Với vai trò là cơ quan nghiên cứu khoa học về cây lúa và kỹ thuật canh tác trên nền đất lúa, trong những năm qua, Viện Lúa ÐBSCL luôn phát huy mối quan hệ gắn kết với ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ để triển khai các chương trình, dự án nghiên cứu về giống lúa, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về cây lúa cũng như các loại cây trồng trên nền đất lúa. Chia sẻ về quá trình hợp tác với ngành Nông nghiệp thành phố, Tiến sĩ Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ÐBSCL cho biết:
- Là cơ quan nghiên cứu khoa học đóng trên địa bàn TP Cần Thơ, thời gian qua, Viện Lúa ÐBSCL tích cực phối hợp với ngành Nông nghiệp thành phố tham mưu, tư vấn để xây dựng và triển khai thực hiện các chủ trương về phát triển nông nghiệp của TP Cần Thơ như kế hoạch thực hiện đề án "Phát triển giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản đến năm 2020", dự án "Chuyển đổi nông nghiệp bền vững TP Cần Thơ (VnSAT Cần Thơ)…. Viện thường xuyên tham gia hỗ trợ kỹ thuật cho dự án (VnSAT-Cần Thơ), xây dựng mô hình liên kết sản xuất hạt giống lúa thuần tại xã Ðông Hiệp, huyện Cờ Ðỏ (20 ha/năm) (Dự án Khuyến nông); tổ chức lớp tập huấn, hội thảo và xây dựng mô hình diện rộng áp dụng "Gói kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến" diện tích 3.000ha thuộc dự án Sản phẩm quốc gia lúa gạo; đào tạo 21 cán bộ điều khiển thiết bị bay không người lái trong nông nghiệp và chuyển giao 6 thiết bị HLD-18 cho Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp TP Cần Thơ để khai thác trong sản xuất.
Viện cũng phối hợp triển khai các dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững TP Cần Thơ, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì. Ðồng thời triển khai dự án khuyến nông "Xây dựng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ hạt giống lúa xác nhận 1 tại các tỉnh ÐBSCL; đề tài "Xây dựng gói kỹ thuật canh tác tiên tiến cho các tiểu vùng sinh thái ở ÐBSCL, thuộc Dự án Sản phẩm quốc gia lúa gạo; dự án Tuyển chọn giống lúa thơm và chất lượng cao mang nhãn hiệu gạo "Cần Thơ" do Viện Lúa ÐBSCL chủ trì. Về hợp tác trong sản xuất lúa giống, Viện Lúa ÐBSCL đã liên kết với 8 đơn vị, hợp tác xã, tổ hợp tác với diện tích 1.354ha để sản xuất lúa giống và đã bao tiêu 7.976 tấn trong giai đoạn 2019-2023.
►Trong định hướng nghiên cứu sắp tới, Viện Lúa ÐBSCL sẽ tập trung triển khai những nhiệm vụ chiến lược nào, thưa Tiến sĩ?
- Từ khi thành lập vào năm 1977 đến nay, Viện Lúa ÐBSCL đã phóng thích hơn 180 giống lúa, nghiên cứu chuyển giao 26 kỹ thuật canh tác về lúa và cây trồng trên nền đất lúa, ứng dụng cơ giới hóa nông nghiệp và sản xuất lúa vùng ÐBSCL. Các giống lúa OM của Viện đã và đang chiếm ưu thế với diện tích trên 65% ở ÐBSCL và phát triển mạnh ra các vùng khác trong nước, cũng như được đánh giá rất cao ở Campuchia, Lào, Cuba, các nước Ðông Nam Á và châu Phi. Ðể kế thừa truyền thống tốt đẹp và những thành tựu to lớn của các thế hệ đi trước, Viện Lúa ÐBSCL đang định hướng phát triển thành một Trung tâm nghiên cứu khoa học và bảo tồn văn hóa lúa nước có tầm cỡ khu vực và quốc tế. Trước mắt, Viện tranh thủ các nguồn vốn để tiếp tục kiện toàn khu nhà làm việc, khu nhà lưới, đồng ruộng thí nghiệm và sản xuất... khang trang và hiện đại. Tiến hành triển khai xây dựng đề án quy hoạch 1/500 các phân khu chức năng phù hợp với định hướng phát triển: khu nghiên cứu và thực nghiệm, khu bảo tồn và trưng bày văn hóa lúa nước kết hợp với du lịch sinh thái, khu sản xuất và dịch vụ; khu trưng bày, triển lãm các công nghệ và thiết bị canh tác lúa và các loại cây trồng trên nền đất lúa.

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham quan ruộng thí nghiệm của Viện Lúa ÐBSCL.
Phát huy những thành quả đạt được cũng như đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước lẫn xuất khẩu, Viện Lúa đã và đang chuyển hướng nghiên cứu chọn tạo từ các giống lúa cao sản, ngắn ngày sang các giống lúa thơm, đặc sản, nếp, japonica… theo nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Bên cạnh đó, Viện sẽ tiếp tục nghiên cứu chọn tạo giống lúa và giống cây trồng cạn, các quy trình sản xuất lúa gạo tiên tiến, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, các hệ thống canh tác lúa và trên nền đất lúa có hiệu quả kinh tế cao, khai thác các phế phụ phẩm trong sản xuất lúa theo hướng phát triển xanh, đa giá trị và kinh tế tuần hoàn. Từng bước chuyển dần công tác nghiên cứu sang định hướng có chiều sâu và đột phá để làm nền tảng cho việc phát triển các sản phẩm khoa học công nghệ có giá trị gia tăng.
► Xin Tiến sĩ cho biết, để thắt chặt mối quan hệ hợp tác với địa phương, thời gian tới, Viện Lúa ÐBSCL cùng ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ có những định hướng liên kết gì trên lĩnh vực nông nghiệp?
- Trong định hướng hợp tác, nghiên cứu với TP Cần Thơ, Viện Lúa ÐBSCL sẽ tăng cường liên kết và hợp tác toàn diện trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ cho sản xuất, chế biến và dịch vụ cho ngành hàng lúa gạo và hệ thống canh tác trên nền đất lúa của TP Cần Thơ. Hợp tác tư vấn các nhiệm vụ khoa học công nghệ liên quan đến lĩnh vực trồng trọt và tham gia các hội đồng thẩm định, nghiệm thu và đánh giá các nhiệm vụ khoa học công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của TP Cần Thơ. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tập huấn, chuyển giao công nghệ và phát triển các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp, gắn với chế biến và tiêu thụ, đặc biệt là việc triển khai thực hiện Ðề án "Xây dựng và phát triển 1 triệu héc-ta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, gắn liền với tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL đến năm 2030" của TP Cần Thơ. Ðồng thời, hợp tác trong việc triển khai thực hiện quyền sở hữu trí tuệ đối với giống lúa và xây dựng vùng chuyên canh sản xuất lúa giống nguyên liệu tại TP Cần Thơ phục vụ cho sản xuất lúa gạo vùng ÐBSCL, phối hợp đề xuất chương trình nghiên cứu toàn diện trên cây lúa cho vùng ÐBSCL.
►Xin cảm ơn Tiến sĩ!
MINH HUYỀN (thực hiện)