28/12/2024 - 15:05

Hội thảo chuyên đề bệnh lý tĩnh mạch chi dưới và khám chữa bệnh 

(CTO) - Ngày 28-12, Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ tổ chức Hội thảo chuyên đề bệnh lý tĩnh mạch chi dưới và khám chữa bệnh.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

PGS.TS.BS Đàm Văn Cương, Giám đốc Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ, phát biểu khai mạc hội thảo.

Tại hội thảo, TS.BS Lê Đức Tín trình bày các chuyên đề về bệnh suy tĩnh mạch nông chi dưới, huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới; đại diện Công ty TNHH Đạt Phú Lợi trình bày chuyên đề rối loạn bạch huyết và loét tĩnh mạch.

TS.BS Lê Đức Tín trình bày các chuyên đề tại hội thảo.

Suy giãn tĩnh mạch chi dưới là tình trạng suy giảm chức năng đưa máu về tim của hệ thống tĩnh mạch ở chân, dẫn đến ứ đọng máu ở chi dưới gây biến đổi huyết động và tổ chức mô xung quanh. Bệnh thường tiến triển chậm, ít nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nếu không được điều trị đúng cách sẽ dẫn đến các biến chứng lâu dài như chàm da, loét chân không lành, huyết khối tĩnh mạch sâu… Bệnh lý tĩnh mạch chi dưới không chỉ gây tác động tiêu cực đến sức khỏe mà còn làm suy giảm đáng kể chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Theo các thống kê mới nhất tại Việt Nam, số ca mắc bệnh lý tĩnh mạch chi dưới đang tăng cao, nhưng đa số bệnh nhân chỉ được phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Xu hướng bệnh ngày càng trẻ hóa, đặc biệt ở những người làm việc văn phòng, ngồi trong một tư thế quá lâu hoặc ít vận động.

Các triệu chứng suy tĩnh mạch chi dưới: giai đoạn đầu thường mỏi chân và xuất hiện phù nhẹ khi phải đứng lâu, ngồi nhiều, chuột rút vào buổi tối, cảm giác bị kim châm, dị cảm như kiến bò vùng cẳng chân về đêm, xuất hiện nhiều mạch máu nhỏ li ti ở chân, nhất là ở cổ chân và bàn chân. Khi giai đoạn tiến triển sẽ phù chân, có thể phù ở mắt cá hay bàn chân, thay đổi màu sắc da vùng cẳng chân, có thể thấy các búi tĩnh mạch giãn nổi rõ trên da. Ở giai đoạn biến chứng sẽ viêm tĩnh mạch nông huyết khối, chảy máu do giãn vỡ tĩnh mạch, nhiễm khuẩn vết loét trong suy tĩnh mạch mạn tính. Do đó, siêu âm trong chẩn đoán suy tĩnh mạch chi dưới là một phương pháp quan trọng và rất cần thiết để chẩn đoán xác định bệnh. Siêu âm giúp quan sát thành mạch, hoạt động của van tĩnh mạch và tìm các cục máu đông. Phương pháp này đơn giản, rẻ tiền, hiệu quả cao nên thường là chỉ định đầu tay của các bác sĩ trong chẩn đoán bệnh lý mạch máu chi dưới. ngoài ra, cần thay đổi lối sống, nâng cao chân khi ngủ hoặc khi ngồi, mang tất áp lực, tránh đứng trong thời gian dài, giảm cân nếu thừa cân, tập thể dục để cải thiện sức mạnh của đôi chân…

Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ đã có nhiều năm kinh nghiệm trong chẩn đoán và điều trị các bệnh mạch máu và bệnh suy tĩnh mạch chi dưới.

ANH KHOA

Chia sẻ bài viết