07/04/2012 - 20:42

ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH GIAO THÔNG VẬN TẢI TP CẦN THƠ ĐẾN NĂM 2030

Hướng đến kết nối liên hoàn giao thông toàn vùng

Những năm gần đây, TP Cần Thơ tập trung đầu tư xây dựng nhiều công trình giao thông quan trọng đã mở ra nhiều tuyến giao thông đối nội, đối ngoại cho thành phố, từng bước phát triển đồng bộ về cơ sở hạ tầng.

Ngày 23-7-2008, UBND TP Cần Thơ có Quyết định số 1809/QĐ-UBND về việc phê duyệt “Quy hoạch phát triển giao thông TP Cần Thơ đến năm 2025”. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã phát sinh nhiều vấn đề chưa phù hợp với tốc độ phát triển của TP Cần Thơ. Tại Hội nghị điều chỉnh quy hoạch giao thông vận tải (GTVT) TP Cần Thơ đến năm 2030, một lần nữa cho thấy, cần thiết phải điều chỉnh quy hoạch này để phù hợp với đề án quy hoạch chung xây dựng TP Cần Thơ đến năm 2030, nhằm tạo sự liên hoàn về giao thông giữa các tỉnh, thành trong và ngoài vùng ĐBSCL.

* Nhiều vấn đề phát sinh...

Theo quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, ĐBSCL sẽ là vùng nông sản lớn trong mạng lưới sản xuất toàn cầu và là vùng kinh tế phát triển năng động, có môi trường đầu tư thuận lợi... Để đáp ứng nhu cầu phát triển với vai trò là “mạch máu của nền kinh tế”, thì GTVT phải đi trước. Tuy nhiên, theo nhận định của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển GTVT (thuộc Viện chiến lược và phát triển GTVT - Bộ GTVT), xét theo tiến trình phát triển của TP Cần Thơ và điều kiện cơ sở hạ tầng giao thông như hiện nay, thành phố khó có thể đạt được những mục tiêu đã đề ra trong giai đoạn tới và khi đó nhiều khả năng GTVT có thể sẽ trở thành gánh nặng cho nền kinh tế.

Theo đơn vị tư vấn thiết kế đề án - Trung tâm Nghiên cứu Phát triển GTVT - quy hoạch phát triển đến năm 2025 của TP Cần Thơ chủ yếu dựa trên các quy hoạch tổng thể và phân ngành GTVT đã được lập từ trước đó. Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua, một loạt các quy hoạch mới đã được lập và phê duyệt với nhiều nội dung đã cập nhật, thay đổi so với quy hoạch cũ như: Quy hoạch chung xây dựng TP Cần Thơ đến năm 2030; quy hoạch phát triển hệ thống đường bộ Việt Nam; thành lập vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL với TP Cần Thơ là đô thị hạt nhân; quy hoạch phát triển kinh tế hạ tầng GTVT vùng ĐBSCL... Thêm vào đó, một số dự án phân kỳ đầu tư trong giai đoạn 2009-2010, nhưng đến nay vẫn chưa tiến hành, do đó khi bắt đầu triển khai thì đã đến mốc quy hoạch mới. Ngoài ra, năm 2009, TP Cần Thơ được công nhận là đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương, trở thành trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với định hướng phát triển kinh tế xã hội mới. Vì vậy, theo quy hoạch phát triển giao thông TP Cần Thơ đến năm 2025 sẽ có nhiều điểm chưa phù hợp với quy hoạch chung của thành phố đến năm 2030. Từ những yếu tố trên, việc điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT TP Cần Thơ đến năm 2030 trên cơ sở kế thừa của quy hoạch phát triển giao thông TP Cần Thơ đến năm 2025 là rất cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị loại 1, đảm bảo nội dung quy hoạch được toàn diện gắn kết phù hợp từ Trung ương đến địa phương, đồng bộ với quy hoạch chung xây dựng TP Cần Thơ đến năm 2030 cũng như các quy hoạch của ngành GTVT và các ngành khác...

* Quy hoạch kết nối toàn vùng ĐBSCL

Theo Trung tâm Nghiên cứu Phát triển GTVT, đề án quy hoạch GTVT TP Cần Thơ đến năm 2030 được tiến hành qua 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ nay đến năm 2020) sẽ tiếp tục nâng cấp các tuyến quốc lộ qua địa bàn TP Cần Thơ, đạt quy mô cấp II, cấp III đồng bằng, riêng những đoạn qua nội ô phù hợp theo quy hoạch địa phương. Nâng cấp các tuyến đường tỉnh quan trọng và các tuyến đường huyện lên đường tỉnh, đầu tư xây dựng đường vành đai, các trục đường chính theo quy hoạch và các trục đường nối từ các khu công nghiệp vào các trục giao thông chính. Mở mới các trục đường đô thị theo quy hoạch của thành phố. Xây dựng tiếp các trục đường ngang để kết nối với các trục dọc, nâng cấp các tuyến đường ở các trung tâm quận, huyện đạt quy mô đường đô thị theo quy hoạch, thảm bê tông nhựa tất cả các tuyến đường đô thị. Nâng cấp chiều sâu toàn bộ hệ thống cảng đáp ứng nhu cầu vận tải và phù hợp quy hoạch cảng biển lớn vùng ĐBSCL. Tiếp tục xây dựng và nâng cấp các bến xe, bến tàu khách nâng cao năng lực và chất lượng phục vụ đáp ứng nhu cầu tăng trưởng hành khách và hàng hóa theo thực tế....

Giai đoạn 2 (từ năm 2020 đến 2030), tập trung hoàn chỉnh hệ thống đường tỉnh đạt quy mô cấp II, cấp III đồng bằng; tiếp tục nâng cấp các tuyến đường quận, huyện đạt quy mô cấp IV đồng bằng, nâng cấp và nhựa hóa hệ thống giao thông nông thôn; triển khai các kế hoạch chuẩn bị cho việc đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đến Cần Thơ và Cần Thơ đi An Giang... Dự kiến tổng vốn đầu tư cho đề án này ước tính khoảng trên 53.057 tỉ đồng (nguồn vốn Trung ương và TP Cần Thơ).

Tại hội nghị đóng góp ý kiến cho đề án này, nhiều đại biểu là lãnh đạo các sở, ngành cơ bản thống nhất phương án quy hoạch GTVT TP Cần Thơ đến năm 2030 do Trung tâm Nghiên cứu Phát triển GTVT đề xuất. Tuy nhiên, các đại biểu yêu cầu đơn vị tư vấn thiết kế bổ sung thêm một số chi tiết cho đồ án như: Cần đánh giá và tính toán thêm nhu cầu sử dụng đất của lĩnh vực giao thông, bổ sung danh mục một số công trình cần đánh giá tác động môi trường, nên có phân kỳ đầu tư xác định rõ những tuyến nào cần đầu tư bức xúc... Ông Mai Như Toàn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố, cho rằng: “Đơn vị tư vấn đã có nghiên cứu đề án quy hoạch chung xây dựng TP Cần Thơ đến năm 2030 và nghiên cứu sâu sát với thực tế, có cơ sở pháp lý và phân tích hiện trạng hệ thống giao thông của thành phố. Nhìn chung, đề án cơ bản hoàn chỉnh. Tuy nhiên, đơn vị tư vấn cần chú ý thêm vấn đề ngập lụt cũng như bến bãi, hệ thống giao thông công cộng tại TP Cần Thơ, nhất là trong nội ô thành phố để có sự đánh giá đúng thực tế nhằm định hướng quy hoạch đảm bảo phát triển về lâu dài”.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ - Đào Anh Dũng cho rằng, TP Cần Thơ nằm trên trục giao thương giữa vùng tứ giác Long Xuyên, bán đảo Cà Mau, Đồng Tháp Mười, và TP Hồ Chí Minh là trung tâm phát triển kinh tế- chính trị- văn hóa- xã hội của vùng ĐBSCL. Vì vậy, việc gắn kết mạng lưới giao thông giữa TP Cần Thơ với toàn vùng là rất cần thiết. Phó Chủ tịch Đào Anh Dũng đánh giá cao sự tập trung làm việc của đơn vị tư vấn thiết kế đã có những phân tích sát với hiện trạng giao thông thành phố và có lộ trình nghiên cứu đề án khá chi tiết, khả thi. Song, để đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung xây dựng của thành phố đến năm 2030, đơn vị tư vấn thiết kế cần tiếp thu ý kiến đóng góp của các sở, ngành, đặc biệt là các địa phương nơi có hệ thống giao thông đi qua. Mặt khác, phải định hướng quy hoạch trong mối tương quan và gắn kết với hệ thống giao thông các tỉnh lân cận và toàn vùng để phát huy hiệu quả cao nhất của toàn hệ thống giao thông. Bên cạnh, đơn vị tư vấn phải thường xuyên cập nhật thông tin về quy hoạch chung của Chính phủ cũng như TP Cần Thơ để tiến hành điều chỉnh bổ sung lần cuối, hoàn thiện đồ án gửi sở GTVT xem xét và trình UBND phê duyệt, sớm đưa vào triển khai thực hiện trong thời gian tới...

Bài, ảnh: THU HOÀI

Chia sẻ bài viết