04/12/2016 - 15:32

Kết nối cung cầu cho nông sản sạch

Nằm ở trung tâm vùng ĐBSCL, TP Cần Thơ với dân số gần 1,3 triệu người và thu nhập bình quân đầu người 73,9 triệu đồng/năm đã tạo ra nhu cầu tiêu thụ hàng hóa khá lớn, nhất là đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu. Thời gian qua, các nhà sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm ngày càng gắn kết chặt chẽ với các đơn vị phân phối trong và ngoài địa bàn để tiêu thụ sản phẩm. Khi cung cầu gặp nhau, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ các sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn, truy xuất nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Nhu cầu tăng

Theo Sở Công thương TP Cần Thơ, năm 2016 ước tổng mức lưu chuyển hàng hóa của thành phố đạt 95.620 tỉ đồng. Đối với mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu, theo thống kê sơ bộ, mỗi năm thành phố tiêu thụ 151.000 tấn gạo; 23.800 tấn thịt heo; 7.600 tấn thịt gia cầm; 76 triệu quả trứng gia cầm; 136.000 tấn rau củ các loại; 4.500 tấn trái cây, 38.000 tấn thủy hải sản… Nguồn hàng nông sản, thực phẩm trên địa bàn TP Cần Thơ nhìn chung khá dồi dào. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa đa dạng nên một số mặt hàng thực phẩm tiêu thụ tại Cần Thơ phải nhập từ một số địa phương khác như: thịt gia cầm từ Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng; thủy sản từ Kiên Giang, An Giang, Cà Mau…; rau củ quả từ Lâm Đồng, Vĩnh Long. Đa số hàng hóa nông sản, thực phẩm cung ứng trên địa bàn thành phố thông qua chợ Tân An, Công ty cổ phần Thương nghiệp Tổng hợp Cần Thơ, hệ thống siêu thị, các doanh nghiệp (DN), cơ sở, hợp tác xã trên địa bàn… Ngoài tiêu thụ tại thị trường nội địa, Cần Thơ còn đóng vai trò đầu mối để cung ứng một số mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu, đi các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh. Do đó, một số thương nhân thu mua từ các tỉnh, thành về tiêu thụ trên địa bàn thành phố vừa cung ứng cho các tỉnh thành lân cận.

Khách hàng chọn mua trái cây tại Siêu thị Co.opmart Cần Thơ.

Đối với mặt hàng thực phẩm, để người tiêu dùng yên tâm mua sắm, tiêu chí an toàn luôn được đặt lên hàng đầu. Cụ thể là hàng hóa phải đảm bảo truy xuất được nguồn gốc, có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, giấy công bố chất lượng đối với từng sản phẩm; bao bì sản phẩm sạch đẹp, cung cấp đầy đủ thông tin cho người tiêu dùng…Theo ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, thời gian qua, chính quyền thành phố và ngành chức năng rất chú trọng đến việc kiểm tra an toàn thực phẩm, nhất là ở kênh phân phối truyền thống. Theo đó, ngành Công thương nỗ lực phối hợp cùng các ngành hữu quan, Ban quản lý các chợ kết hợp với lực lượng quản lý thị trường, cơ quan thú y… kiểm soát chặt chẽ đầu vào của hàng hóa nông sản, thực phẩm để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Hiện nay, nhu cầu thị trường đối với các sản phẩm nông sản, thực phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ ngày một tăng. Trên địa bàn thành phố đã có nhiều đơn vị mạnh dạn đầu tư và tham gia cung ứng các sản phẩm nông sản sạch. Ông Nguyễn Hoàng Cung, Giám đốc Hợp tác xã Nông sản xanh Cần Thơ, cho biết: Hợp tác xã chuyên kinh doanh các mặt hàng nông sản sạch, nên vấn đề nguồn gốc xuất xứ và quy trình canh tác đảm bảo an toàn rất quan trọng. Trong quá trình canh tác nông sản sạch, nhiều nhà vườn thường băn khoăn khi tốn nhiều chi phí sản xuất hơn nhưng khi ra thị trường lại bán bằng giá sản phẩm thông thường. Do đó, hợp tác xã đang đặt vấn đề liên kết và hướng dẫn nhà nông canh tác theo quy trình an toàn và cung ứng vào cửa hàng Nông sản sạch với mức giá hợp lý. Hợp tác xã cũng đang được Chi cục bảo vệ thực vật TP Cần Thơ hỗ trợ giới thiệu một số mô hình canh tác lúa an toàn để bao tiêu và chế biến gạo đóng túi đưa vào bán tại cửa hàng của hợp tác xã.

Thống nhất phương thức hợp tác

Hướng đến nền nông nghiệp an toàn và bền vững, ngành nông nghiệp thành phố đã phát triển được các chuỗi liên kết như: Sản xuất lúa chất lượng cao gắn với cánh đồng lớn; phát triển chuỗi sản xuất rau an toàn; phát triển vùng cây ăn trái đặc sản gắn với du lịch sinh thái; phát triển chăn nuôi liên kết đảm bảo an toàn sinh học và vệ sinh thực phẩm; phát triển vùng nuôi cá tra và các mô hình thủy sản hiệu quả. Phong Điền là huyện có thế mạnh về cây ăn trái và đã hình thành các vùng chuyên canh trái cây đặc sản. Đây chính là điều kiện thuận lợi để liên kết cung ứng sản phẩm với các nhà phân phối uy tín, chất lượng. Cùng đó, huyện đã vận động phát triển các tổ chức kinh tế tập thể như các câu lạc bộ khuyến nông, tổ hợp tác, hợp tác xã để sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm… Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, chia sẻ: Chỉ có hợp tác sản xuất với quy mô lớn, nông dân mới đảm bảo nguồn cung ổn định và chất lượng theo nhu cầu DN. Sắp tới, huyện sẽ phối hợp với Sở Công thương để xây dựng điểm tập kết thu gom hàng nông sản tại trung tâm huyện. Nơi đây sẽ là đầu mối thu gom, phân loại hàng trái cây, rau củ quả để đưa đến các DN chế biến, siêu thị, chợ đầu mối, cửa hàng nông sản…

Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) là một trong các đơn vị có thế mạnh trên các lĩnh vực sản xuất, chế biến, bán buôn, bán lẻ, xuất khẩu và đang có kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống bán lẻ tại TP cần Thơ vào đầu năm 2017. Ông Nguyễn Phúc Khoa, Phó Tổng Giám đốc SATRA, chia sẻ: Với năng lực hoạt động và khả năng tiếp nhận hàng hóa rất lớn của SATRA, các DN tại TP Cần Thơ sẽ có nhiều cơ hội để cung ứng mặt hàng nông sản phục vụ nhu cầu giao thương, tiêu dùng của người dân TP Hồ Chí Minh và các tỉnh. Đặc biệt, chúng tôi đã lựa chọn và ký kết biên bản thỏa thuận được một số mặt bằng có tiêu chí phù hợp để mở cửa hàng Satrafoods và văn phòng chi nhánh bán lẻ Satra tại Cần Thơ. Dự kiến đầu năm 2017. SATRA sẽ tổ chức khai trương và đưa chuỗi cửa hàng Satrafoods tại Cần Thơ đi vào hoạt động. Đây sẽ là cơ hội thuận lợi để các sản phẩm nông sản của địa phương được phân phối đến người tiêu dùng thông qua kênh siêu thị và cửa hàng bán lẻ hiện đại.

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, khẳng định: Việc liên kết theo chuỗi, quản lý chất lượng từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ nông sản, thực phẩm được xem là nhu cầu tất yếu trong bối cảnh hội nhập. Người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn, đặt yêu cầu chất lượng lên trên hết. Nhà sản xuất, nhà phân phối phải đổi mới tư duy, cùng bắt tay hợp tác để sản xuất và cung ứng những sản phẩm với chất lượng tốt nhất đến người tiêu dùng. Sở Công thương sẽ phối hợp với các sở ngành hữu quan và các địa phương kết nối cung cầu nông sản sạch để nông dân yên tâm về đầu ra và nhà phân phối yên tâm tiêu thụ nguồn hàng.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết