 |
Ước tính chỉ còn khoảng 1.600 con gấu trúc sống trong tự nhiên. Ảnh: Telegraph |
Gấu trúc loài vật chỉ có ở Trung Quốc và đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng lâu nay trở thành một trong những biểu tượng quảng cáo được nhiều người biết đến nhất trên thế giới. Tuy nhiên, do bản tính nhút nhát và xa lánh mọi người, gấu trúc được xem là một trong những sinh vật bí ẩn nhất hành tinh. Chẳng hạn, tại sao chúng chỉ ăn lá trúc? Tại sao chúng sinh sản kém? Hay tại sao loài vật khó thích nghi như vậy lại có thể tồn tại đến ngày nay? Những bí ẩn này mới đây đã được các nhà khoa học làm sáng tỏ. Theo đó, khác với những gì chúng ta nghĩ bấy lâu nay, loài gấu dễ thương này thật sự được trang bị tốt các kỹ năng để sinh tồn.
Nhiều người hay thắc mắc tại sao họ nhà gấu vốn ăn thịt còn gấu trúc lại ăn thực vật, và đặc biệt chỉ nghiện mỗi món lá trúc ít dinh dưỡng. Chúng hẳn phải bỏ ra hơn nửa ngày để ngồi “măm” lá trúc thì mới đủ lượng calorie cần cho cơ thể. Theo các nhà khoa học, chính ưu điểm sinh sôi nhanh cộng với phạm vi phân bố rộng khắp và hiện diện quanh năm suốt tháng đã đưa lá trúc trở thành món khoái khẩu của gấu trúc.
Sử dụng ngón chân thứ 6 vốn hình thành từ xương cổ chân, gấu trúc dễ dàng chộp lấy nhánh trúc và tuốt lá. Sau đó, xương sọ và hàm răng chắc khỏe giúp chúng nghiền nát lá trúc thô ráp thành tinh chất cho vào bụng, đồng thời vi khuẩn hoạt động mạnh mẽ trong ruột sẽ giúp tiêu hóa lá trúc. Năm 2009 khi giải mã bộ gien của gấu trúc, các nhà di truyền học phát hiện có một gien bị đột biến - được cho là nguyên nhân chính khiến loài này không hứng thú với thịt. Mặc dù vậy, bộ gien của chúng vẫn chứa đầy đủ các men cần thiết để tiêu hóa thịt.
Một điều khác nữa khiến mọi người lầm tưởng về gấu trúc là chúng kết giao bạn tình kém. Song, trong một nghiên cứu dài hạn, các nhà khoa học phát hiện loài vật đặc hữu ở Trung Quốc rất nhạy đẻ. Thật ra, “tiếng xấu” về khả năng duy trì nòi giống của gấu trúc xuất phát từ chuyện con cái chỉ động dục một hoặc hai ngày trong năm. Song, trong giai đoạn này, con đực và con cái tích cực tìm kiếm bạn tình và rất háo hức giao phối. Gấu cái có thể mang bầu mỗi khi có cơ hội. Con non sinh ra tuy ốm yếu và chỉ nặng khoảng 100 gam nhẹ nhất trong số con non của các loài có vú - nhưng cha mẹ chúng chăm sóc con rất chu đáo cho đến khi chúng trưởng thành.
Một điều thú vị nữa mà ít người biết về gấu trúc đó là những vết mùi (nước tiểu) trên thân cây rừng mà chúng để lại. Các thân cây này đóng vai trò như “bảng thông tin” và mọi con gấu trúc đi qua đều vô tình để lại thông tin của mình. 10 năm qua, các nghiên cứu được thực hiện trên đàn gấu trúc nuôi ở Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Gấu trúc Thành Đô ở tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc). Thông qua vết nước tiểu của gấu trúc, các nhà khoa học có thể biết được nhiều thông tin về chúng như giới tính, tuổi tác, lịch sử sinh đẻ và cả tư thế đứng “tè”.
Theo các nhà nghiên cứu, độ cao của vết nước tiểu mà gấu trúc để lại trên thân cây còn tiết lộ cả địa vị trong bầy đàn. Vết tiểu ngược trên cây càng cao chứng tỏ con gấu trúc đó càng to lớn và có uy quyền. Sau khi xác định nước tiểu là phương tiện giao tiếp chính của gấu trúc, giới khoa học tiến hành phân tích sản phẩm bài tiết này ở cấp độ phân tử và phát hiện chúng chứa khoảng 1.000 hợp chất hóa học khác nhau. Đáng ngạc nhiên là không chỉ nước tiểu của con đực và con cái có những hợp chất khác nhau mà ngay cả giữa những con cùng giới cũng có dấu hiệu riêng biệt. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khám phá rằng quầng mắt của mỗi con gấu trúc cũng thể hiện được giới tính và các đặc điểm cá nhân. Theo họ, hình dạng của quầng mắt thường không thay đổi ít nhất trong một năm.
BẢO TRÂM (Theo Telegraph)