16/05/2018 - 07:39

Khám phá cơ chế tạo ra hoạt chất chống ung thư của cây dừa cạn 

Sau gần 60 năm tìm hiểu, các nhà khoa học trên thế giới cuối cùng đã khám phá cách tổng hợp hoạt chất quan trọng từ lá của hoa dừa cạn – từ lâu được chứng thực có công dụng chống ung thư.

Hoạt chất trích xuất từ cây dừa cạn được xem là dược liệu quý trong cuộc chiến chống ung thư. Ảnh: Drug Discovery & Development
Hoạt chất trích xuất từ cây dừa cạn được xem là dược liệu quý trong cuộc chiến chống ung thư. Ảnh: Drug Discovery & Development

Hoạt chất có tên gọi vinblastine, được phát hiện từ những năm 1950 tại Canada, có khả năng ngăn chặn cơ chế phân bào và sinh sôi của tế bào, từ đó được áp dụng để chống bệnh ung thư bàng quang, tinh hoàn, phổi, buồng trứng và vú. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) liệt kê vinblastine vào nhóm thuốc thiết yếu và nằm trong danh mục “thuốc hiệu nghiệm và an toàn nhất”. Vấn đề là quá trình trích xuất vinblastine rất phức tạp và tốn kém - cần tới 500kg lá hoa dừa cạn sấy khô mới chiết xuất được 1gr vinblastine.

Nhằm tăng hiệu quả và giảm chi phí sản xuất, 15 năm trở lại đây, nhóm nghiên cứu của Giáo sư Sarah O’Connor tại Trung tâm John Innes (Anh) đã nỗ lực giải mã gien của cây dừa cạn. Nhưng cuối cùng, Tiến sĩ Lorenzo Caputi và các đồng nghiệp tại Pháp đã tìm ra lời giải.

Theo đó, nhóm chuyên gia đã xác định được 2 enzyme bị thiếu trong phân đoạn cuối tạo ra vinblastine trong cây dừa cạn: catharanthine và tabersonine. Sử dụng công nghệ hiện đại và các kỹ thuật sinh học tổng hợp, họ đã chuyển đổi thành công hai tiền chất nói trên thành vinblastine, qua 31 công đoạn. Các nhà khoa học cho biết kỹ thuật sinh học tổng hợp có thể nhân đôi số lượng các enzyme và giúp rút ngắn quá trình sản xuất vinblastine. Họ hy vọng có thể tăng sản lượng tổng hợp vinblastine hoặc hai tiền chất của nó là catharanthine và tabersonine trong vòng 12-18 tháng tới.

ĐƯỜNG THẤT (Theo Medical News Today)

Chia sẻ bài viết