12/11/2022 - 08:43

Hướng tới chính quyền số 

Bài, ảnh: QUỐC THÁI

Nhận thức rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số (CÐS), TP Cần Thơ đã và đang triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ đẩy nhanh việc xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp (DN).

Việc số hóa công tác giải quyết TTHC giúp xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại và phục vụ người dân ngày càng tốt hơn. Trong ảnh: Công chức Bộ phận Một cửa UBND quận Ô Môn giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Hiệu quả từ nền tảng số

Theo bà Nguyễn Ngọc Hồng Nhung, Phó trưởng Phòng Nội vụ quận Ô Môn, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ các cơ quan hành chính tại địa phương được đẩy mạnh, nhằm chuyên nghiệp hóa công tác quản lý, điều hành. Ở lĩnh vực thi đua - khen thưởng, tất cả cơ quan, ban, ngành quận nộp hồ sơ xét thi đua - khen thưởng bằng hình thức trực tuyến đối với 8 thủ tục hành chính. Việc giải quyết hồ sơ trên môi trường mạng vừa đảm bảo chính xác, tiết kiệm thời gian và chi phí bởi hồ sơ lĩnh vực này phát sinh nhiều. Bên cạnh đó, các cơ quan, ban, ngành quận khai thác, sử dụng hiệu quả những ứng dụng dùng chung của thành phố như các phần mềm: quản lý văn bản và điều hành; một cửa điện tử; quản lý cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); hệ thống họp trực tuyến, hệ thống hộp thư điện tử. Qua triển khai thực hiện, đến nay, tỷ lệ văn bản điện tử gửi qua trục liên thông văn bản đạt 78%; có 97,6% CBCCVC sử dụng hộp thư điện tử công vụ.

Từ tháng 5-2022, Ban Chỉ đạo CÐS quận Ô Môn triển khai thí điểm CÐS tại phường Thới Hòa. Theo đó, mỗi khu vực thành lập ít nhất 1 tổ Công nghệ số cộng đồng, gồm trưởng khu vực và ít nhất 2 nhân sự (khuyến khích lực lượng đoàn viên, thanh niên) hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt, sử dụng các ứng dụng, dịch vụ công (DVC) trực tuyến. Anh Trần Phú Trường ở khu vực Hòa An, chia sẻ: “Qua tuyên truyền của Tổ Công nghệ số cộng đồng và công chức phường, tôi biết được các bước làm hồ sơ qua Cổng DVC trực tuyến của thành phố với nhiều tiện ích, tiết kiệm thời gian đi lại và được thông báo nhận kết quả hồ sơ”.

Ðể thúc đẩy CÐS, các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn thành phố chỉ đạo CBCCVC đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành. Năm 2022, số văn bản điện tử gửi, nhận thông qua Trục liên thông văn bản thành phố là 702.525/716.862 văn bản, đạt tỷ lệ 98%; tỷ lệ văn bản điện tử được ký số đạt 98%; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được triển khai cho tất cả UBND quận, huyện, xã, phường, thị trấn với 130 điểm cầu. Thành phố đã nâng cấp Cổng DVC trực tuyến và Hệ thống Một cửa điện tử, kết nối với Hệ thống Giám sát quốc gia về chính phủ số; ứng dụng công nghệ số để tiếp thu ý kiến người dân và DN. Cổng DVC cũng đã nâng cấp các chức năng hỗ trợ người dân, DN, như: tích hợp dịch vụ bưu chính công ích, tích hợp thanh toán trực tuyến, hỗ trợ người dân, DN điền biểu mẫu, tờ khai điện tử bằng công nghệ e-form, hỗ trợ chữ ký số cá nhân, DN, tạo thuận tiện hơn trong quá trình nộp hồ sơ. Ðồng thời, tiếp tục triển khai thí điểm Trung tâm điều hành thông minh thành phố, phục vụ sự chỉ đạo điều hành của UBND thành phố trên 8 lĩnh vực: giám sát, điều hành chỉ tiêu báo cáo, thống kê kinh tế - xã hội; giám sát hiệu quả hoạt động của chính quyền; giám sát an ninh trật tự và an toàn giao thông; giám sát điều hành du lịch; giám sát tương tác phục vụ, phản hồi của người dân (tổng đài DVC 1022); giám sát thông tin trên môi trường mạng; giám sát và cảnh báo chất lượng môi trường; giám sát an toàn thông tin mạng (SOC).

Tiện ích DVC trực tuyến

Ðến nay, TP Cần Thơ đã cập nhật, tích hợp 1.401 DVC trực tuyến lên Cổng DVC quốc gia; 28/92 cơ quan triển khai thực hiện chứng thực điện tử trên Cổng DVC quốc gia; đồng thời, đồng bộ 475.563 hồ sơ từ Cổng DVC thành phố lên Cổng DVC quốc gia, đạt tỷ lệ 96% hồ sơ toàn thành phố, phục vụ tốt cho công tác quản lý, theo dõi tình hình tiếp nhận, xử lý hồ sơ. Nhiều DVC trực tuyến lĩnh vực bảo hiểm xã hội, hải quan, thuế… góp phần khuyến khích, hỗ trợ người dân và DN tiếp cận, sử dụng hiệu quả các DVC trực tuyến của thành phố, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Ðiển hình như Bảo hiểm xã hội thành phố, tất cả các TTHC đều đã được đưa lên Cổng DVC quốc gia và Cổng DVC của ngành. Người dân và DN có thể thực hiện các DVC cơ bản tại địa chỉ https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động nghiệp vụ của ngành bảo hiểm xã hội tạo sự minh bạch, rõ ràng trong quản lý, điều hành, nâng cao mức độ hài lòng của người dân, tổ chức và DN. Tiêu biểu như ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số” trên thiết bị di động, hiện đã có hơn 205.000 hồ sơ trên địa bàn thành phố đăng ký giao dịch điện tử cá nhân. Người dùng dễ dàng quản lý, kiểm soát các thông tin về quá trình tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và thực hiện một số TTHC trực tuyến. Một số lĩnh vực ưu tiên đã và đang đẩy mạnh CÐS. Trong lĩnh vực y tế, các cơ sở khám chữa bệnh triển khai thanh toán không dùng tiền mặt; đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến; hồ sơ bệnh án điện tử đối với bệnh nhân điều trị nội trú. Ở lĩnh vực giáo dục, quản lý hồ sơ học tập cá nhân của học sinh trên cơ sở dữ liệu ngành, xây dựng học bạ điện tử và sổ liên lạc điện tử…

Các đơn vị, địa phương còn đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức, DN và công dân sử dụng DVC trực tuyến, gắn với việc đánh giá mức độ hài lòng của người dân trong giải quyết TTHC. Ðến nay, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của thành phố đạt 33%. Theo báo cáo khảo sát, đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương (DCCI) TP Cần Thơ năm 2022, bình quân 90% DN được khảo sát đánh giá chất lượng DVC ở mức tốt. Tỷ lệ DN rất hài lòng và hài lòng với DVC trực tuyến hiện nay tương đối cao, trung bình khoảng 89,4%. Ðiều này cho thấy sự quyết tâm của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc cải thiện và nâng cao chất lượng DVC.

Thời gian tới, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai có hiệu quả các cơ sở dữ liệu nền tảng, phục vụ phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Tập trung thực hiện số hóa kết quả giải quyết TTHC, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân tham gia sử dụng DVC trực tuyến; khai thác hiệu quả các hệ thống thông tin quản lý, xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ tốt công tác quản lý của các cơ quan, đơn vị.

Chia sẻ bài viết