp xét nghiệm phức tạp hơn thì dùng để xác định loại vi khuẩn gây bệnh. “Mỗi vi khuẩn có thể kháng lại một loại kháng sinh nào đó, nên xét nghiệm kỹ càng giúp bác sĩ có được phương án điều trị chính xác” - theo Tiến sĩ Stream. + Triệu chứng: tâm trí bần thần, làn da tái nhợt và mệt mỏi, đặc biệt là phụ nữ trong những ngày “đèn đỏ”.Đề xuất: xét nghiệm tình trạng thiếu máu (tế bào hồng cầu giảm thấp). Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản đặc biệt dễ bị thiếu máu do thiếu sắt. Bằng cách kiểm tra lượng máu, bác sĩ có thể đánh giá nó nghiêm trọng mức nào để điều trị, chẳng hạn dùng thuốc bổ sung sắt hay biện pháp điều hòa kinh nguyệt.+ Triệu chứng: hay đau bụng bất thườngĐề xuất: siêu âm vùng chậu. Đây là cách tốt nhất để kiểm tra các vấn đề như u xơ tử cung, mang thai ngoài tử cung hoặc u nang buồng trứng. “Siêu âm là phương pháp chẩn đoàn bệnh không xâm lấn, tương đối rẻ tiền và ít có tác dụng phụ” - Tiến sĩ David W. Lee, một bác sĩ gia đình ở bang Virginia, cho biết. + Triệu chứng: phát ban, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc đau cơ, khớp không rõ nguyên nhân.Đề xuất: xét nghiệm máu chẩn đoán bệnh Lyme. Căn bệnh này có triệu chứng tương tự những bệnh khác, chẳng hạn như viêm khớp mãn tính, nên xét nghiệm máu đóng vai trò quan trọng giúp xác nhận kết quả chẩn đoán – theo Tiến sĩ Deborah Horwitz, một bác sĩ khoa nội ở bang Maryland. Bệnh Lyme khi phát hiện sớm có thể điều trị khỏi, nếu không, nó có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng.+ Triệu chứng: mệt mỏi, táo bón, tăng hoặc sụt cân bất thường hoặc da bỗng dưng bị khô hoặc nhờn.Đề xuất: xét nghiệm máu để kiểm tra chức năng tuyến giáp. “Phụ nữ dễ mắc các bệnh liên quan đến tuyến giáp, điều khiển cơ chế chuyển hóa trong cơ thể” - Tiến sĩ Stream cho biết. Nếu phụ nữ trong độ tuổi 40 hoặc 50 đến than phiền với bác sĩ rằng họ hay mệt mỏi và tăng hoặc giảm cân, chắc chắn bác sĩ sẽ chẩn đoán họ có vấn đề ở tuyến giáp. Việc xét nghiệm máu nhằm đo hàm lượng hoóc-môn kích thích tuyến giáp (do tuyến yên tiết ra) cũng như các hoóc-môn T3 và T4 có thể xác định tuyến yên của bệnh nhân có hoạt động kém (gây uể oải) hay hoạt động quá mức (gây sụt cân, hồi hộp và các tác dụng phụ khác) hay không. + Triệu chứng: sốt, đau họng, khó nuốt.Đề xuất: xét nghiệm liên cầu khuẩn. “Ngay cả những bác sĩ giàu kinh nghiệm nhất cũng thường gặp khó khi phân biệt đau họng do nhiễm khuẩn với các dạng do vi-rút khác bởi chúng có các triệu chứng rất giống nhau” - Tiến sĩ Stream phân tích. Xét nghiệm nhanh dịch trong cổ họng tại phòng khám của bác sĩ có thể cho kết quả trong ít phút, nhưng tỷ lệ sai lệch của nó lên tới 5%. Vì vậy, bạn có thể yêu cầu bác sĩ gửi bệnh phẩm đến phòng xét nghiệm để có được kết quả chính xác hơn và có biện pháp chữa trị hiệu quả.

HOÀNG ĐIỂU (Theo CNN)

Chia sẻ bài viết