07/04/2013 - 20:07

Hướng mở cho cây sơ ri Gò Công

Nhân viên của Trung tâm Nghiên cứu canh tác cây sơ ri (Công ty TNHH Nichirei-HPC Việt Nam) đang kiểm tra sơ ri phục vụ công tác nghiên cứu.

Cây sơ ri được UBND tỉnh Tiền Giang chọn là một trong 7 loại trái cây chủ lực để quy hoạch và phát triển. Tuy nhiên, thời gian qua giá sơ ri trái rất bấp bênh, đầu ra không ổn định, dù ngành chức năng tỉnh đã có chủ trương, chính sách nhằm kích cầu nhưng đa số người dân trồng sơ ri không mấy mặn mà. Tháng 5-2012, Công ty TNHH Nichirei-HPC Việt Nam (doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư) chuyên thu mua sơ ri được thành lập trên địa bàn Gò Công được xem là cơ hội để loại trái cây này phát triển.

Phát triển bấp bênh

Trong giai đoạn 2007-2011, tỉnh Tiền Giang đã đầu tư kinh phí cho chương trình hỗ trợ phát triển toàn diện vùng trồng sơ ri Gò Công. Ngành chức năng đã xác định vùng trồng, tuyển chọn được giống sơ ri thích nghi với điều kiện sinh thái của vùng Gò Công, các giải pháp kỹ thuật để xử lý ra hoa và tăng đậu trái, quy trình phòng chống sâu bệnh sơ ri trên diện rộng, các kỹ thuật để đảm bảo sơ ri cho ăn tươi và chế biến, hỗ trợ 28 hộ nông dân, với 9ha sơ ri được công nhận đạt tiêu chuẩn Viet GAP, xây dựng mới 1 hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ sơ ri. Tuy nhiên, người trồng sơ ri gặp rất nhiều khó khăn do giá trái sơ ri xuống thấp.

Đến tìm hiểu tại vùng đất Gò Công được biết người trồng sơ ri giờ không còn hào hứng đầu tư trồng, chăm sóc sơ ri như trước. Bà Ngô Thị Nguyệt, ấp Thuận Hòa, xã Long Thuận, thị xã Gò Công, đã đốn bỏ 0,1 ha sơ ri Brazil chuyển sang trồng màu. Bà Nguyệt tâm sự: “Chán quá! Cây sơ ri từng cứu cánh đời sống chúng tôi. Nhưng chỉ trong thời gian ngắn, giá sơ ri trái tuột dốc không phanh. Giờ chỉ đốn bỏ, chứ giá bán không đủ bù chi phí bỏ ra”. Ông Lê Văn Hiền ngụ cùng ấp với bà Nguyệt cũng đốn bỏ 0,3ha sơ ri chuyển sang trồng rau màu, cho biết: “Neo trái lại chờ giá thì lấy gì sống. Gia đình phụ thuộc vào 3 công đất trồng sơ ri này. Giá 3.000-3.500 đồng/kg thì chỉ đủ tiền mướn công hái trái”. Ông Nguyễn Minh Nam, ấp Kinh Trên, xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông vừa đốn 0,2ha sơ ri Brazil vì không cầm cự nổi và ông cũng không nhớ đã bao nhiêu lần nông dân ở đây đốn bỏ sơ ri, rồi trồng lại. Chỉ biết là giá xuống thấp, nông dân ào ạt phá vườn chuyển sang trồng loại cây khác, khi giá lên cao thì khôi phục lại. 

Đó là tình cảnh của những hộ dân trồng nhỏ lẻ, còn các hợp tác xã (HTX) cũng không mấy khả quan. Ông Nguyễn Văn Thông, Chủ nhiệm HTX sơ ri Bình Ân (xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông) cho biết, hiện xã viên đốn bỏ sơ ri Brazil rất nhiều để chuyển sang trồng giống sơ ri truyền thống. HTX có khoảng 14 ha đã chuyển sang trồng sơ ri Gò Công. Theo bà Châu Thị Tuyết, Chủ nhiệm HTX sơ ri Gò Công, xã Long Thuận, thị xã Gò Công, HTX có 23 ha với 54 hộ trồng sơ ri, nhưng thời gian qua xã viên đốn bỏ rất nhiều do giá bán thấp; nhiều xã viên cũng xin ra khỏi HTX vì không thấy lợi ích, đầu ra sản phẩm cũng không có. “Chúng tôi đang vận động các xã viên trồng sơ ri lại và tham gia vào HTX vì thời gian tới, sơ ri trái sẽ có đầu ra ổn định, giá cả cũng sẽ có lợi cho nông dân”-bà Tuyết khẳng định.

Hướng mở cho sơ ri?

Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, cây sơ ri được du nhập và trồng tại vùng đất Gò Công từ rất lâu. Thống kê cho thấy, từ những năm của thập kỷ 80-90 của thế kỷ trước, diện tích trồng sơ ri tại khu vực này lên đến 800 ha. Kết quả khảo sát của Phân viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp trong năm 2007 cho thấy diện tích cây sơ ri chỉ còn 270ha. Đầu năm 2012, Trung tâm Nghiên cứu canh tác cây sơ ri cũng đã tổ chức khảo sát chi tiết hiện trạng canh tác sơ ri tại Gò Công và lúc này diện tích chỉ còn 276ha. Trong đó, diện tích trồng sơ ri chua truyền thống gần 133ha, giống sơ ri ngọt 103ha và giống sơ ri chua mới (sơ ri Brazil) khoảng 40ha. Thời gian qua, dù được đưa vào danh sách 7 loại trái cây đặc sản ưu tiên phát triển của tỉnh, nhưng đầu ra sản phẩm bấp bênh, khiến người trồng mất dần niềm tin và không tiếp tục đầu tư. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng cần có chiến lược dài hơi và cụ thể từng mục tiêu phát triển để cây sơ ri trở thành loại cây đặc sản thật sự.

Tháng 5-2012, Trung tâm Nghiên cứu canh tác cây sơ ri (Công ty TNHH Nichirei-HPC Việt Nam) được thành lập tại ấp Hòa Bình, xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông. Trung tâm có chức năng nghiên cứu, cải tạo và phát triển giống sơ ri; phát triển và tư vấn kỹ thuật canh tác; quản lý chất lượng trái sơ ri… Giám đốc trung tâm Ngô Hoàng Việt, nói: “Muốn ổn định và phát triển lâu dài thì cây sơ ri phải được đầu tư theo chiến lược lâu dài về khâu tổ chức sản xuất, thu mua, chế biến. Đồng thời, thực hiện nhiều khóa tập huấn người dân sản xuất theo hệ thống Global GAP, Viet GAP; gia tăng việc kiểm tra, hướng dẫn kịp thời bà con nông dân sản xuất sơ ri đảm bảo chất lượng; cải thiện giống, tạo ra những giống mới có năng suất, chất lượng; tạo hệ thống thu mua ổn định, có hợp đồng sản xuất lâu dài cùng bà con nông dân trồng sơ ri”. Theo ông Seo Hirôaki, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nichirei-HPC Việt Nam, hiện công ty vẫn còn hợp đồng mua sơ ri cho Công ty TNHH Thịnh Phát (thị xã Gò Công) khoảng 1.000 tấn. Công ty đang chờ giấy phép kinh doanh của ngành chức năng tỉnh, khi có giấy phép sẽ tổ chức thu mua sơ ri trái cho nông dân theo giá thị trường và đảm bảo nông dân có lãi.

Ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông cho biết: “Thời gian qua, người dân trồng sơ ri vô cùng khó khăn do sản xuất không đủ để bù chi phí bỏ ra. Nhiều nông dân đã đốn bỏ để trồng loại cây khác. Nhưng khi đưa cây trồng khác vào thay thế thì không thích hợp với thổ nhưỡng và phải quay lại trồng sơ ri. Huyện sẽ vận động nông dân quy hoạch lại vùng trồng, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu của doanh nghiệp. Hy vọng thời gian tới sẽ không còn chuyện trồng rồi đốn, đốn rồi trồng nữa”. Theo ông Trịnh Công Minh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, khi Công ty TNHH Nichirei-HPC Việt Nam có Giấy phép kinh doanh và tiến hành mua sơ ri trái cho nông dân, gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu và nghiên cứu thuộc công ty. Có như vậy mới xây dựng theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, san sẻ lợi ích với bà con nông dân.

     Bài, ảnh: KHẢI CA

Chia sẻ bài viết