18/07/2015 - 17:31

Hy Lạp cải tổ mạnh nội các

Trong động thái nhằm thể hiện quyết tâm cải cách và cắt giảm chi tiêu, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras hôm 17-7 đã tiến hành cải tổ thay thế hàng loạt nhân vật đứng đầu chính phủ vốn phản đối thỏa thuận cứu trợ vừa đạt được.

Nổi bật trong số 10 nhân vật kể trên là Bộ trưởng Năng lượng Panagiotis Lafazanis - người đứng đầu phe cứng rắn trong đảng Syriza cầm quyền từng yêu cầu Hy Lạp rời khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Ông Lafazanis sau đó được thay thế bởi cựu Bộ trưởng Lao động Panos Skourletis. Ngoài ra, Bộ trưởng Cải cách hành chính George Katrougalos được bổ nhiệm thành Bộ trưởng Lao động trong khi Thứ trưởng quốc phòng Costas Isychos bỏ phiếu chống lại chính sách thắt lưng buộc bụng được thay thế bởi học giả Christoforos Vernardakis.

Đặc biệt, Thủ tướng Tsipras cũng thuyên chuyển nhân vật thân cận là phát ngôn viên chính phủ Gavriel Sakellarides để thay bằng nghị sĩ Olga Gerovassili. Nghĩ sĩ đảng Những người Hy Lạp Độc lập đồng thời là diễn viên truyền hình nổi tiếng Pavlos Haikalis được đề nghị đảm nhận vai trò Thứ trưởng An ninh Xã hội. Bên cạnh đó, Tryfon Alexiadis cũng được bổ nhiệm vị trí Thứ trưởng Tài chính đang bỏ trống do bà Nadia Valavani đã từ chức hồi đầu tuần rồi. Các bộ trưởng mới đã tuyên thệ nhậm chức trong ngày 18-7.

Theo Phó giáo sư về pháp luật và kinh tế Aristides Hatzis thuộc tại Đại học Athens, động thái của ông Tsipras đánh dấu thời điểm kết thúc mối quan hệ giữa Thủ tướng với phe với bảo thủ trong liên minh đảng cầm quyền. Nhưng rõ ràng bản chất hạn chế của cuộc cải tổ củng cố thêm suy đoán khả năng bầu cử sớm chắc chắn sẽ được tổ chức vào đầu mùa thu tới bởi đây là điều không thể tránh khỏi.

Trong diễn biến có liên quan, Bundestag (Hạ viện Đức) hôm 17-7 cũng tiến hành bỏ phiếu với kết quả ủng hộ thương lượng gói giải cứu thứ 3 cho Hy Lạp chiếm tỷ lệ đa số với 439 phiếu thuận, 119 phiếu chống và 40 phiếu trắng. Tuy nhiên, Thủ tướng Angela Merkel cũng lên tiếng cảnh báo nguy cơ chia rẽ nội bộ khi có 1/5 thành viên đảng Bảo thủ của bà Merkel nói "không" với thỏa thuận. Trong khi đó, kết quả cuộc thăm dò dư luận Forsa chỉ ra rằng 53% cử tri Đức muốn quốc hội quay trở lại các cuộc đàm phán so với 42% phản đối.

Liên minh châu Âu (EU) cũng đã thông qua khoản cứu trợ ngắn hạn trị giá 7,16 tỉ euro để Hy Lạp trả các khoản vay lớn cho các chủ nợ quốc tế vào đầu tuần tới. Khoản vay này sẽ giúp Hy Lạp thanh toán cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) khoản nợ trị giá 4,2 tỉ euro sẽ đến hạn vào ngày 20-7, đồng thời giải quyết phần nào việc chậm thanh toán 2 tỉ euro tiền nợ cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

MAI QUYÊN
(Theo Guardian, Reuters AFP)

MAI QUYÊN (Theo Guardian, Reuters AFP)

Chia sẻ bài viết