10/04/2025 - 10:20

Hoàn thành “mục tiêu kép”: nâng thu nhập, giảm nghèo trong xây dựng nông thôn mới  

Trong Bộ Tiêu chí TP Cần Thơ về xã nông thôn mới (NTM) nâng cao giai đoạn 2021-2025, tiêu chí số 10 về thu nhập và tiêu chí 11 về nghèo đa chiều thuộc nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất. Ðối với Bộ Tiêu chí TP Cần Thơ về xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, tiêu chí thu nhập và nghèo đa chiều không được phân thành các tiêu chí cụ thể nhưng vẫn được xem là một trong những nội dung quan trọng phải được nâng chất. Ðiều đó cho thấy nâng cao đời sống, cải thiện thu nhập và giảm nghèo cho người dân là mục tiêu hàng đầu mà chương trình Xây dựng NTM của TP Cần Thơ đã và đang hướng đến.

Thực hiện tiêu chí thu nhập, nghèo đa chiều có tác động qua lại với nhau và tác động đến các nhóm tiêu chí khác. Trong ảnh: Thu hoạch lúa tại xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh.

Nỗ lực tăng thu nhập, giảm nghèo

Ông Lê Văn Tính, Phó chánh chuyên trách Văn phòng điều phối Xây dựng NTM TP Cần Thơ, cho biết: Quá trình thực hiện tiêu chí thu nhập, nghèo đa chiều đã tác động mạnh mẽ đến các tiêu chí khác trong nội bộ nhóm (lao động có việc làm, tổ chức sản xuất…) và các nhóm khác (hạ tầng kinh tế - xã hội, văn hóa - xã hội - môi trường). Do đó, 2 tiêu chí này luôn được thành phố xác định là “đòn bẩy” để hoàn thành các tiêu chí khác. Thời gian qua, TP Cần Thơ đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ để cải thiện thu nhập cho người dân nông thôn; hỗ trợ, vận động giúp đỡ người nghèo nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Ðơn cử như thúc đẩy tăng gia sản xuất; tạo điều kiện tiếp cận vốn vay ưu đãi; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn; hỗ trợ y tế, nhà ở...

Tại xã NTM kiểu mẫu Trung Hưng, huyện Cờ Ðỏ, với lợi thế phát triển nông nghiệp, xã chọn hình mẫu “Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn”. Ông Chung Huệ Ðức, Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Xã có 4 hợp tác xã hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp và liên kết sản xuất giữa nông dân, nhà cung cấp lúa giống, vật tư nông nghiệp, các giống cây trồng; có 68 chi tổ hội nghề nghiệp và tổ hợp tác sản xuất hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp như các khâu bơm tưới, xuống giống, trồng trọt, phun xịt, may gia công và đan lú… Bên cạnh đó, Trung Hưng phát triển Cánh đồng lớn, với diện tích 516ha tại ấp Thạnh Trung và có 1 sản phẩm OCOP được đánh giá 3 sao là mắm Thành Nhân. Hiện 100% các khâu trong sản xuất nông nghiệp của xã được cơ giới hóa, giúp giảm chi phí và rút ngắn thời gian… Nhờ những nỗ lực không ngừng, thu nhập bình quân đầu người của xã tăng nhanh từ 57,63 triệu đồng/người (năm 2021) lên 80,975 triệu đồng/người (năm 2024). Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm mạnh so với những năm trước, cụ thể năm 2021 đạt tỷ lệ 0,35%, năm 2022 đạt tỷ lệ 0,16%, đến cuối năm 2023 xã không còn hộ nghèo”.

Theo Văn phòng điều phối Xây dựng NTM TP Cần Thơ, kết quả phát triển sản xuất trên các mặt, thu nhập người dân nông thôn của TP Cần Thơ những năm qua được nâng cao rõ rệt. Ðến cuối năm 2024, thu nhập bình quân đầu người ở các xã đạt chuẩn NTM nâng cao đạt trên 72 triệu đồng/người/năm, ở các xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu đạt trên 79,2  triệu đồng/người/năm. Về tỷ lệ nghèo đa chiều của thành phố đã giảm dưới 2,5%, cụ thể, cuối năm 2024, thành phố có 350 hộ nghèo, với 1.118 khẩu, chiếm tỷ lệ 0,09%; hộ cận nghèo 4.685 hộ, với 18.367 khẩu, chiếm tỷ lệ 1,26%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn 0,29%, tương đương 29 hộ.

Tập trung cao độ

TP Cần Thơ đã có những kết quả đáng khích lệ trong việc nâng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo tại các xã xây dựng NTM. Tuy nhiên, việc giữ vững và nâng chất các tiêu chí này là áp lực lớn. Bởi trong điều kiện sản xuất nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo, xuất phát điểm của các xã thấp thì việc duy trì và nâng chất 2 tiêu chí này phải được đặc biệt quan tâm nếu không sẽ rất dễ bị giảm chất lượng.

Từ thực tế đó, các huyện, xã xây dựng NTM của thành phố, tùy từng điều kiện, lợi thế, mỗi địa phương chọn giải pháp, hướng đi riêng cho bài toán tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững. Ông Hàn Phước Khánh, Chủ tịch UBND xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Xã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật cho người nông dân, đặc biệt ưu tiên phát triển theo hướng nông nghiệp an toàn, nông nghiệp sạch. Ðồng thời, tăng cường nguồn vốn vay cho các hộ vừa mới thoát nghèo nhằm tạo điều kiện cho họ sản xuất kinh doanh; thường xuyên rà soát và đề xuất tổ chức các lớp dạy nghề cho đối tượng trong độ tuổi lao động, đảm bảo số lao động trong độ tuổi có việc làm. Từ đó, nâng mức thu nhập bình quân đầu người hằng năm theo chuẩn quy định đến năm 2025 đạt tối thiểu 76 triệu đồng/người/năm.

Theo ông Chung Huệ Ðức, xã Trung Hưng chú trọng thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, nhất là trong phát động các phong trào thi đua, khơi dậy, phát huy và khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đặc biệt là nguồn nội lực trong dân. Ðồng thời, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/HU của Huyện uỷ Cờ Ðỏ về phát triển kinh tế tập thể và kinh tế vườn. Qua đó, phối hợp với các ban, ngành cấp trên khai thác và nâng cao hiệu quả sử dụng đất trên cơ sở chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây trồng có hiệu quả cao. Tiếp tục vận động thành lập các hợp tác xã; củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã yếu kém; hỗ trợ kinh tế hộ, kinh tế trang trại phát triển…

Nhiều ý kiến cho rằng, các sở ngành hữu quan cần tập trung, chủ động đổi mới cách tiếp cận, các giải pháp hỗ trợ; điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều, phân tích nguyên nhân nghèo để phân loại đối tượng và có hướng hỗ trợ phù hợp... Ông Lê Văn Tính, nhấn mạnh: “Thời gian tới, thành phố, cấp huyện và xã tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân thông qua triển khai thực hiện tốt đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; chuyển dịch hợp lý cơ cấu kinh tế nông thôn gắn với các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp; xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao. Ngoài ra, thành phố tiếp tục nâng chất lượng, hiệu quả chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để làm đòn bẩy phát triển kinh tế nông thôn; thực hiện tốt các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để huy động tốt các nguồn lực từ vốn tín dụng và vốn doanh nghiệp cho xây dựng NTM nói chung và thực hiện tiêu chí thu nhập, nghèo đa chiều nói riêng”.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết