 |
Ảnh: Korea Times |
Hôm qua 22-7, hình ảnh của Quốc hội Hàn Quốc đã bị suy giảm ít nhiều khi cảnh tượng ẩu đả giữa các nữ nghị sĩ thuộc Đảng Quốc đại (GNP) cầm quyền và Đảng Dân chủ (DP) đối lập tại phiên họp được đăng tải trên các báo trong và ngoài nước (ảnh). Vụ xô xát kéo dài 2 giờ bắt nguồn từ việc phe đối lập bất bình trước việc Quốc hội do GNP chiếm đa số (169 trong tổng số 299 ghế) quyết định đưa 3 dự luật cải cách ngành truyền thông gây tranh cãi ra bỏ phiếu trong khi GNP và DP vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Hầu hết dân biểu của DP phản đối bằng cách đứng chặn đường không cho các nghị sĩ của GNP bước chân vào tòa nhà quốc hội, và hỗn chiến giữa các nữ nghị sĩ đã xảy ra. Theo tờ Thời báo Hàn Quốc, nhiều nghị sĩ của DP đã bị thương, trong đó ít nhất một người phải nhập viện.
Sau những giờ phút căng thẳng, cuối cùng các nghị sĩ của đảng cầm quyền cũng vào được tòa nhà quốc hội để bỏ phiếu. Cuộc bỏ phiếu kết thúc vào lúc 16 giờ (địa phương) với kết quả 150 dân biểu của GNP bỏ phiếu tán thành 3 dự luật, nhiều hơn 2 phiếu so với quy định là để được thông qua các dự luật phải nhận được ít nhất là 148 phiếu ủng hộ. Ngay sau khi kết quả được công bố, Chủ tịch đảng DP Chung Sye-kyun và nhiều nghị sĩ của phe đối lập tuyên bố sẽ từ chức. Phía DP cho rằng quy trình bỏ phiếu đã vi phạm Luật Quốc hội Hàn Quốc. Cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội Lee Yoon-sung, người điều khiển quá trình bỏ phiếu, đã bỏ tới 2 phiếu cho dự luật phát thanh - truyền hình trái với luật định. Ngoài ra, DP tuyên bố sẽ kiện lên Tòa án Hiến pháp để hủy kết quả bỏ phiếu vì nhiều nghị sĩ không đích thân bỏ phiếu mà nhờ trợ lý làm thay.
Từ khi được đưa ra thảo luận tại Quốc hội vào cuối tháng 12 năm ngoái, 3 dự luật cải cách ngành truyền thông do chính phủ của Tổng thống Lee Myung-bak đề xuất đã bị phe đối lập phản đối gay gắt. Các dự luật trên nhắm tới bãi bỏ lệnh cấm các công ty báo chí địa phương sở hữu các kênh truyền hình nhằm nâng cao tính cạnh tranh. Trong khi đó, phe đối lập cùng với các nhà đài ở xứ kim chi cương quyết chống lại với lý do những dự luật đó nếu được thông qua sẽ dẫn đến tình trạng độc quyền trong ngành truyền thông.
TÂM BÌNH (Theo Korea Times, Chinaview)