03/07/2022 - 09:28

Hơn 70% bệnh nhân đột quỵ bị tàn phế 

(CTO) - Theo các chuyên gia y tế, hơn 70% trường hợp đột quỵ bị tàn phế, không thể hồi phục, trở lại cuộc sống bình thường như trước. Đây chính là nỗi sợ lớn nhất đối với bệnh nhân đột quỵ. Với mong muốn rút ngắn quy trình cấp cứu, điều trị kịp thời cho bệnh nhân đột quỵ, chiều 2-7-2022, Bệnh viện (BV) Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long tổ chức Hội thảo khoa học chủ đề “Tối ưu hóa quy trình cấp cứu và điều trị đột quỵ” - Vai trò của quản lý chất lượng tại Đơn vị đột quỵ. Hơn 100 chuyên gia, bác sĩ đang công tác tại các đơn vị y tế vùng ĐBSCL dự hội thảo. 

PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội đột quỵ TP Hồ Chí Minh chia sẻ tại hội thảo 

Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 200.000 bệnh nhân đột quỵ, riêng vùng ĐBSCL có gần 10.000 bệnh nhân đột quỵ mỗi năm. Thời gian qua, các BV trên địa bàn TP Cần Thơ nỗ lực nâng cao năng lực điều trị bệnh đột quỵ. Từ năm 2015 đến nay, BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long đã vận hành quy trình Code Stroke - xử trí cấp cứu khẩn người bệnh đột quỵ dưới 60 phút từ khi nhập viện. Nhờ đó, nhiều trường hợp nguy kịch được cứu sống, khả năng hồi phục cao. BS CKI Nguyễn Hữu Thái, Trưởng khoa Can thiệp nội mạch - Nội tim mạch, BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long chia sẻ, thời gian từ khi xuất hiện các dấu hiệu đột quỵ đến khi bắt đầu điều trị là "giờ vàng", dưới 3 giờ, quyết định sự sống của người bệnh cũng như hạn chế tối đa tổn thương não. 

Tại Hội thảo, PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội đột quỵ TP Hồ Chí Minh, chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu trong việc tối ưu hóa quy trình cấp cứu và điều trị đột quỵ. Các ê-kíp điều trị phải chạy đua với thời gian để quyết định hiệu quả và an toàn sức khỏe, tính mạng của người bệnh. BS Thắng cũng đề cập, vấn đề cấp cứu, xử trí ngoại viện cho bệnh nhân tại cộng đồng và y tế cơ sở còn hạn chế, chưa đủ điều kiện, phương tiện cấp cứu ban đầu; người bệnh đột quỵ còn bị hoãn cơ hội được cấp cứu sớm, kịp thời. Vì vậy, bên cạnh quy trình Code-Stroke, các BV cần góp phần nâng cao ý thức cộng đồng, nhận diện sớm dấu hiệu đột quỵ, phối hợp thực hiện cấp cứu ban đầu cho bệnh nhân đột quỵ tại y tế cơ sở: cho bệnh nhân thở oxy, kiểm tra huyết áp cho bệnh nhân (không giảm huyết áp), đặt hai đường truyền tĩnh mạch… Chuyên gia cũng khuyến cáo, khi có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ nào, người bệnh cần được đưa ngay đến trung tâm đột quỵ chuyên sâu gần nhất để được chẩn đoán và xử trí nhanh nhất. 

THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết