22/08/2018 - 20:48

Ông Viên Tuấn Thanh, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ và phát triển sinh viên Cần Thơ, sáng lập viên dự án Up Green Life:

Hỗ trợ đồng hành cùng startup khởi nghiệp 

Từ năm 2016, Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển sinh viên Cần Thơ, Hệ sinh thái khởi nghiệp Up Green Life Cần Thơ thường xuyên tổ chức các hoạt động đào tạo và hỗ trợ cho các startup về kỹ năng kinh doanh, khảo sát thị trường, quảng bá sản phẩm… Qua đó hướng đến phát triển cộng đồng startup cũng như xây dựng hình ảnh doanh nghiệp đồng hành cùng các startup trong quá trình khởi nghiệp. Chia sẻ về những thông điệp ý nghĩa từ các chương trình hỗ trợ cho startup, ông Viên Tuấn Thanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển sinh viên Cần Thơ, cho biết:

- Với sự dẫn dắt của Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển sinh viên Cần Thơ, Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Up Green Life ở TP Cần Thơ ra đời từ tháng 7-2016 và đã đi được chặng đường hơn 2 năm. Up Green Life có nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp như: tổ chức những chương trình Workshop cộng đồng để sàng lọc các dự án từ thanh niên, tổ chức "Phiên chợ khởi nghiệp", "Thử thách 7 ngày tự doanh", những chương trình đào tạo, tìm kiếm nhà đầu tư sẽ đầu tư vào các dự án khởi nghiệp… Thông qua những hoạt động này, các nhóm khởi nghiệp có sự gắn kết với nhau, hình thành nên một cộng đồng khởi nghiệp. Từ đó, hệ sinh thái khởi nghiệp của TP Cần Thơ ngày càng lớn và mọi người cùng chung mục tiêu, chung định hướng về khởi nghiệp, xác định được tâm thế khởi nghiệp.

* Được biết, Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển sinh viên Cần Thơ, Hệ sinh thái khởi nghiệp Up Green Life Cần Thơ thường xuyên tổ chức chương trình  "Thử thách 7 ngày tự doanh" dành cho các bạn trẻ khởi nghiệp. Xin ông chia sẻ thêm về ý nghĩa và mục tiêu của chương trình này?

- Theo chu trình ươm tạo khởi nghiệp do Hệ sinh thái khởi nghiệp Up Green Life thiết kế và trực tiếp thực hiện, "Thử thách 7 ngày tự doanh" đóng vai trò là một trong những giai đoạn hỗ trợ trước khi đưa các dự án tham gia vào loạt hoạt động thúc đẩy doanh nghiệp như: Intvestor bootcamp; Demo Day, Shark Tank Việt Nam… "Thử thách 7 ngày tự doanh" được tổ chức lần đầu tiên vào đầu năm 2017. Từ đầu năm 2018 đến nay đã tổ chức được 3 lần, có 6 dự án tham gia với trên 15 nhóm sản phẩm/dịch vụ khởi nghiệp, đặc sản của các địa phương… Đối tượng tham gia chương trình là sinh viên, thanh niên khởi nghiệp chia đội thi đua cùng nhau bày bán các sản phẩm do mình đăng ký tại một địa điểm cụ thể. Trong quá trình tham gia thử thách, các đội sẽ xây dựng kế hoạch và mục tiêu kinh doanh cụ thể trong 7 ngày; xây dựng danh sách công việc cần làm trong từng ngày và áp dụng vào thực tiễn. Các đội có thể hỗ trợ về nền tảng công nghệ thông tin để vừa báo cáo công việc hằng ngày, những khó khăn, thuận lợi đưa ra hướng giải quyết khó khăn trong ngày tiếp theo. Bên cạnh đó, sẽ có đội ngũ truyền thông để hỗ trợ ghi hình, kêu gọi khách hàng đến tham quan gian hàng hoặc mua sản phẩm, quảng bá về các chương trình khuyến mãi, ưu đãi để đạt mục tiêu đã đề ra ngay từ đầu.

* Qua "Thử thách 7 ngày tự doanh" các nhóm khởi nghiệp sẽ học được những bài học kinh nghiệm gì, thưa ông?

- "Thử thách 7 ngày tự doanh" hướng đến các đối tượng tham gia là các dự án Startup - Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo -Thanh niên trải nghiệm. Trong 7 ngày tự doanh, sẽ có nhiều tình huống khác nhau nảy sinh đòi hỏi các đội nhóm phải đưa ra giải pháp xử lý. Những giải pháp này đôi khi chưa mang lại hiệu quả như mong muốn nhưng vấn đề là các nhóm tham gia chương trình sẽ học được bài học về việc chịu trách nhiệm với những giải pháp mà mình và đội nhóm đã đưa ra... Mục tiêu cụ thể là phát triển nguồn lực con người, các kỹ năng bán hàng, kinh doanh, làm việc nhóm, trải nghiệm thực tế đối với các nhóm khởi nghiệp. Kỳ vọng của Ban tổ chức chương trình là tổ chức ít nhất 1 tháng 1 lần và mỗi lần có từ 8-10 đội tham gia ở cùng nhiều địa điểm bán hàng khác nhau. Từ đó có thể tạo được không khí thi đua sôi nổi vừa có sự thông tin liên tục về hoạt động của các nhóm, các nhóm cũng có thể phân tích thị trường, sức hút của sản phẩm ở từng thời điểm khác nhau.

* Tháng 9 tới đây, Phiên chợ Khởi nghiệp Cần Thơ lần 3 sẽ diễn ra tại Trung tâm Thương mại Sense City Cần Thơ. Xin ông cho biết về các hoạt động chủ chốt của chương trình lần này?

- Từ ngày 7 đến ngày 9-9, Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Sinh viên Cần Thơ, Dự án Hệ sinh thái Khởi nghiệp Up Green Life và Trung tâm Thương mại Sense City Cần Thơ Phiên chợ Khởi nghiệp Cần Thơ lần 3. Phiên chợ Khởi nghiệp Cần Thơ lần 3 dự kiến thu hút 30 gian hàng trưng bày và từ 25 - 30 sản phẩm, dịch vụ khởi nghiệp. Trong chương trình sẽ có các buổi tọa đàm giao lưu cùng các khách mời là chuyên gia trong lĩnh vực khởi nghiệp; các phiên chia sẻ, hoạt động đào tạo dành cho cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp về kỹ năng xây dựng mục tiêu, khảo sát thị trường, xây dựng và quảng bá, hình ảnh thương hiệu, tham gia cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp…

Một dự án khởi nghiệp tham gia bán hàng trong chương trình “Thử thách 7 ngày tự doanh”.

Đối với Phiên chợ Khởi nghiệp Cần Thơ lần 3, Ban Tổ chức hướng đến mục tiêu thúc đẩy hoạt động giao thương; mở đường cho nhiều sản phẩm, dịch vụ mới đến với thị trường thông qua hoạt động mua bán, khảo sát thị trường, kết nối doanh nghiệp, nhà đầu tư. Qua đó thu hút sự quan tâm từ cộng đồng đến hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tại TP Cần Thơ nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Chương trình cũng nhằm xây dựng vị thế trung tâm của TP Cần Thơ trong quá trình kết nối giao thương, hỗ trợ khởi nghiệp khu vực ĐBSCL.

* Thông qua các chương trình này, Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Sinh viên Cần Thơ, Dự án Hệ sinh thái Khởi nghiệp Up Green Life muốn gửi gắm thông điệp gì đến các bạn trẻ khởi nghiệp?

- Chương trình "Thử thách 7 ngày tự doanh",  Phiên chợ Khởi nghiệp Cần Thơ nhằm bổ sung hành trang cho những người trẻ khởi nghiệp. Tham gia chương trình, các bạn trẻ sẽ tự nghiệm ra câu chuyện về khởi nghiệp, trải nghiệm thực tế để cảm nhận về môi trường kinh doanh. Đó cũng là thông điệp mà Up Green Life luôn muốn chia sẻ cùng cộng đồng: "Người thật, việc thật và giá trị thật". Chương trình "Thử thách 7 ngày tự doanh",  "Phiên chợ Khởi nghiệp Cần Thơ" đã dần tạo được sự hấp dẫn khi có nhiều nhóm bạn trẻ khởi nghiệp tham gia qua nhiều lần. Vì dĩ nhiên, mỗi lần tham gia, các nhóm sẽ học thêm những bài học mới, trải nghiệm những câu chuyện mới. Về lâu dài, các đội nhóm này sẽ là nguồn lực lớn có sự rèn luyện kỹ năng từ môi trường thực tế.

Thời gian qua, Ban tổ chức chương trình đã tranh thủ được sự hỗ trợ của một số chuyên gia, tham gia tương tác, tư vấn cho các đội nhóm. Tuy nhiên về lâu dài Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Sinh viên Cần Thơ, Dự án Hệ sinh thái Khởi nghiệp Up Green Life mong muốn thành phố hỗ trợ về các chính sách cụ thể và quyền lợi cho các đơn vị phối hợp, các chuyên gia hỗ trợ để họ gắn bó lâu dài với chương trình. Về góc nhìn cộng đồng, chúng tôi rất mong nhận được sự chung tay hỗ trợ các dự án khởi nghiệp bằng hành đồng thiết thực và trực tiếp nhất qua dự án "startupstore.vn" - một dự án về hỗ trợ, phân phối sản phẩm khởi nghiệp đến tay người tiêu dùng.

* Xin cám ơn ông!

MINH HUYỀN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết