07/09/2012 - 21:15

Hồn văn hóa Việt

Dịp lễ Quốc khánh 2-9, Bảo tàng TP Cần Thơ thu hút nhiều khách tham quan chuyên đề sưu tập cổ vật, di vật tiêu biểu. Những hiện vật cổ xưa tinh tế và sắc sảo giúp người xem càng tự hào những nét đẹp trong tinh hoa văn hóa Việt.

Trưng bày diễn ra từ ngày 29-8 đến 15-12-2012 tại Bảo tàng TP Cần Thơ (số 6, đường Phan Đình Phùng, quận Ninh Kiều).

Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, tham quan khu trưng bày giàn bếp xưa của người
dân ĐBSCL. 

Chuyên đề giới thiệu hơn 500 hiện vật thuộc các sưu tập như: văn hóa Óc Eo, gốm, đồ gỗ gia dụng, trang sức các dân tộc ĐBSCL, tiền Việt Nam, vật dụng sinh hoạt gia đình... Trong đó, đáng chú ý là các vật dụng sinh hoạt của các dân tộc vùng ĐBSCL. Các di vật, cổ vật cho thấy tính đa dạng, phong phú và giá trị nghệ thuật đặc thù tiêu biểu cho mỗi thời kỳ văn hóa trong dòng chảy văn hóa Việt ở vùng châu thổ Cửu Long. Không gian trưng bày được Ban tổ chức sắp xếp ngăn nắp và đẹp mắt, giúp người xem dễ theo dõi.

Ấn tượng nhất tại trưng bày lần này có lẽ là khu trưng bày giàn bếp của người Việt ở ĐBSCL. Giàn bếp được làm bằng gỗ, đặt bếp cà ràng với nồi cơm đất. Phía bên trái là ống đũa, kẽ giắt dao, máng chổi quét bếp. Bên trên giàn treo lủng lẳng hành, tỏi và úp nia, lồng bàn... Đặc biệt, giàn úp chén đơn sơ nhưng là hình ảnh quen thuộc với bà con vùng sông nước cũng được trưng bày. Đến khu trưng bày này, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, tỏ ra rất thích thú và yêu cầu Bảo tàng TP Cần Thơ nên chọn giàn bếp này trưng bày cố định để phục vụ khách tham quan, nhất là người nước ngoài.

Khu trưng bày gian nhà chính của người Việt ở ĐBSCL.

Người Việt thường quan niệm: “Sống đặng nhà, thác đặng mồ”. Vì vậy, căn nhà có ý nghĩa rất quan trọng trong cuộc sống mỗi người. Khu trưng bày gian nhà chính của người Việt với bộ bàn giữa, ghế đai đặt trang trọng ngay giữa ngôi nhà, trên vách chính là đôi câu liễn cùng bức hoành phi tùng, cúc, trúc, mai được cẩn ốc xà cừ rất tinh xảo. Kế bên là những vật dụng thờ cúng như lư hương, chén đựng rượu, cặp rồng chầu... có niên đại hơn 200 năm đã phục dựng rất thật một ngôi nhà thuần Việt của người dân vùng châu thổ Cửu Long.

Nam bộ thường được gọi là “vùng đất mới” nhưng qua những bộ sưu tập đồ trang sức, linga - yoni, tượng thờ cúng, vật dụng sinh hoạt... phong phú bằng đủ các chất liệu gỗ, đá, gốm, vàng... của nền văn hóa Óc Eo (từ thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ 7) đã khẳng định vùng đất này có một bề dày lịch sử. Những di chỉ của nền văn hóa Óc Eo trưng bày lần này được Bảo tàng TP Cần Thơ khai quật tại khu bưng Đá Nổi, lung Cột Cầu của huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. Bảo tàng TP Cần Thơ đã nộp hồ sơ xin được công nhận bộ sưu tập đồ trang sức, linga - yoni và tượng Phật bằng gỗ của nền Văn hóa Óc Eo là Bảo vật Quốc gia.

Xem bộ sưu tập đèn gia dụng, người xem như được nghe kể lại câu chuyện về tiến trình phát triển của cư dân Việt ở Nam bộ. Những loại đèn bão, đèn soi của giới bình dân đến những loại đèn treo, máng trang trí dành cho gia đình giàu có được sắp xếp ngăn nắp. Đặc biệt có những chiếc đèn thân làm bằng gốm với hoa văn tinh xảo kết hợp với ống khói thủy tinh màu, khi thắp lên như đóa hoa.

* * *

Hơn 500 cổ vật, di vật được trưng bày lần này được tuyển chọn từ hơn 10 ngàn hiện vật do Bảo tàng TP Cần Thơ sưu tập và bảo tồn, bảo tàng từ năm 1976 đến nay, biểu thị cho các nền văn hóa khác nhau đã có mặt trên đất nước Việt Nam nói chung, ĐBSCL nói riêng. Những hiện vật này đã góp phần tô điểm đời sống văn hóa, tinh thần của người dân từ ngàn xưa, minh chứng cho sự đa dạng, phong phú và sức sống mãnh liệt của văn hóa Việt ở Nam bộ. Mỗi cổ vật, di vật ấy không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật, thể hiện tài hoa, tay nghề điêu luyện của những nghệ nhân xưa mà nó còn giúp chúng ta hiểu thêm về quá trình giao lưu văn hóa của vùng đất châu thổ và cả nước.

Bà Nguyễn Thị Mỹ, Phó Giám đốc Bảo tàng TP Cần Thơ, cho biết: “Thông qua chuyên đề này, chúng tôi muốn giới thiệu với nhân dân những tinh hoa trong văn hóa Việt ở ĐBSCL, qua đó, kêu gọi mọi người nâng cao ý thức giữ gìn, tham gia hoạt động sưu tầm, bảo tồn các di vật, cổ vật có trên địa bàn”.

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết