08/06/2017 - 22:00

Hỗ trợ doanh nghiệp lựa chọn giải pháp tiết kiệm năng lượng tối ưu

Thời gian qua, ngành điện cùng các ngành hữu quan TP Cần Thơ đồng loạt triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp ở các ngành chế biến thực phẩm, thủy hải sản… Qua đó, thúc đẩy các doanh nghiệp từng bước cải tạo thiết bị, đổi mới công nghệ sản xuất để tiết giảm điện năng tiêu thụ, góp phần giảm chi phí sản xuất, gia tăng năng suất và sức cạnh tranh thị trường.

Ông Dương Nghĩa Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết: Thời gian qua, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Cần Thơ (ECC Cần Thơ) phối hợp cùng các đơn vị có liên quan kiểm tra tình hình sử dụng năng lượng tại các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn thành phố; triển khai nhiều hội thảo phổ biến các giải pháp kỹ thuật sử dụng năng lượng tiết kiệm trong hệ thống lò hơi, kỹ thuật vận hành hệ thống lạnh công nghiệp… tại các dây chuyền sản xuất trong nhà máy. Song song đó, kết hợp cùng các đơn vị, doanh nghiệp chuyên cung cấp thiết bị và giải pháp tiết kiệm năng lượng triển khai các xu hướng cũng như hiệu quả đầu tư ứng dụng hệ thống chiếu sáng bằng công nghệ led trong các tòa nhà, nhà xưởng, trung tâm thương mại... Từ đó, giúp doanh nghiệp có hướng điều chỉnh và đưa ra các giải pháp phù hợp với nhu cầu và quy mô của từng đơn vị để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh thị trường.

Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản miền Nam áp dụng nhiều giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động sản xuất.

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy sản ở TP Cần Thơ chủ động ứng dụng các giải pháp, như: tối ưu hóa công suất cho máy nén trục vít trong hệ thống làm lạnh, sử dụng hệ thống đèn led; ứng dụng hệ thống điều hòa trung tâm; kiểm tra máy móc, thiết bị trong dây chuyền sản xuất theo định kỳ để giảm tổn thất điện năng, tiết giảm chi phí sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh doanh. Ông Nguyễn Phước Lộc, Phó Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản miền Nam, cho biết: Trong ngành chế biến thủy sản, khâu trữ lạnh nguyên liệu, vệ sinh dụng cụ,… chiếm 70% tổng năng lượng tiêu thụ. Ước tính điện năng tiêu thụ của toàn nhà máy Trung tâm của Công ty chiếm khoảng 750.000 kWh/tháng. Để tiết kiệm điện năng trong quá trình sản xuất, Công ty đã ứng dụng đèn led cho hệ thống chiếu sáng, lắp biến tần cho hệ thống máy nén, hạn chế sản xuất vào giờ cao điểm… Nhờ đó, Công ty đã giảm 15% lượng điện năng tiêu thụ hằng tháng.

Theo các chuyên gia về năng lượng, nếu áp dụng đồng loạt các giải pháp ứng dụng công nghệ led trong hệ thống chiếu sáng, lắp đặt biến tần cho động cơ, thay thế máy nén lạnh… trong quy trình sản xuất sẽ giúp doanh nghiệp chế biến thực phẩm và thủy sản tiết kiệm chi phí sử dụng năng lượng từ 10-20%. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp thiếu vốn để đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ mới trong quy trình sản xuất. Do đó, doanh nghiệp mong muốn tiếp cận các chương trình dự án về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, hỗ trợ doanh nghiệp định hướng và lựa chọn các giải pháp phù hợp để đầu tư và áp dụng vào thực tế, đem lại hiệu quả thiết thực. Hiện dự án sử dụng năng lượng sạch đã và đang được các bộ, ngành triển khai tại Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL sẽ giúp doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận các giải pháp đầu tư ứng dụng công nghệ mới để tiết kiệm chi phí sản xuất và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp.

Theo Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương, tính từ đầu năm 2017 đến nay, Tổng cục Năng lượng đã tổ chức nhiều hội thảo giới thiệu "Chương trình thỏa thuận tự nguyện thí điểm (VA) về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và triển khai mô hình công ty dịch vụ năng lượng (ESCO)" tại Hà Nội và nhiều tỉnh vùng ĐBSCL. Chương trình VA là văn bản được ký hoàn toàn tự nguyện giữa Bộ Công Thương và các doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp cam kết thực hiện các mục tiêu giảm năng lượng tiêu thụ dựa trên sự hỗ trợ của Bộ Công Thương. Chương trình nhằm thúc đẩy hoạt động tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp cải thiện hiệu quả năng lượng, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh... Đến nay đã có 7 doanh nghiệp ký thỏa thuận tự nguyện tham gia chương trình VA thí điểm và được các chuyên gia đánh giá kết quả kiểm toán năng lượng. Theo các chuyên gia, nếu các doanh nghiệp tham gia VA cam kết thực hiện tốt các giải pháp tiết kiệm năng lượng do đơn vị tư vấn đưa ra sẽ tiết giảm chi phí năng lượng tối thiểu là 525 triệu đồng/năm và tối đa là trên 5 tỉ đồng/năm.

Ngoài các hoạt động hỗ trợ của TP Cần Thơ, việc triển khai các dự án, các mô hình sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả cùng với sự trợ lực từ các cấp ban ngành cho doanh nghiệp chế biến thủy sản, thực phẩm… sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp có đủ điều kiện đầu tư ứng dụng thiết bị công nghệ hiện đại để cải tiến quy trình sản xuất theo hướng giảm giá thành sản xuất, đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Bài, ảnh: M.Hoa

Chia sẻ bài viết