Trong những năm qua công tác xúc tiến thương mại đã góp phần không nhỏ thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), sản phẩm đặc trưng địa phương. Với sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua việc kết nối thị trường, tạo liên kết vùng đã dần hình thành các chuỗi cung ứng lớn và bền vững. Nhờ đó, hàng hóa nông sản, sản phẩm OCOP của mỗi địa phương giảm thiểu các hiện tượng bấp bênh về thời vụ, có cơ hội mở rộng thị trường trong và ngoài nước.
Phát huy “đầu tàu” kết nối
TP Hà Nội thường xuyên tổ chức các hoạt động hỗ trợ kết nối trái cây, nông sản tại các tỉnh, thành phố trên cả nước bằng nhiều hình thức như tổ chức các đoàn giao thương, khảo sát, kết nối sản phẩm tại thị trường Hà Nội. Theo đó, hằng năm, TP Hà Nội tổ chức trên 30 hội chợ tuần hàng trái cây, nông sản, sản phẩm hàng Việt để quảng bá, giới thiệu sản phẩm của các tỉnh, thành phố; thông tin danh sách trên 5.000 sản phẩm từ các tỉnh đến bộ phận thu mua các kênh phân phối để chủ động kết nối theo mùa vụ, nhu cầu… các hoạt động trên đã hỗ trợ tiêu thụ trên 500.000 tấn sản phẩm của các tỉnh, thành phố tại thị trường Hà Nội.
Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP TP Cần Thơ tại Hội nghị kết nối giao thương giữa 5 thành phố trực thuộc Trung ương với các tỉnh ĐBSCL và một số tỉnh Đông Nam Bộ năm 2024.
Với vai trò “cầu nối”, ngành Công Thương Hải Phòng đã tích cực phối hợp các cơ quan chức năng Trung ương, các tỉnh, thành phố trong cả nước triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và địa phương. Trong đó, tập trung tổ chức các hội chợ triển lãm, các chương trình kích cầu tiêu dùng, đưa hàng Việt về nông thôn; kết nối tiêu thụ hàng hóa giữa doanh nghiệp, đơn vị sản xuất của Hải Phòng với doanh nghiệp của các tỉnh, thành phố trong cả nước… Thông qua các hoạt động, hàng trăm doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước đã giới thiệu tới đông đảo người tiêu dùng các sản phẩm đặc trưng vùng, miền, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP; hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm làng nghề vào tiêu thụ ổn định tại hệ thống siêu thị, chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố và ngược lại. Qua đó, Hải Phòng đã dần hình thành những chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm đặc trưng vùng, miền theo hướng hiện đại, bền vững.
Để giữ vững vai trò đầu tàu phát triển ngành Công Thương, TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh các hoạt động phối hợp thực hiện chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước, thường xuyên tổ chức, triển khai các chương trình tiêu thụ hàng hóa tại thị trường nội địa, đặc biệt thông qua các kênh thương mại điện tử. Khuyến khích doanh nghiệp tận dụng cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu khi hiệp định thương mại tự do có hiệu lực. Đồng thời đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng mẫu mã sản phẩm, ưu tiên công nghệ sạch, phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; mở các mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu trong bối cảnh hội nhập quốc tế...
Đà Nẵng đóng vai trò là động lực tăng trưởng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Với vị trí địa lý thuận lợi, dễ dàng kết nối với các tỉnh, thành phố trong cả nước và thế giới, Đà Nẵng từng bước khẳng định vị thế và trở thành một trong những điểm đến thu hút đầu tư đầy tiềm năng. Cảng Đà Nẵng điểm cuối phía Đông của tuyến hành lang kinh tế Đông Tây, là cửa ngõ ra Biển Đông của các địa phương miền Trung, Lào, Thái Lan và Myanmar. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các nhà đầu tư, Đà Nẵng đã và đang không ngừng nỗ lực cải thiện, nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở hạ tầng.
Phát huy tối đa lợi thế là trung tâm đầu mối phân phối và xuất khẩu của vùng ĐBSCL, TP Cần Thơ tăng cường kết hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt là với các địa phương vùng ĐBSCL, TP Hồ Chí Minh các thành phố trực thuộc Trung ương, thúc đẩy các hoạt động kết nối, tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản. Cần Thơ xây dựng được 153 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó 75 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, 78 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao; đã phát triển được vùng nguyên liệu trồng dâu Hạ Châu, sầu riêng, thanh nhãn.
Ông Huỳnh Thanh Sử, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố, cho biết, trong kế hoạch hoạt động, ngành Công Thương TP Cần Thơ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố để triển khai thực hiện các giải pháp nhằm tăng khả năng kết nối, liên kết vùng, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đã, đang và sẽ đầu tư tại thành phố, góp phần khẳng định vị thế là trung tâm của vùng ĐBSCL.
Thành công từ kết nối
Cùng với sự trợ lực của hoạt động kết nối, sản phẩm OCOP, sản phẩm địa phương của các tỉnh, thành phố đã từng bước khai thác và phát huy được những giá trị đặc sản, giá trị văn hóa và truyền thống và đang khẳng định được thương hiệu trên thị trường; tạo dấu ấn với người tiêu dùng, góp phần vào sự tăng trưởng các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của các địa phương.
Bộ phận thu mua Central Reitail Việt Nam trao đổi với doanh nghiệp sản xuất tại Hội nghị kết nối giao thương giữa 5 thành phố trực thuộc Trung ương với các tỉnh ĐBSCL và một số tỉnh Đông Nam Bộ tổ chức tại TP Cần Thơ mới đây.
Bà Nguyễn Bích Hòa, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thương mại Minh Khai (TP Hải Phòng) cho biết: “Một ví dụ kết nối xuất khẩu và phân phối nội địa thành công của doanh nghiệp tại các tỉnh phía Nam tiêu biểu như Công ty TNHH sản xuất thực phẩm Thiên Sa G20 - sản phẩm bánh Pía xuất khẩu chính ngạch tại Nhật Bản. Về tiêu dùng nội địa, đơn vị đã kết nối thành công với Công ty kẹo dừa Vĩnh Tiến, Công ty TNHH Đầu tư Nông nghiệp Song Han với sản phẩm sầu riêng sấy, Công ty bánh dừa Mỹ Phương, Công ty Sen Đại Việt… Đặc biệt doanh nghiệp đã kết nối và liên kết với các đơn vị sản xuất kinh doanh gạo để đưa hàng ra thị trường phía Bắc như Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, Tập đoàn Lộc Trời… và nhiều đơn vị kinh doanh khác. “Cùng với số ít các doanh nghiệp lại có khả năng thay đổi và sẵn sàng thay đổi một cách tích cực để đáp ứng nhu cầu khách, chúng tôi nhận thấy doanh nghiệp Việt chưa mạnh về nghiên cứu thị trường để bắt kịp xu hướng cũng như chưa tìm hiểu sâu về thị hiếu khách hàng hay biết cách tạo ra thị hiếu khách hàng” - bà Nguyễn Bích Hòa nhấn mạnh.
Tập đoàn Central Retail Việt Nam chủ động chung tay cùng các nhà cung cấp trong hành trình thúc đẩy phát triển và hỗ trợ quảng bá hàng Việt Nam. Hệ thống tạo điều kiện quảng bá và tiêu thụ thông qua nhiều chương trình như thu mua nông sản trực tiếp từ nông dân và các hợp tác xã với chiết khấu 0%; tuần lễ nông sản địa phương tại siêu thị GO!, Big C; kết nối tiêu thụ nông sản vào chuỗi bán lẻ hiện đại của Big C, GO!; tuần lễ OCOP tại Big C và chương trình sinh kế cộng đồng... Bà Phạm Thị Thùy Linh, Giám đốc Đối ngoại và Đầu tư Central Retail Việt Nam, cho biết: Hiện Central Retail giữ lượng hàng Việt trong hệ thống bán lẻ của mình trên 90%. Central Retail cũng đã đẩy mạnh đầu tư, mở rộng mạng lưới hệ thống siêu thị và trung tâm thương mại tại các tỉnh ĐBSCL. Hiện nay, hệ thống siêu thị GO! có mặt tại Tiền Giang, Cần Thơ, Bến Tre, Trà Vinh và các siêu thị mini GO! tại tỉnh Đồng Tháp. Dự kiến, GO! Bạc Liêu sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2024.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP Hồ Chí Minh - Saigon Co.op, cho biết, ưu tiên hàng đầu của Saigon Co.op là kết nối bền chặt với các nhà cung cấp, mang đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm tốt nhất. Cụ thể, Saigon Co.op cam kết cùng các nhà cung cấp hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực: Hợp tác về cung ứng hàng hóa - giá cả và bình ổn thị trường; hợp tác xanh cùng Saigon Co.op; hợp tác vì cộng đồng - xã hội; hợp tác đẩy mạnh thương mại điện tử; hợp tác phân phối hàng hóa; phát triển hàng nhãn riêng và bếp tập trung…
Có thể nói, để phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, giúp cho cộng đồng doanh nghiệp ngày càng phát triển và lớn mạnh rất cần có sự liên kết và phối hợp giữa các địa phương thông qua các phương thức hợp tác đa dạng, nhiều hình thức. Trong đó, cần phát huy vai trò đầu tàu của Sở Công Thương 5 thành phố trực thuộc Trung ương trong việc tìm kiếm, hỗ trợ và kết nối giữa các nhà sản xuất và nhà phân phối trên cả nước. Hình thành các mô hình liên kết mới, giúp nâng cao giá trị sản phẩm của người nông dân, tạo điều kiện cho sản phẩm của các địa phương tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng.
Bài, ảnh: KHÁNH NAM