08/04/2018 - 09:59

Hollywood và Trung Quốc: Ván bài đã vãn? 

Lợi ích kinh tế từ sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh đã khiến Hollywood và Trung Quốc bắt tay hợp tác trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, đi kèm là không ít rủi ro.

Ván bài của Hollywood và Trung Quốc

Business Insider từng phân tích sự hợp tác trong công nghiệp điện ảnh giữa Hollywood và Trung Quốc không đơn giản là vấn đề mở rộng thị trường, mà còn là ván bài kinh tế tác động đến nhiều lĩnh vực. Từ lâu, Hollywood đã thấy nguy cơ bão hòa từ thị trường Mỹ và châu Âu, nên sớm quyết định tìm cơ hội ở châu Á - nơi đang có nhiều quốc gia phát triển mạnh mẽ về kinh tế. Không có gì lạ khi Hollywood chọn Trung Quốc là thị trường ưu tiên. Sự đa dạng về nhu cầu của người thưởng thức điện ảnh, nhiều cơ chế chính sách, cùng với tài chính dồi dào đã đưa quan hệ hợp tác giữa Hollywood và Trung Quốc liên tục phát triển.

Đạo diễn và dàn diễn viên “Secret Superstar” ra mắt và quảng bá phim tại Thượng Hải.

Điều này giúp thị phần doanh thu phòng vé từ các nhà phân phối phim của Mỹ tăng bình quân từ 25-40% trong khoảng 2-3 năm. Việc đầu tư sản xuất các phim bom tấn của Hollywood cũng dễ thở hơn với những khoản đầu tư mạnh mẽ từ Trung Quốc. Rob Cain, Công ty Pacific Bridge Pictures, cho biết: “Ngành công nghiệp điện ảnh Hollywood đang khát vốn, nên sự hợp tác từ Trung Quốc cần thiết và trở thành đối tác quan trọng”. Các dự án phim Hollywood được đầu tư vốn từ Trung Quốc ngày càng nhiều, có khi lên đến 100%.

Ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc cũng nương theo đó mà lột xác. Thay vì ngăn chặn sự tấn công của Hollywood, Trung Quốc hợp tác và thay đổi cách quản lý để phát triển theo hướng có lợi. Trung Quốc từ đó cũng thâm nhập vào phim của Hollywood, từ bối cảnh, diễn viên đến văn hóa, ngôn ngữ… Các nhà làm phim Hollywood gần đây ưa thích pha trộn nét văn hóa phương Đông vào tác phẩm để đáp ứng thị trường châu Á. Nhà phân tích Aynne Kokas nói: “Hollywood đang nỗ lực làm những  phim dễ dàng tiếp cận hơn với thị trường Trung Quốc”. Nhiều bom tấn thương hiệu như: “xXx: Return of Xander Cage”, “Kong: Skull Island”, “Fast & Furious 8”, “The Mummy”, “Pacific Rim Uprising”, “Alien: Covenant”, “Pirates of the Caribbean: Salazar’s Revenge”, “Independence Day: Resurgence”... đều có bóng dáng diễn viên hay bối cảnh Trung Quốc.

Thị trường không ổn định

Quan hệ hợp tác giữa Hollywood và Trung Quốc đã dần hình thành xu hướng mới: “Hollywood made in China”, chỉ những tác phẩm điện ảnh Hollywood chịu sự chi phối của Trung Quốc về sản xuất, diễn viên, bối cảnh… Tuy ban đầu xu hướng này mang đến lợi ích kinh tế cho cả hai bên, nhưng về lâu dài đã bộc lộ những ảnh hưởng tiêu cực. Khán giả ở cả hai thị trường đang dần nhận ra sự rập khuôn và tẩy chay những tác phẩm theo xu thế này. Sự thất bại của “The Great Wall”, “Transformers: Age Of Extinction”, “Independence Day: Resurgence”… là minh chứng rõ ràng. Khán giả phương Tây lẫn phương Đông đều khó chấp nhận tác phẩm lai tạp, hời hợt và thiếu bản sắc.

Về mặt doanh thu, các bom tấn thắng lớn ở thị trường Bắc Mỹ nhưng lại thất bại tại phòng vé Trung Quốc, hoặc ngược lại, đã dấy lên nhiều lo ngại cho Hollywood lẫn điện ảnh Trung Quốc. Khán giả Trung Quốc thích dòng phim siêu anh hùng, robot, viễn tưởng; nhưng đó là chuyện trước đây. Những số liệu doanh thu gần đây cho thấy khán giả Trung Quốc không còn thiết tha với dòng phim này. “The Force Awakens”, “Rogue One: A Star Wars Story”, “The Last Jedi”… đều có doanh thu không hơn 150 triệu USD tại thị trường tỉ dân. Thống kê từ Ent Group, tỷ lệ khán giả Trung Quốc lựa chọn phim Âu Mỹ chỉ còn 55% vào năm 2017, trong khi con số này vào năm 2016 là 61%. Kevin Zhu, khán giả Trung Quốc, cho biết: “Phim Hollywood đậm tính thương mại quá. Tôi không cảm thấy hứng thú nữa. Tôi đang thích các phim có bản sắc văn hóa của Nhật Bản, Ấn Độ”.

Thực tế, Bollywood đang lên ngôi tại Trung Quốc. “Dangal” là tác phẩm của Bollywood ra mắt vào năm 2017, có doanh thu tại Trung Quốc khoảng 206 triệu USD, là phim thứ 21 ăn khách nhất mọi thời đại tại thị trường khổng lồ này. Một tác phẩm khác của Bollywood là “Secret Superstar” vừa công chiếu, trở thành phim ăn khách thứ ba năm 2018 tại Trung Quốc tính đến thời điểm hiện tại với doanh thu khoảng 109 triệu USD. Po Hou, Quản lý truyền thông và giải trí của Deloitte, cho biết: “Với phim Hollywood hiện nay, khán giả hầu hết đã biết nội dung, họ chỉ đến rạp để xem vì thần tượng hoặc kỹ xảo điện ảnh. Khó có thể nói trước được điều gì với thị hiếu khán giả như hiện nay”.

Phim Hollywood tuy vẫn chiếm đến 47% doanh thu phòng vé Trung Quốc vào năm 2017, nhưng điều này không ổn định khi thị hiếu khán giả Trung Quốc đang đa dạng hơn. Hạn ngạch nhập khẩu phim nước ngoài vào Trung Quốc vẫn dừng ở con số 38 phim mỗi năm, trong khi Hollywood phải cạnh tranh với những dòng phim đang được khán giả Trung Quốc yêu thích từ Nhật, Bollywood và châu Âu. David Hancock, Giám đốc bộ phận nghiên cứu và phân tích giải trí của HIS Markit, cho biết: “Các nhà phân phối đang tìm nhiều dòng phim mới để đưa ra rạp”. Po Hou, Quản lý truyền thông và giải trí của Deloitte, cho rằng: “Bản sắc, sự độc đáo là điều Hollywood cần tạo dựng để giữ thị trường”.

Bảo Lam
(Tổng hợp từ Telegraph, Forbes, Business Insider, Variety)

Chia sẻ bài viết