21/06/2009 - 07:43

Học theo Người để "tâm sáng - lòng trong - bút sắc"

Là người thầy vĩ đại của báo chí Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi báo chí là một vũ khí cách mạng sắc bén và đã sử dụng báo chí một cách tài tình để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia sự nghiệp cách mạng. Người đã để lại một di sản báo chí quý báu, với hơn 1500 bài báo có giá trị, đề cập toàn bộ các vấn đề rộng lớn của cách mạng và đời sống xã hội, cùng những quan điểm, tác phong hoạt động và lời dạy về báo chí cách mạng có giá trị sâu sắc. Học tập và noi theo gương làm báo của Bác, nhiều thế hệ nhà báo đã không ngừng tiến bộ, trưởng thành. Nhân dịp kỷ niệm 84 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, chúng tôi đã gặp gỡ một số nhà báo tâm huyết với nghề, không ngừng nỗ lực học tập, rèn luyện theo lời dạy của Bác Hồ, có những tác phẩm viết về Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được đánh giá cao...

Tác phẩm “Chuyển biến từ Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của tác giả Nguyễn Thị Hoài Thu, đơn vị Báo Cần Thơ, vinh dự là một trong 10 tác phẩm báo chí xuất sắc nhất chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, được Ban Chỉ đạo thực hiện cuộc vận động cấp Trung ương khen thưởng. Nói về cảm xúc của mình khi nhận được giải thưởng này, chị Thu bộc bạch: “Phần thưởng đạt được là nguồn động viên lớn lao để tôi phấn đấu trong công việc, thôi thúc tôi suy nghĩ, trăn trở và sáng tạo nhiều hơn nữa để có thể có thêm những bài viết trung thực, có giá trị”.

Từ nhỏ đã thích nghề báo, nên khi tốt nghiệp đại học, chị Hoài Thu nộp đơn xin về Báo Cần Thơ. Chị Thu kể, cầm trên tay giấy báo tạm tuyển của Báo Cần Thơ, chị rất vui mừng, nhưng cũng rất lo lắng vì chị hoàn toàn chưa chuẩn bị được gì làm hành trang vào nghề. Sau một thời gian thử việc, chị càng nhận ra mình đã hụt hẫng từ kiến thức đến vốn sống, nhất là khi không được học đúng chuyên ngành thì sự khó khăn càng nhân lên gấp bội. Chị Thu bộc bạch: “Vào công tác rồi, tôi mới thấy hết những gian nan vất vả của nghề báo, nhất là đối với nhà báo nữ. Đó là việc thường xuyên phải chạy xe gắn máy đi hàng trăm cây số để đi công tác, tối lại thức viết bài. Chưa kể nhiều lúc đang ngồi bên trang viết chợt nhớ ra cơm chưa nấu, quần áo chưa giặt, con chưa rước... và hàng trăm công việc linh tinh khác liên tục chi phối đầu óc. Khổ nhất là những chuyến công tác xa nhà hàng tuần, mỗi lần nghe điện thoại “con nhớ mẹ” hay “con bệnh”... lòng tôi như có lửa đốt”...

Nhà báo Nguyễn Thị Hoài Thu, Báo Cần Thơ.
Ảnh: HOÀNG THANH 

Những khó khăn ấy không làm chị Hoài Thu ngán ngại. Bên cạnh việc thường xuyên nghiên cứu tài liệu, nhờ các anh chị đi trước hướng dẫn, chị nghiên cứu thật kỹ bài viết sau khi được biên tập, để tự mình rút ra kinh nghiệm. Để có những đề tài hay, thời sự, chị thường xuyên bám sát cơ sở, lắng nghe những phản ánh của nhân dân. Chính những ngày lặn lộn với cơ sở đã giúp chị phát hiện ra nhiều đề tài nóng như: một số lãnh đạo địa phương đã buông lỏng công tác quản lý tài chính, để xảy ra nhiều những sai phạm, làm thất thoát tài sản của Nhà nước - cũng là của nhân dân; hay như trường hợp cán bộ lấn chiếm đất công, cán bộ ấp ăn chặn tiền tết của hộ nghèo... Không chỉ phản ánh những vấn đề bức xúc, chị Hoài Thu đặc biệt chú trọng phát hiện biểu dương những nhân tố mới điển hình tiên tiến. Ví dụ như bài viết “Chuyển biến từ một Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được khen thưởng. Chị Thu kể: “Bài viết xuất phát từ một lần đến UBND thị trấn Phong Điền liên hệ công tác, tôi thấy cách cán bộ nơi đây làm việc đúng giờ, tác phong, cách đối xử với nhân dân rất tận tụy, ân cần. Từ yếu tố này, tôi đi sâu tìm hiểu và thấy rằng Cuộc vận động đã tác động mạnh mẽ, giúp Đảng bộ có những chuyển biến tích cực trong việc sửa đổi lề lối làm việc, thái độ phục vụ nhân dân. Để thực hiện bài viết, ngoài làm việc với các đồng chí lãnh đạo huyện, thị trấn, cán bộ thị trấn và các ấp, tôi đã gặp gỡ nhiều người dân để nghe đánh giá thực tế quá trình chuyển biến”.

Chị Hoài Thu bộc bạch: “Thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, là đảng viên, tôi cố gắng tự soi rọi lại mình, phát huy những ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, không ngừng học tập, rèn luyện đạo đức lối sống. Bên cạnh đó, với trách nhiệm của người làm báo, tôi sẽ nỗ lực chủ động khắc phục mọi khó khăn để đi cơ sở nhiều hơn nữa, kịp thời phát hiện, viết bài biểu dương những tập thể, cá nhân thực hiện tốt Cuộc vận động. Tôi cũng luôn nhắc nhở mình phải nỗ lực học tập, trau dồi tác phong làm báo cách mạng theo gương của Bác để ngày càng tiến bộ hơn”.

* * *

“Người đảng viên say mê sáng tạo cái mới” là một trong những tác phẩm được Ban giám khảo cuộc thi viết về Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” TP Cần Thơ đánh giá cao. Tác giả của tác phẩm này là một sĩ quan trẻ: Thượng úy Hoàng Văn Khiêm, Trợ lý Tuyên huấn- Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự TP Cần Thơ.

Thượng úy Hoàng Văn Khiêm, Trợ lý Tuyên huấn - Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự TP Cần Thơ. Ảnh: NGỌC QUYÊN 

Năm 1993, Hoàng Văn Khiêm nhập ngũ, về đơn vị Tiểu đoàn Tây Đô. Sau thời gian huấn luyện, anh được phân công về Phòng Chính trị, thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, làm công tác tuyên huấn. Anh Khiêm kể: “Trước khi bắt tay vào công việc, đơn vị tạo điều kiện để tôi tham dự một lớp tập huấn nghiệp vụ ngắn hạn, học một số kiến thức cơ bản về quay phim, chụp ảnh và viết tin, bài”. Trở về đơn vị với những kiến thức ít ỏi sau 3 tháng tập huấn, chưa có nhiều kinh nghiệm tác nghiệp báo chí, lại vừa phải tác nghiệp cùng lúc ở cả 2 thể loại: báo viết và báo hình nên anh Khiêm gặp rất nhiều khó khăn khi bắt tay vào công việc. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền về hoạt động của lực lượng vũ trang đòi hỏi cách diễn đạt, sử dụng từ ngữ sao cho khéo léo, phù hợp để không “khô khan”, người đọc, người xem dễ hiểu, vừa phải bảo đảm bí mật quân sự. Ban đầu, nhiều bản tin, bài viết không đạt yêu cầu, anh phải viết lại nhiều lần. Không nản chí, anh thường xuyên trao đổi, học tập kinh nghiệm của các anh chị đi trước, nghiên cứu kỹ những câu chữ, ý tứ trong bản thảo và bản đã được biên tập, duyệt phát, duyệt đăng để rút kinh nghiệm khắc phục. Anh cũng dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu để có những cảnh quay, góc máy đẹp... Bên cạnh việc thực hiện các tác phẩm tuyên truyền về hoạt động của lực lượng vũ trang, anh còn thực hiện một số bài viết về các vấn đề thời sự. Thành quả sau những nỗ lực ấy là: Liên hoan Truyền hình toàn quân năm 2007, chương trình quốc phòng toàn dân do anh Khiêm cùng một số nhà báo Đài Phát thanh - Truyền hình thành phố thực hiện đạt Huy chương bạc. Anh cũng có nhiều đóng góp để tờ tin “Tây Đô” - tờ tin nội bộ của lực lượng vũ trang thành phố - ngày càng chất lượng hơn, nhiều năm đạt giải cao và liên tục đạt hai giải nhất ở Cuộc thi bình chọn Ấn phẩm xuân thành phố Cần Thơ năm 2008, 2009.

Trong quá trình tác nghiệp, anh Khiêm phát hiện Trung tá Vũ Huy Thủy, Trưởng khoa Giáo viên Trường Quân sự thành phố, là một người tận tụy với công việc, tạo ra nhiều mô hình học cụ tiết kiệm kinh phí cho nhà trường hàng chục triệu đồng mỗi năm; sống hòa đồng, gần gũi với anh em đồng đội... Đúng lúc ấy, thành phố phát động cuộc thi viết về những tấm gương điển hình trong thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và anh Khiêm đã thể hiện thành công nhân vật qua tác phẩm “Người đảng viên say mê sáng tạo cái mới”. Anh Khiêm nói: “Điều tôi nể phục ở Trung tá Vũ Huy Thủy là anh không bằng lòng với cái hiện có, luôn phấn đấu vươn lên, tìm tòi những cái hay, cái mới. Anh lao vào miệt mài nghiên cứu, có nhiều đêm anh thức trắng với những mô hình, học cụ phục vụ cho công tác giảng dạy. Ấn tượng nhất là hệ thống các sa bàn của anh đã giúp cho tôi hiểu hơn về nghệ thuật quân sự độc đáo, chiến tranh du kích của dân tộc”.

Vừa là một sĩ quan trẻ, cũng là một chiến sĩ trên mặt trận tuyên truyền, anh Khiêm thường xuyên tìm hiểu, học tập về tác phong làm báo của Bác. Anh luôn tâm niệm lời dạy của Bác: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tốt nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng”. Theo anh Khiêm, Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” mà tất cả mọi người đang thực hiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với những người làm công tác tuyên truyền, là cơ hội soi rọi lại bản thân, nỗ lực rèn luyện đạo đức, nâng cao tay nghề để “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”. Anh Khiêm bộc bạch: “Những lời dạy của Bác đối với những người làm công tác tuyên truyền rất gần gũi, dễ hiểu. Nhưng tôi thấy việc học tập và làm theo gương Bác là một quá trình dài, đòi hỏi mỗi người phải kiên trì, nỗ lực phấn đấu. Riêng bản thân tôi sẽ tiếp tục không ngừng nỗ lực học tập, nghiên cứu, trau dồi đạo đức, phát huy tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị và luôn xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ””.

* * *

Tính đến thời điểm này, Thạch Sara Sotheves, Biên tập viên Phòng Khmer, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP Cần Thơ, vào nghề được 3 năm. “Trong quá trình học tập để ngày càng tiến bộ, những lời dạy của Bác đối với người làm báo - nghề báo chính là kim chỉ nam để tôi noi theo” - Sotheves bộc bạch.

Nhà báo Thạch Sara Sotheves, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP Cần Thơ. Ảnh: H. T 

Tốt nghiệp đại học năm 2005, ra trường, Sotheves được nhận vào làm việc tại một công ty tư vấn du học ở TP Hồ Chí Minh, nhưng khi biết Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP Cần Thơ tuyển biên tập viên, anh quyết tâm thử sức ở lĩnh vực mới mẻ này. Không được học cơ bản về chuyên ngành báo chí nên lúc đầu Sotheves gặp nhiều khó khăn. Suốt 3 tháng đầu, anh học việc bằng cách lấy các bản tin, phóng sự đã phát để viết lại và phát triển thành các bản tin khác nhau, rồi nộp cho lãnh đạo, các anh chị đồng nghiệp đi trước nhờ sửa chữa. Những tin, bài, đã phát, anh đặc biệt lưu ý những ý kiến đóng góp, phê bình của đồng nghiệp, các anh chị lãnh đạo, và nhất là khán giả để rút kinh nghiệm. Anh cũng dành thời gian nghiên cứu tài liệu, tìm hiểu và đọc nhiều tác phẩm báo chí của Bác. Setheves tâm sự: “Tôi thấy Bác có cách viết giản dị, dễ hiểu nhưng mạch lạc và lôi cuốn. Những lời dạy chân tình của Người cũng làm tôi hiểu hơn về trách nhiệm của người làm báo, để tôi khắc phục khó khăn và không ngừng cố gắng”.

Sự nỗ lực phấn đấu của Sotheves đã giúp anh có sự trưởng thành nhanh trong nghề, có nhiều bài viết được khán giả quan tâm, như bài về anh nông dân Danh Văn Dưỡng, một nông dân Khmer biết lai tạo ra giống lúa EO. Trong cuộc thi viết về Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tác phẩm “Nhà cách mạng lão thành Trầm Kim Hai” của anh là một trong những tác phẩm lọt vào vòng chung khảo, được Ban Giám khảo đánh giá cao. Sotheves kể: Trước khi cùng đồng nghiệp đến để ghi những hình ảnh về ông Trầm Kim Hai, anh dành hẳn một ngày đến Sóc Trăng để gặp gỡ, trò chuyện với nhân vật, gặp gỡ những người láng giềng của ông và cấp ủy, chính quyền địa phương. Càng tìm hiểu về ông, Sotheves càng cảm phục con người có quá trình tham gia cách mạng lâu dài, về già vẫn giữ lối sống giản dị, tiết kiệm, sống gần gũi và nhiệt tình với bà con, tích cực vận động bà con Khmer học tập làm theo tấm gương của Bác. Sự cảm phục từ trái tim, cộng với sự giúp đỡ tận tình của lãnh đạo phòng và các đồng nghiệp đã giúp Sotheves thực hiện tốt phóng sự.

Sotheves bộc bạch: “Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước được đông đảo cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng. Bản thân tôi là đoàn viên, tôi xem việc tuyên truyền về những tấm gương điển hình, tiêu biểu, có cách sống, cách làm việc theo gương của Bác là trách nhiệm để tham gia thực hiện Cuộc vận động. Bên cạnh đó, tôi luôn trau dồi, rèn luyện về đạo đức người làm báo, học ở Bác cách dùng từ giản dị, dễ hiểu để bà con dễ tiếp thu. Tôi luôn tâm niệm lời dạy của Người dành cho những nhà báo, đó là: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc?... Lời dạy của Người luôn định hướng cho các bài viết của tôi. Dẫu trong cuộc sống thường nhật còn gặp nhiều khó khăn, nhưng tôi sẽ luôn cố gắng vươn lên để có những bài viết trung thực, chất lượng cao, góp phần nhỏ bé của mình vào công cuộc đổi mới quê hương, đất nước”.

HOÀNG THANH - THANH THY

Chia sẻ bài viết