13/11/2011 - 20:43

Hỗ trợ vốn xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp trên các địa bàn khó khăn - những vấn đề tiếp tục đặt ra

* THANH BÌNH

Nhìn chung, quy mô, tốc độ và chất lượng phát triển của các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn khó khăn thường nhỏ và chậm hơn nhiều so với các nơi khác. Một trong những nguyên nhân quan trọng của thực trạng đó là do thiếu vốn, kết cấu hạ tầng còn nhiều bất cập.

Vài nét về các khu công nghiệp trên những địa bàn khó khăn

Theo thống kê, tính đến tháng 8-2011, cả nước đã có 260 KCN được thành lập, với tổng diện tích đất tự nhiên hơn 72.000 ha; trong đó, có 78 KCN, với tổng diện tích đất tự nhiên 15.500 ha (chiếm 30% về số lượng và 22% về tổng diện tích các KCN cả nước) được đặt trên địa bàn các địa phương đang có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Qua tổng hợp các tiêu chí phân loại, những địa phương đang có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn (sau đây viết tắt là địa phương khó khăn) chủ yếu tập trung ở vùng trung du miền núi Tây - Bắc Bộ, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Cho đến nay, tất cả 78 KCN ở các địa phương khó khăn đã thu hút được hơn 220 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký khoảng 3 tỉ USD và 1.700 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn trên 81 nghìn tỉ đồng, chiếm 5,6% tổng vốn FDI và 24% tổng vốn đầu tư trong nước vào các KCN trên cả nước. Tổng số lao động trong các KCN của các địa phương khó khăn là 197 nghìn người, chiếm 12% tổng số lao động KCN cả nước.

Tổng diện tích đã cho thuê được của những KCN này là trên 4.100 ha đất công nghiệp, đạt tỷ lệ lấp đầy 48%, trong đó tỷ lệ lấp đầy của các KCN đã vận hành đạt 60%. Với các KCN đang giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản, tỷ lệ đó mới đạt hơn 20%, thực sự là quá thấp. Trừ một số KCN đã đạt tỷ lệ lấp đầy khá cao như Đình Trám (Bắc Giang), Sông Công I (Thái Nguyên), Hòa Hiệp (Phú Yên), Mỹ Tho (Tiền Giang), bởi đây đều là những KCN được thành lập khá lâu, còn lại đạt thấp chủ yếu do việc huy động vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN còn gặp nhiều khó khăn, chưa có sức thu hút mạnh các nhà đầu tư. Thể hiện, trong tổng vốn đầu tư kết cấu hạ tầng KCN đăng ký (trên 32,6 nghìn tỉ đồng), nhưng thực hiện mới đạt tỷ lệ 27% (9 nghìn tỉ đồng), thấp hơn so với mức trung bình của các KCN cả nước (khoảng 40%).

Trong bối cảnh đó, một số địa phương đã sáng tạo vận dụng, dành một tỷ lệ thích đáng vốn ngân sách địa phương hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, giải phóng mặt bằng cho KCN. Rõ nhất là KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng), năm 2001, sau khi được ngân sách địa phương hỗ trợ, chỉ trong 3 năm đã hoàn thành xây dựng kết cấu hạ tầng và lấp đầy gần hết diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê. Với sự thành công đó, Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm sử dụng ngân sách trung ương (NSTW) cân đối hỗ trợ cho một số KCN khác như KCN Lễ Môn (Thanh Hóa), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Thụy Vân (Phú Thọ), Biên Hòa I (Đồng Nai) ...

Kết quả sau 8 năm hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách Trung ương

Từ kinh nghiệm thực tiễn nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 183/2004/QĐ-TTg ngày 19-10-2004 về cơ chế hỗ trợ vốn NSTW để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật KCN tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, tạo một cơ chế chung làm cơ sở cho việc xem xét hỗ trợ một phần vốn NSTW để xây dựng kết cấu hạ tầng KCN nhằm đáp ứng yêu cầu bức thiết của các địa phương. Sau một thời gian thực hiện Quyết định số 183, một số KCN đã triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư khả quan hơn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều bất cập. Từ đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính lại tiếp tục xem xét, nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định mới thay thế Quyết định số 183. Đó là Quyết định số 43/2009/QĐ-TTg ngày 19-3-2009, trong đó điều chỉnh, bổ sung một số nội dung mới, như: nâng hạn mức tối đa cho vùng trung du miền núi Bắc Bộ và Tây Nguyên; hỗ trợ KCN thứ hai ở duyên hải miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long; mở rộng hạng mục hỗ trợ và quy định thứ tự ưu tiên sử dụng vốn hỗ trợ này. Theo đó, Quyết định đã quy định số lượng và hạn mức hỗ trợ tối đa cho từng vùng như sau: vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, vùng Tây Nguyên được xem xét, hỗ trợ vốn đầu tư từ NSTW cho mỗi KCN với hạn mức tối đa 100 tỉ đồng. Các địa phương khác thuộc vùng duyên hải miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long chỉ được hỗ trợ cho 2 KCN, với hạn mức tối đa 70 tỉ đồng/KCN. Nguồn vốn hỗ trợ cũng được xác định theo thứ tự ưu tiên, tập trung vào những hạng mục tạo mặt bằng cho xây dựng kết cấu hạ tầng và bảo vệ môi trường. Trường hợp các công trình nêu trên đã được hoàn thành hoặc đã huy động được nguồn vốn khác đầu tư thì các địa phương được sử dụng số kinh phí còn dư để đầu tư các hạng mục, công trình hạ tầng kỹ thuật khác theo thứ tự ưu tiên: hạ tầng kỹ thuật trong hàng rào khu công nghiệp; đường gom, đường, cầu vào khu công nghiệp,...

Sau hai năm triển khai, năm 2010, tổng vốn hỗ trợ từ NSTW là 613 tỉ đồng, được bố trí cho 38 KCN, trong đó có 21 KCN được hỗ trợ lần thứ hai với tổng vốn 326 tỉ đồng. Đến năm 2011, các số liệu đó theo thứ tự là 495 tỉ đồng, 41 KCN, 24 KCN và 295 tỉ đồng. Nếu lũy kế đến hết kế hoạch năm 2011, tổng vốn NSTW hỗ trợ cho các KCN theo hai quyết định 183 và 43 (từ năm 2004 - 2011) là 3.168 tỉ đồng, được bố trí cho 74 KCN của 46 tỉnh. Trong đó, có 33 KCN dã được hỗ trợ đủ mức tối đa, trung bình mỗi năm có từ 3 - 5 KCN được bố trí đủ mức vốn tối đa.

Xây dựng cơ sở hạ tầng tại Khu công nghiệp quận Thốt Nốt. Ảnh: ĐÔNG TRIỀU. 

Qua thực tế triển khai thời gian qua và sơ bộ đánh giá qua những cuộc kiểm tra, làm việc, cũng như báo cáo từ các địa phương, chúng ta thấy đã có nhiều kết quả vượt trội. Đó là, nguồn vốn hỗ trợ từ NSTW đã kịp thời giải quyết một phần khó khăn cho các địa phương trong việc huy động nguồn vốn xây dựng hạ tầng KCN. Thực tế ở một số KCN, như: Hòa Xá (Nam Định), Đình Trám (Bắc Giang), Thụy Vân (Phú Thọ), Đồng Văn I (Hà Nam), Nguyễn Đức Cảnh (Thái Bình), Điện Nam - Điện Ngọc (Quảng Nam), Phú Tài (Bình Định), Mỹ Tho (Tiền Giang), Hòa Hiệp (Phú Yên) sau khi được hỗ trợ, các chủ đầu tư đã nhanh chóng triển khai xây dựng và cơ bản hoàn thiện kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư. Điều đáng ghi nhận ở đây là, các địa phương đã sử dụng đúng vốn ngân sách hỗ trợ cho các hạng mục, công trình theo quy định.

Nhờ nguồn vốn hỗ trợ từ NSTW và nỗ lực của các địa phương, một số KCN mới thành lập cũng đã hoàn thành sớm hệ thống kết cấu hạ tầng, đi vào vận hành và đạt tỷ lệ diện tích đất lấp đầy cao như: Hòa Xá (Nam Định), Đình Trám (Bắc Giang), Thụy Vân (Phú Thọ), Đồng Văn I (Hà Nam), Nguyễn Đức Cảnh (Thái Bình), Phú Bài (Thừa Thiên - Huế), Điện Nam -Điện Ngọc (Quảng Nam), Phú Tài (Bình Định), Hòa Hiệp (Phú Yên), Mỹ Tho (Tiền Giang), Hòa Phú (Vĩnh Long), Lộc Sơn (Lâm Đồng), Tâm Thắng (Đắc Nông)... Đặc biệt, có một số KCN đã lấp đầy diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê và mở rộng thêm như: Hòa Xá, Đình Trám, Đồng Văn I, Thụy Vân, Phú Bài, Nguyễn Đức Cảnh, Điện Nam - Điện Ngọc, Hòa Hiệp. Mặc dầu còn ở mức khiêm tốn nhưng KCN ở các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn trong những năm qua đã có đóng góp đáng kể vào tăng trưởng công nghiệp của địa phương, kích thích các thành phần kinh tế khác đầu tư phát triển thêm các KCN khác trên địa bàn của mình.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, do kinh tế còn khó khăn nên các địa phương chưa có giải pháp tự huy động nguồn vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN. Một số địa phương, đặc biệt là ở khu vực trung du miền núi phía Bắc không có khả năng bố trí vốn ngân sách địa phương, dẫn tới tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN còn chậm. Một số địa phương sử dụng nguồn vốn hỗ trợ chưa theo đúng quy định tại Điều 3 Quyết định số 43/2009 của Thủ tướng Chính phủ là theo thứ tự ưu tiên; sử dụng cho KCN thứ hai khi chưa đáp ứng đủ tiêu chí và các điều kiện đã quy định, thậm chí còn sử dụng cho các hạng mục khác ngoài quy định. Cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong việc xác định nhu cầu vốn của các địa phương chưa thật chặt chẽ. Đặc biệt là xác định những nhu cầu bức bách và cần thiết nhất để ưu tiên trong quá trình tổng hợp cân đối chung và xây dựng phương án phân bổ vốn...

Những vấn đề cần điều chỉnh, bổ sung

Thực tiễn triển khai cơ chế mới về hỗ trợ vốn NSTW theo Quyết định số 43/QĐ-TTg ngày 19-3-2009 cho xây dựng KCN ở các địa phương khó khăn thời gian qua đã đặt ra một số vấn đề cần tiếp tục xem xét, giải quyết cho phù hợp với thực tế hiện nay. Cấp bách là do đơn giá nguyên vật liệu, nhân công xây dựng tăng cao; tổng mức đầu tư của KCN cũng lớn hơn nhiều so với mức được phê duyệt trước đây, cho nên mức hỗ trợ vốn NSTW cho đầu tư kết cấu hạ tầng KCN theo Quyết định số 43 là còn quá khiêm tốn so với tổng mức đầu tư của KCN, chưa đủ sức phát huy được tác dụng hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư và kích thích các nguồn vốn đầu tư khác. Vì vậy, cần có sự điều chỉnh, bổ sung.

Cần xác định lại tỷ lệ bổ sung cân đối ngân sách địa phương so với chi ngân sách địa phương và tỷ trọng công nghiệp trong GDP ở mức hợp lý nhằm đưa tất cả các địa bàn thực sự khó khăn vào diện được hỗ trợ. Theo đó, bổ sung thêm một vài tiêu chí cụ thể khác để xác định chuẩn xác hơn địa bàn thực sự khó khăn thuộc diện được hỗ trợ (chẳng hạn như tỷ lệ lao động công nghiệp, GDP bình quân đầu người...). Từ thực tế này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có sự tham khảo và đồng thuận với một số bộ ngành liên quan đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị xem xét hướng điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 43/QĐ-TTg cả về tiêu chí địa bàn được hỗ trợ, mức hỗ trợ, hạng mục, công trình được hỗ trợ... Cụ thể, hạn mức hỗ trợ tối đa là 100 tỉ đồng/KCN đối với trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, 70 tỉ đồng/KCN đối với vùng còn lại, hiện nay cần nâng lên cho phù hợp với tình hình thực tế để bảo đảm hỗ trợ đủ đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng và kích thích các nguồn vốn khác. Việc nâng hạn mức tối đa cần được nghiên cứu đồng thời với việc xác định lại các địa bàn đặc biệt khó khăn cần được ưu tiên hỗ trợ hơn so với các địa bàn khác, đồng thời, bảo đảm khả năng cân đối của NSTW.

Một số địa bàn như miền núi phía Bắc và Tây Nguyên vẫn là những vị trí kém thuận lợi, tình hình kinh tế - xã hội còn rất khó khăn, nên việc huy động vốn đầu tư từ nguồn khác, kể cả nguồn ngân sách địa phương vào phát triển KCN hết sức hạn chế, vì vậy, mức hỗ trợ tối đa cho các KCN ở địa bàn này cần ở mức cao nhất, ưu tiên nhất. Các địa phương khác thuộc vùng trung du phía Bắc (Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Giang) có điều kiện thuận lợi hơn có thể được hỗ trợ ở mức tương tự như Đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền Trung và được hỗ trợ cho KCN thứ hai.

Ngoài ra, vấn đề bảo vệ môi trường KCN đang đặt ra cấp bách. Để đạt được mục tiêu kế hoạch 5 năm 2011-2015, cần đẩy mạnh hỗ trợ cho việc xây dựng công trình xử lý nước thải. Do đó, việc điều chỉnh hạn mức hỗ trợ có thể theo hướng hỗ trợ hoàn thành công trình xử lý nước thải tập trung cho KCN, không quy định hạn mức tối đa đối với hạng mục công trình xử lý nước thải do công suất thiết kế các công trình xử lý nước thải phụ thuộc vào ngành nghề, lĩnh vực đầu tư vào KCN. Quyết định số 43 đã quy định hỗ trợ đền bù, giải phóng mặt bằng; công trình xử lý nước thải tập trung, đường, cầu vào KCN theo thứ tự ưu tiên là hợp lý. Bởi đây đều là những công trình hạ tầng, cần thiết phải hoàn thành để tạo cơ sở cho đầu tư các hạng mục hạ tầng khác trong KCN và thu hút đầu tư. Cho nên cùng với việc tăng hạn mức hỗ trợ tối đa, có thể nghiên cứu đưa thêm một số hạng mục hạ tầng phục vụ khác vào đối tượng được sử dụng vốn hỗ trợ như đường giao thông trục chính nối khu tái định cư, khu nhà ở của người lao động.

Cuối cùng, cần có những quy định rõ hơn về cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong việc kiểm tra, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn, xác định nhu cầu vốn của địa phương hằng năm làm cơ sở chính xác hơn cho việc xây dựng phương án bố trí vốn hỗ trợ NSTW hàng năm, nhất là đối với những hạng mục, công trình cấp bách phải hoàn thành trong năm kế hoạch để không có sự phản ứng tiêu cực dây chuyền đến các công trình hạng mục khác, gây hậu quả khôn lường.

Theo Tạp chí Cộng sản

Chia sẻ bài viết