24/02/2011 - 21:58

Vụ tiêu cực ở Nông trường Sông Hậu

Kéo dài 5 năm, 2 bản án bị hủy

Năm 2006, Nông trường Sông Hậu (NTSH) bị phát hiện sai phạm trong quản lý kinh tế. 5 đối tượng có liên quan bị truy tố, đưa xét xử về tội lập quỹ trái phép (LQTP) qua hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm (trong năm 2009) là Trần Ngọc Sương - nguyên Giám đốc (GĐ), Trương Hồng Nhung - nguyên Phó Giám đốc (PGĐ), Đặng Thế Quốc Hưng (nguyên Quyền kế toán trưởng), Nguyễn Văn Sơn (nguyên thủ quỹ), Hoàng Thị Bình (nguyên kế toán). Trong đó, nguyên GĐ NTSH Trần Ngọc Sương bị kết án 8 năm tù, liên tục kêu oan, dư luận có nhiều thông tin trái chiều. Ngày 27-5-2010, Tòa Hình sự TAND Tối cao ra Quyết định Giám đốc thẩm hủy bản án hình sự sơ thẩm và phúc thẩm vụ LQTP ở NTSH để điều tra lại theo thủ tục chung. Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an (CSĐT – CA) TP Cần Thơ đã có kết luận điều tra lại, chuyển hồ sơ sang Viện KSNDTP đề nghị truy tố 5 bị can trên cùng về tội LQTP.

* NTSH có mấy loại quỹ?

NTSH thành lập từ tháng 4-1979, tổng diện tích hơn 6.900ha, trong đó giao khoán cho 2.073 hộ dân hơn 5.500ha đất. Kết quả điều tra xác định, từ năm 1994 đến 2007, GĐ NTSH đã chỉ đạo bộ phận tài vụ thu từ các nguồn, đưa vào QTP trên 30,2 tỉ đồng, không hạch toán báo cáo tài chính. Giai đoạn 1 (từ 1994-1999), ông Trần Ngọc Hoằng làm GĐ, Trần Ngọc Sương làm PGĐ phụ trách tài chính, kinh doanh. Thời điểm này, số tiền QTP trên 20,2 tỉ đồng, đã sử dụng hơn 20 tỉ, chỉ tồn quỹ 102,2 triệu đồng. Do ông Trần Ngọc Hoằng chết vào tháng 7-2000 nên Cơ quan CSĐT không điều tra, truy cứu trách nhiệm những người liên quan trong giai đoạn này. Còn giai đoạn 2 (từ tháng 1-2001 đến tháng 12-2007), GĐ Trần Ngọc Sương cùng PGĐ Trương Hồng Nhung đã chỉ đạo bộ phận tài vụ tiếp tục thu các nguồn (bán bạch đàn, thu phí quản lý, cho thuê ao hồ, bán 5 lô đất, vay các cá nhân bên ngoài,...) đưa vào QTP với tổng số tiền trên 10,1 tỉ đồng, tự đặt tên là “Quỹ công đoàn” để che giấu hành vi LQTP. Thực chất, thời gian này, tại NTSH tồn tại 2 loại quỹ khác là quỹ Công đoàn thực với số tiền 492,1 triệu đồng và quỹ khen thưởng phúc lợi: 35,6 tỉ đồng. Hai loại quỹ này thu chi theo đúng qui định và có báo cáo tài chính hàng năm.

* Quỹ trái phép chi cho ai, mục đích gì?

Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, Cơ quan CSĐT đã chứng minh trong tổng số hơn 10,1 tỉ đồng QTP, nguyên GĐ NTSH Trần Ngọc Sương đã sử dụng trên 4,1 tỉ đồng. Trong đó, bà Sương nhận tiền quà tặng sinh nhật chi từ QTP (năm 2001 đến 2006), trị giá 129,3 triệu đồng (gồm 14 lượng vàng và 3 sổ tiết kiệm); nhận tiền mua căn nhà số 22 Đinh Tiên Hoàng 246,4 triệu đồng (sau này bà Sương bán căn nhà, lấy tiền chi xài cá nhân); lấy từ QTP hơn 301 triệu đồng để mua 6,5ha đất ở Sóc Trăng (sau đó bà Sương bán đất được 650 triệu đồng và chi xài hết, không trả lại quỹ); nhận tiền mua cổ phần hơn 50,5 triệu đồng... Trong thời gian làm GĐ NTSH, Trần Ngọc Sương đã sử dụng hơn 8,3 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách của nông trường để đi công tác, tiếp khách, chi môi giới hoa hồng,... trong đó hơn 1 tỉ đồng được thanh toán vào mục đích đi công tác trong và ngoài nước. Vậy mà Trần Ngọc Sương vẫn chỉ đạo thủ quỹ Nguyễn Văn Sơn trực tiếp chi thêm cho bà tổng cộng hơn 2,2 tỉ đồng từ QTP để... đi công tác. Đồng thời, Trần Ngọc Sương còn sử dụng cá nhân 850 triệu đồng từ tiền bán đất; nhận lương kiêm nhiệm 77,4 triệu đồng. Đối với ông Trần Ngọc Hoằng (cha ruột Trần Ngọc Sương) đã chết từ tháng 7-2000 nhưng suốt 7 năm sau vẫn được bà Sương nhận lương kiêm nhiệm, tổng cộng là 254,4 triệu đồng. Bà Sương khai dùng tiền này để nuôi một đứa con gái là con nuôi của ông Hoằng. Một số thành viên trong BGĐ NTSH cũng nhận tiền QTP, gọi là chi trợ cấp lương, gồm Nguyễn Quang Lâm (nguyên PGĐ) nhận 72 triệu đồng; Trương Hồng Nhung (nguyên PGĐ) 38,7 triệu đồng; Nguyễn Xuân Quỹ (nguyên PGĐ) 16 triệu đồng. Trong khi đó, BGĐ NTSH trong quá trình công tác đã được ngân sách nhà nước chi trả đầy đủ các khoản lương, phụ cấp theo qui định. Chưa kể thời gian này NTSH có quỹ phúc lợi, quỹ khen thưởng với tổng số tiền hơn 35,6 tỉ đồng và quỹ công đoàn trên 492 triệu đồng dùng để chi khen thưởng, trợ cấp khó khăn, trả lương kiêm nhiệm cho cán bộ công nhân viên.

Bị cáo Trần Ngọc Sương tại phiên tòa xét xử vụ lập quỹ trái phép
ở Nông trường Sông Hậu (lần trước). 

Ban GĐ NTSH còn sử dụng QTP để biếu tặng cho các cá nhân, ban ngành trung ương và địa phương. Căn cứ lời khai các bị can cũng như chứng cứ Cơ quan CSĐT thu thập, từ năm 2001 đến năm 2007, BGĐ NTSH đã chỉ đạo bộ phận tài vụ sử dụng 678,2 triệu đồng chi biếu tặng cho các cá nhân ở một số cơ quan báo đài, các ban ngành trung ương và địa phương; chi 233 triệu đồng cho đoàn kiểm toán làm việc tại NTSH. Đồng thời, Trần Ngọc Sương còn chỉ đạo sử dụng hơn 1 tỉ đồng QTP để lấp âm quỹ bằng cách trả nợ thay, nộp hoàn tạm ứng sai qui định cho một số cá nhân nguyên là cán bộ nông trường, nông trường viên và cá nhân bên ngoài, gây thiệt hại hơn 729,6 triệu đồng. Ngoài ra, còn lấy hơn 3,8 tỉ đồng từ QTP để chi tiếp khách, giao dịch, đám tiệc, trị bệnh,... Trong tổng khoản chi trên 10 tỉ đồng từ QTP, Trần Ngọc Sương duyệt chi hơn 4,9 tỉ đồng; Trương Hồng Nhung duyệt chi trên 2,9 tỉ đồng; Đặng Thế Quốc Hưng chỉ đạo theo lệnh BGĐ cho Sơn chi 2 tỉ đồng; Nguyễn Xuân Quỹ duyệt chi 2,1 tỉ đồng. Tồn QTP là 87 triệu đồng, được gia đình thủ quỹ Nguyễn Văn Sơn giao nộp cho Cơ quan CSĐT sau khi vụ án được khởi tố.

* Thiệt hại và hậu quả

Để xác định thiệt hại do hành vi sử dụng QTP của các bị can, Cơ quan CSĐT đã trưng cầu giám định tài chính và có kết luận như sau:

Từ tháng 1-2001 đến tháng 12-2007, tổng số tiền LQTP để ngoài sổ sách kế toán, không báo cáo tài chính hằng tháng, hằng năm là sai nguyên tắc tài chính, kế toán, sai qui định pháp luật. Đó là hành vi LQTP, với tổng số tiền trên 10,1 tỉ đồng, trong đó các khoản chi sai qui định, không được chấp nhận, gây thiệt hại trên 5 tỉ đồng.

Ngoài ra, BGĐ NTSH còn tự đặt ra định mức giao khoán đất và thu vượt 1.000kg lúa/ha/năm đất mượn, đất quỹ từ năm 1994 đến năm 2005 với tổng số tiền thu là 33,1 tỉ đồng. Việc thu chi này không thực hiện đúng nguyên tắc tài chính kế toán, không hạch toán chứng từ sổ sách riêng và BGĐ NTSH cũng không giải trình, chứng minh được đã chi vào đâu, dẫn đến tình trạng thưa gởi, khiếu kiện của các hộ dân, nông trường viên, gây mất ổn định an ninh trật tự kéo dài, đến nay chưa giải quyết dứt điểm được. GĐ Trần Ngọc Sương còn tự ý xóa nợ cho 19 cá nhân trong nước và 2 Việt kiều, với số tiền trên 7,6 tỉ đồng và 14.000 USD là sai nguyên tắc tài chính. Nhưng hiện nay Cơ quan CSĐT chưa tập hợp được đầy đủ tư liệu, chứng từ để xử lý.

Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, BGĐ NTSH và bộ phận giúp việc đã thiếu kiểm tra, đôn đốc, giám sát các hợp đồng kinh tế đã ký kết, dẫn đến bị đối tác chiếm dụng hơn 5,5 tỉ đồng, đến nay chưa thu hồi được công nợ.

Theo báo cáo ngày 27-11-2009 của NTSH thể hiện thời gian qua, nông trường làm ăn không hiệu quả, bị thua lỗ, tổng lỗ lũy kế 280,3 tỉ đồng. Trong đó, khoản nợ các ngân hàng tính đến nay trên 151,1 tỉ đồng (nếu tính cả lãi suất lên đến 290,4 tỉ đồng). Giá trị toàn bộ tài sản NTSH hiện nay là 67,4 tỉ đồng. Nếu bán hết tài sản nông trường để trả nợ thì nông trường vẫn còn nợ 212,8 tỉ đồng. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Cần Thơ hiện đã khởi kiện NTSH ra Tòa dân sự về việc vay nợ quá hạn, kéo dài không thanh toán.

Đối với 7 vấn đề mà Quyết định Giám đốc thẩm của Tòa Hình sự TAND Tối cao (số 22/2010/HS-GĐT ngày 27-5-2010) về các khoản tiền thu, chi từ QTP đã được Cơ quan Cảnh sát Điều tra C.A TP Cần Thơ làm rõ, báo cáo cho các cơ quan chức năng của Trung ương.

Tại Kết luận Điều tra số 08/KLĐT (PC46) do Thượng tá Nguyễn Văn Thuận, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT ký ngày 21-2-2011, nêu rõ: Hành vi của các bị can: Trần Ngọc Sương, Trương Hồng Nhung, Đặng Thế Quốc Hưng, Nguyễn Văn Sơn và Hoàng Thị Bình đã phạm vào tội LQTP gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Ngoài việc chịu trách nhiệm hình sự, 5 bị can trên còn phải liên đới, bồi thường thiệt hại theo trách nhiệm của từng bị can đối với số tiền thiệt hại (do sử dụng quỹ trái nguyên tắc gây thiệt hại trên 5 tỉ đồng). Đồng thời, chuyển hồ sơ sang Viện KSND TP Cần Thơ đề nghị truy tố các bị can trên về tội LQTP gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, qui định tại Điều 166 Bộ luật Hình sự nước CHXHCNVN. Cơ quan CSĐT cũng quyết định đối với hành vi cố ý làm trái qui định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng đối với việc thu vượt định mức hơn 33,1 tỉ đồng, xóa nợ trên 7,6 tỉ đồng và 14.000 USD cho các cá nhân cũng như khoản tiền 301 triệu đồng do Trần Ngọc Sương chiếm dụng từ tiền bán đất có dấu hiệu tham ô được tách ra để điều tra làm rõ, xử lý sau.

Như vậy, sau 5 năm bị phát hiện, vụ tiêu cực ở NTSH đã có kết luận điều tra lại, sau hai lần đưa xét xử và bị hủy án.

Bài, ảnh: L.H

Chia sẻ bài viết