12/06/2019 - 09:02

Kết dính “4 nhà” 

Trong giai đoạn hội nhập, nhu cầu liên kết trong sản xuất nông nghiệp đang ngày càng trở nên bức thiết để hướng đến sản xuất nông nghiệp hàng hóa mang lại giá trị gia tăng cao, giúp người nông dân có thu nhập ổn định. Tuy nhiên, thực tế hiện nay việc xây dựng mối liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp lại đang gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi cần có giải pháp tháo gỡ.

“Mua đứt, bán đoạn”

Vai trò của mối liên kết “4 nhà” được đặt ra từ năm 2002 với Quyết định 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng. Tiếp theo đó là các chính sách bổ trợ, thúc đẩy việc thực hiện như: Chỉ thị 25/2008/CT-TTg về việc tăng cường chỉ đạo tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng; Chỉ thị 1965/CT-BNN-TT về việc đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”… Riêng năm 2018, Chính phủ cũng ban hành nhiều văn bản tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) tham gia liên kết như: Nghị định 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích liên kết sản xuất nông nghiệp; Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn... Tuy nhiên, mối liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp tại vùng ĐBSCL cho đến nay vẫn chưa thắt chặt như mong muốn, các mối liên kết dọc và ngang hình thành, phát triển khó khăn. 

Liên kết sản xuất theo mô hình “Cánh đồng lớn” tại TP Cần Thơ. 

Theo Cục Trồng trọt, mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với HTX và người nông dân đang phát huy hiệu quả tích cực nhằm phát triển nông nghiệp bền vững. Tuy nhiên, việc xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng nông sản vẫn còn nhiều hạn chế, chưa được nhân rộng. Mối liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp và nhà phân phối trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm vẫn còn lỏng lẻo, sản phẩm tiêu thụ thông qua hợp đồng chưa nhiều. Ông Trần Đình Dũng, Trưởng Phòng Kinh tế hợp tác, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, nhìn nhận: “Hiện tỷ lệ thành công trong hợp đồng tiêu thụ nông sản mới chỉ ở mức 20-30% đối với lúa. Tình trạng “bẻ kèo”, tranh chấp trong mua bán giữa người sản xuất và các đầu mối tiêu thụ vẫn phổ biến. Nhiều nơi, người dân không tuân thủ quy trình kỹ thuật sản xuất theo yêu cầu của doanh nghiệp ”.

Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: Tại TP Cần Thơ có 8 doanh nghiệp tham gia đầu tư vật tư đầu vào và 25 doanh nghiệp tham gia bao tiêu sản phẩm đầu ra trong “Cánh đồng lớn”. Tỷ lệ thu mua trong vụ đông xuân từ 52-63%, vụ hè thu 35-45%, vụ thu đông 15-20%. Nhìn chung, mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong “Cánh đồng lớn” chưa thật sự chặt chẽ và bền vững do áp lực về thu hoạch tập trung nên một số doanh nghiệp không đáp ứng được phương tiện vận chuyển. Ngoài ra, do tác động của các yếu tố khách quan, như: giá thị trường tăng/giảm trong thời điểm thu hoạch tập trung, tác động của thương lái… Vì vậy, mặc dù có liên kết nhưng doanh nghiệp không thu mua được 100% sản lượng trong “Cánh đồng lớn”.  

Thực tiễn cho thấy, nhiều doanh nghiệp nhận thức rõ tầm quan trong trong việc liên kết để xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, để mối liên kết này thực hiện thành công không hề dễ dàng, đặc biệt là khi nguồn lực (tài chính, quản trị, nhân lực…) của doanh nghiệp thiếu và yếu.  Ông Trương Chí Hào, Giám đốc điều hành Công ty TNHH MTV Chế biến nông sản Tiến Thịnh (tỉnh Hậu Giang), chia sẻ: “Quá trình tự xây dựng vùng nguyên liệu rất khó bảo đảm chuỗi giá trị của nông sản từ đồng ruộng đến khách hàng được trọn vẹn. Thông thường, sản phẩm phải trải qua nhiều công đoạn: Chuẩn bị đất, trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, vận chuyển đến nơi thu mua, phân loại, đóng gói, vận chuyển đến nhà máy chế biến, làm các thủ tục thu nhận (kiểm tra, cân, nhập kho)… Với nhiều công đoạn như vậy, việc quản lý rủi ro không thể đơn giản và doanh nghiệp cần nguồn lực tài chính, nhân sự có tính chuyên nghiệp mới làm tốt được”.

Tích cực vào cuộc

Từ thực trạng trên, ông Trần Đình Dũng, Trưởng Phòng Kinh tế hợp tác, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, cho rằng, để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi, Nhà nước cần hỗ trợ xây dựng đề án phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, vùng “Cánh đồng lớn” cho các sản phẩm chủ lực. Đồng thời, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất, chế biến, thương mại vùng sản xuất quy mô lớn; áp dụng tiến bộ kỹ thuật, quy trình thực hành sản xuất bền vững cho hộ nông dân thông qua HTX để tạo điều kiện cho HTX liên kết với doanh nghiệp. Ngoài ra, cả hệ thống chính trị ở địa phương phải vào cuộc tích cực, nhất là trong giám sát thực hiện hợp đồng, làm trung gian hòa giải, xử lý tranh chấp.

Dây chuyền chế biến gạo xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An.

Theo ông Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, thời gian tới, tỉnh tập trung tuyên truyền, vận động hình thành các liên kết sản xuất, tiêu thụ bằng nhiều hình thức (nghe, nhìn, nói, đọc, viết, Internet…). Với cách làm này, người nông dân dần trở thành nhân tố chủ động tham gia và hình thành các liên kết sản xuất để tự giải quyết các khó khăn của chính mình. Nhiều ý kiến cho rằng, vai trò của nhà khoa học cũng cần được phát huy cao độ trong việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất… cho doanh nghiệp và nông dân để nâng cao chất lượng và giá trị nông sản, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Ông Trương Chí Hào, Giám đốc điều hành Công ty TNHH MTV Chế biến nông sản Tiến Thịnh đề xuất Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp vốn vay ưu đãi, thuế, đất đai, các chương trình khuyến nông... Về phía công ty, sẽ đảm nhiệm vai trò tư vấn, hỗ trợ cho nông dân - người trực tiếp sản xuất được hưởng lợi những chính sách này để họ dần thay đổi nhận thức trong cách nghĩ, cách làm. Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ), nhấn mạnh: “Hiện nay, cơ chế, chính sách cho ngành hàng lúa gạo đã đủ hết... Chính phủ đã ra Nghị định 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích liên kết sản xuất nông nghiệp; Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo. Đây là khung chính sách quan trọng phát triển ngành hàng lúa gạo toàn diện bền vững. Nhưng điều quan trong nhất hiện nay là phải nhanh chóng bắt tay vào làm ngay và rút kinh nghiệm từ thực tiễn!”.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết