07/12/2014 - 09:09

HƯỚNG ĐẾN MỤC TIÊU ĐẢM BẢO AN TOÀN CHO TRẺ KHI THAM GIA GIAO THÔNG

Làm thế nào đảm bảo an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông đường bộ cùng những giải pháp tháo gỡ khó khăn? - là nội dung chính được nhiều đại biểu nêu ra để cùng thảo luận tại khóa tập huấn “Nâng cao năng lực thực hiện qui định đội mũ bảo hiểm (MBH) đối với trẻ em” do Quỹ Phòng chống Thương vong Châu Á (AIP) phối hợp với Ban An toàn giao thông (ATGT) thành phố vừa tổ chức tại Cần Thơ. Sau đây là ý kiến của các đại biểu chung quanh chiến dịch truyền thông nhằm giảm thiểu thương vong cho trẻ em từ tai nạn giao thông đường bộ liên quan vấn đề đội MBH.

 Chuyên gia Bùi Huynh Long, nguyên Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, cố vấn Hiệp hội An toàn đường bộ toàn cầu:

GẮN KẾT CHẶT CHẼ GIỮA CHIẾN DỊCH TRUYỀN THÔNG VÀ CHIẾN DỊCH CƯỠNG CHẾ

 

Việt Nam thực hiện thành công Quy định bắt buộc đội MBH khi đi mô tô, xe gắn máy từ ngày 15 tháng 12 năm 2007; thành công này là điểm sáng về ATGT được toàn thế giới tôn vinh. Sau gần 7 năm thực hiện quy định đội MBH khi đi mô tô, xe gắn máy nhìn chung đã hình thành thói quen của toàn dân. Theo nhận định chung, tỷ lệ người đi mô tô, xe gắn máy đội MBH ở các đô thị, thành phố lớn đạt từ 90% trở lên; còn ở miền núi, vùng xa xôi hẻo lánh thì tỷ lệ đạt thấp. Hiện nay, tỷ lệ đội MBH cho trẻ em khi đi mô tô, xe gắn máy ở hầu hết các địa phương đều thấp. Điểm đáng lo ngại là số người đội MBH không đạt chuẩn, giả MBH chiếm tỷ lệ không nhỏ. Nguyên nhân chủ yếu là do công tác xử lý chưa quyết liệt, việc phát hiện, xử lý cơ sở sản xuất, bán MBH không đạt chuẩn, MBH giả chưa thật nghiêm. Phải chăng Quản lý thị trường không đủ lực lượng, làm không đủ dài hơi? Truyền thông chưa thực sự vào cuộc mạnh mẽ; các cơ quan điều phối, phối hợp chưa xây dựng được các chiến dịch truyền thông bài bản, gắn kết chặt chẽ giữa chiến dịch truyền thông và chiến dịch cưỡng chế? Nếu Bộ Giáo dục và đào tạo chỉ đạo quyết liệt hơn nữa việc đội MBH cho trẻ em ở các trường học; CSGT có cách xử lý các trường hợp cha mẹ không đội MBH cho trẻ em thì tình hình sẽ cải thiện đáng kể. Vấn đề cốt lõi là ý thức chấp hành pháp luật của một số người tham gia giao thông còn thấp, không tự giác, việc thực hiện mang tính đối phó, không xuất phát từ nhận thức bảo vệ mạng sống của chính mình và con em mình. Rõ nhất là việc những bạn trẻ đội các loại mũ thời trang, biết rõ là mũ không đạt chuẩn, giả MBH nhưng vẫn sử dụng với mục đích đối phó.

Chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi được coi là quan trọng nhất trong các loại chiến dịch truyền thông, tuy nhiên vẫn là thứ cấp, bởi nếu chỉ có chiến dịch truyền thông thì khó có thể thay đổi được hành vi hoặc hiệu quả không cao; cần phải được phối hợp chặt chẽ với chiến dịch cưỡng chế.

Các tỉnh phía Nam, trong đó có Cần Thơ duy trì tốt tỷ lệ người đi mô tô, xe gắn máy đội MBH. Thành phố Cần Thơ có mật độ phương tiện khá cao so với các tỉnh miền Tây, song qua khảo sát thực tế tôi thấy có điểm nổi bật: Sự quan tâm đặc biệt của chính quyền địa phương trong việc nâng cấp, xây dựng mới kết cấu hạ tầng giao thông; vấn đề đi lại, chấp hành các quy tắc giao thông của người tham gia giao thông tốt, rất ít trường hợp người lớn đi mô tô, xe gắn máy không đội MBH; tỷ lệ trẻ em đội MBH khi đi mô tô, xe gắn máy khá cao so với nhiều tỉnh, thành khác.

Trong các ngày 3, 4, 5- 12-2014, Quỹ phòng chống thương vong Châu Á (AIP) phối hợp với Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức khóa tập huấn tăng cường năng lực cho các cán bộ thuộc các cơ quan liên quan nhằm tạo lực lượng nòng cốt chuẩn bị cho thực hiện kế hoạch quy định bắt buộc đội MBH cho trẻ em, dự định ban hành trong tháng 12 năm 2014 và triển khai mạnh trong năm 2015. Đây là chương trình truyền thông dành cho cán bộ Ban ATGT, CSGT, cán bộ ngành giáo dục, các nhà báo, cán bộ của một số tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể, với nội dung sát hợp với thực tế của Việt Nam.

 Bà Nguyễn Diệu Nương, Giám đốc Chương trình Quốc gia Quỹ Phòng chống Thương vong Châu Á (AIP):

XÂY DỰNG VÀ GIỮ VỮNG VĂN HÓA ĐỘI MŨ BẢO HIỂM KHI THAM GIA GIAO THÔNG CHO THẾ HỆ TƯƠNG LAI

 

Kết quả của các chương trình tăng cường đội MBH cho trẻ em mà Quỹ AIP đã phối hợp thực hiện ở Việt Nam trong nhiều năm qua, cho thấy khi có kết hợp đầy đủ, nhuần nhuyễn các yếu tố: tuyên truyền, giáo dục; cung cấp MBH đạt chuẩn, phù hợp với trẻ em; kiểm tra, nhắc nhở và xử lý vi phạm thì tỷ lệ đội MBH ở trẻ em tăng lên. Cụ thể, ở những trường học triển khai đầy đủ các can thiệp nêu trên, tỷ lệ đội MBH của học sinh bình quân tăng từ 23,6% lên 95,7%. Ở những nơi triển khai không đầy đủ, chỉ tuyên truyền giáo dục mà không có kiểm tra nhắc nhở hay xử lý vi phạm hoặc thực hiện tất cả các hoạt động trên, trong khi khả năng tiếp cận với mũ bảo hiểm đạt chuẩn, phù hợp với trẻ em còn bị hạn chế thì tỷ lệ đội MBH ở trẻ em vẫn không cao. Ngoài ra, tỷ lệ đội MBH sau khi có sự can thiệp có thể lại suy giảm và không bền vững, nếu như không tiếp tục các hoạt động can thiệp.

Tuy nhiên, không phải tỉnh, thành phố nào cũng đạt và duy trì được kết quả, hiệu quả như nhau. Theo tôi, để có được một thay đổi toàn diện trong việc đội MBH cho trẻ em cần có sự vào cuộc của toàn xã hội, hệ thống chính trị thì mới có thể xây dựng và giữ vững được văn hóa đội MBH khi tham gia giao thông cho các thế hệ tương lai.

Để tăng cường hơn nữa hiệu quả trong việc thay đổi hành vi và hướng tới mục tiêu mỗi một trẻ em ở Cần Thơ đều được đội MBH khi tham gia giao thông, tôi nghĩ các cơ quan chức năng nên xác định rõ những vùng, khu vực hay các trường mà tỷ lệ đội MBH của trẻ em còn thấp để có giải pháp trợ giúp hay can thiệp cụ thể và tập trung đẩy mạnh sự chấp hành quy định trên toàn thành phố. Ngoài ra, cũng nên phát huy vai trò của lực lượng chức năng trong việc tuần tra xử lý vi phạm, thể hiện sự không nhân nhượng đối với những trường hợp người lớn, các bậc cha mẹ chủ quan, không chịu đội MBH cho con em, coi nhẹ sự an toàn của trẻ khi tham gia giao thông.

Quỹ AIP hiện đang hỗ trợ Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chủ trì ban hành và thực hiện Kế hoạch hành động thực thi quy định pháp luật về đội MBH cho trẻ em trên toàn quốc, bắt đầu từ tháng 1 năm 2015. Kế hoạch này là chương trình hành động thiết thực, đầy ý nghĩa của Việt Nam nhằm hưởng ứng chủ đề “Trẻ em và an toàn giao thông” của Tuần lễ ATGT đường bộ toàn cầu lần thứ ba do Liên Hiệp Quốc tổ chức từ ngày 4 đến ngày 10 tháng 5 năm 2015. Chúng tôi kỳ vọng kế hoạch hành động này sẽ tạo được sự thay đổi toàn diện và sự vào cuộc tích cực của giới truyền thông, tới mốc ngày toàn quốc tiến hành tuần tra xử phạt, dự kiến trong tháng 4 năm 2015, sẽ không có trường hợp người lớn, phụ huynh nào vi phạm quy định đội MBH cho trẻ em.

 Bà Trần Thị Xuân, Phó Trưởng ban ATGT thành phố Cần Thơ:

TĂNG CƯỜNG KIỂM TRA, XỬ LÝ VI PHẠM VÀ TẶNG MŨ BẢO HIỂM CHO TRẺ EM NGHÈO

 

Trong năm 2014, Ban ATGT thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm giảm thiểu TNGT và thương vong, trong đó có việc tăng cường giáo dục, tuyên truyền kết hợp với kiểm tra, xử lý vi phạm đối với việc sản xuất, kinh doanh MBH không đảm bảo chất lượng, mũ giả MBH. Kết quả, qua 1 tháng ra quân kiểm tra, đã phát hiện 492 MBH không rõ nguồn gốc, không hóa đơn chứng từ, dấu CR không hợp lệ… Đoàn kiểm tra liên ngành đã niêm phong tiêu hủy tại chỗ gần 200 MBH vi phạm tem nhãn hàng hóa, chuyển giao vụ việc cho các cơ quan chức năng xử lý theo qui định pháp luật. Ban ATGT còn phối hợp với C.ty TNHH TM Nhựa Chí Thành V.N tổ chức Đổi MBH chất lượng có trợ giá tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Từ các MBH kém chất lượng, không tem nhãn, cũ, hư, người tham gia giao thông có thể nhận MBH đạt chuẩn, với mức trợ giá từ 40 ngàn đến 100 ngàn đồng/cái. Qua 1 tháng triển khai thực hiện, công ty đã thu lại 2.330 MBH cũ, không đạt chất lượng.

Với quyết tâm phát huy sức mạnh của các tổ chức đoàn thể góp phần nâng cao nhận thức cho người tham gia giao thông, Ban ATGT thành phố đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố vận động hội viên ký cam kết Không cho con em dưới 18 tuổi điều khiển môtô trên 50 phân khối; xây dựng và nhân rộng mô hình vì sự an toàn của trẻ Gia đình hội viên phụ nữ cam kết đội MBH cho trẻ khi tham gia giao thông. Đến nay đã có 7/9 quận, huyện của thành phố triển khai thực hiện mô hình này cùng hơn 800 MBH được trao tặng cho đối tượng là trẻ em, học sinh nghèo ở các quận, huyện. Với thông điệp truyền thông: Hãy đội MBH đạt chuẩn để bảo vệ chính mình và Đội MBH an toàn cho con cũng như qua việc phối hợp với Quỹ AIP tổ chức khóa tập huấn truyền thông Nâng cao năng lực thực hiện qui định đội MBH đối với trẻ em, Ban ATGT thành phố mong muốn thời gian tới, cơ quan chức năng có biện pháp xử lý nghiêm đối với những trường hợp không tuân thủ qui định pháp luật về trật tự ATGT, trong đó có việc đội MBH cho trẻ em, đảm bảo an toàn cho trẻ khi tham gia giao thông.

Lan Hương (thực hiện)

Chia sẻ bài viết