13/09/2010 - 22:39

Hiệu quả từ cây dừa xiêm xanh

Ông Lê Văn Cường, ở ấp 2B, xã Thạnh Phú Đôn, huyện Giồng Trôm cũng giống như nhiều nông dân khác: cần cù, chịu khó, say mê lao động và ham học hỏi để làm giàu từ chính mảnh vườn của mình. Ông đã góp phần nhân giống, mở rộng diện tích trồng dừa xiêm xanh, một loại cây trồng hiệu quả kinh tế cao trên đồng đất tỉnh Bến Tre.

 Nông dân Lê Văn Cường bên cây dừa xiêm xanh 30 tháng tuổi.

Gia đình ông Cường có 8,4 công đất (vườn tạp và đất trồng lúa) nằm cạnh sông Hàm Luông. Nhưng, hằng năm, từ tháng 3 trở đi, do ảnh hưởng của nước mặn nên việc trồng lúa không đạt hiệu quả cao. Ông Cường sớm nghĩ đến việc lên liếp toàn bộ diện tích đất để trồng cây dừa ta. Để cây trồng cho năng suất cao, cứ mỗi khi nước ròng, ông lấy đất bãi bồi cho vào ghe và nước lớn đem đắp đê bao, khép kín diện tích đất, chủ động điều tiết nguồn nước tưới.

Ông Cường kể: Vào năm 1970, ông Lê Văn Mách trồng cây dừa xiêm xanh cặp phần đất liền ranh với nhà ông... Nhưng mãi đến năm 1985, ông Cường mới phát hiện, so với dừa ta, giống dừa xiêm xanh có nhiều ưu điểm hơn: cho trái quanh năm, buồng dừa đơm trái nhiều, nước uống ngọt và có hương vị đặc trưng... Thế là, ông Cường hỏi ông Mách vài trái về ương làm giống. Kể từ đó, cây dừa xiêm xanh bén rễ và dần được ông Cường thay thế toàn bộ cây dừa ta trên phần diện tích đất của mình. Tuy nhiên, vào thời điểm này, thị trường tiêu thụ mạnh là trái dừa ta khô nên cây dừa xiêm xanh rất ít người biết đến...

Khoảng 5 năm trở lại đây, nhiều sự kiện mở hướng phát triển mới cho cây dừa xiêm xanh. Khởi xướng là Trung tâm thực nghiệm Đồng Gò (Giồng Trôm, Bến Tre) đã liên hệ đặt mua làm giống từ vườn dừa của ông Cường từ 7.000 trái/năm và tăng dần lên 20.000 trái/năm. Với thế mạnh nước ngọt, lượng nước vừa đủ một người thưởng thức, dừa xiêm xanh trở thành nước giải khát chinh phục được đông đảo du khách và ngày càng được nhiều người biết đến. Thế là, nhà vườn ở nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL tìm đến ông Cường đặt mua dừa giống để chuyển đổi cây trồng.

Theo ông Cường, trồng dừa xiêm xanh không đòi hỏi cao về kỹ thuật, cách chăm sóc cũng giống như dừa ta. Nhưng, điểm khác là cây trồng 30 tháng tuổi dừa xiêm xanh bắt đầu có lưỡi mèo cho trái và 6 tháng sau thu hoạch trái uống nước. Theo sổ ghi chép của ông Cường, mỗi năm, dừa xiêm xanh cho ra 18 mo nang/cây, năm nào gặp thời tiết bất lợi như mưa bão kéo dài có từ 3-4 mo nang bị hư không đậu trái, số còn lại đều đậu trái. Trung bình mỗi cây cho trên 200 trái/năm, nhiều gấp đôi so với dừa ta... Đặc biệt, loài cây trồng này không đòi hỏi nhiều phân thuốc, chỉ cần thu hoạch một đợt trái là đủ chi phí cho cả năm và có thể dùng cát bón cho cây thay thế phân NPK 16-16-8. Phát huy lợi điểm này, tận dụng lợi thế đất vườn nằm cặp sông Hàm Luông nên ông Cường thuê ghe bơm cát sông vào mương vườn một thời gian để xả phèn, rồi đem lên vun gốc cho cây dừa. Bên cạnh đó, nhờ hệ thống đê bao khép kín, hằng năm, từ tháng 7 đến tháng 9, mưa và nước ngập, ông điều tiết không để nước nhiều trong mương để đến tháng 4, tháng 5 cây cho trái thu hoạch bán được giá cao. Với cách làm này, trồng dừa xiêm xanh đem lại lợi nhuận cho gia đình ông Cường khoảng 150 triệu đồng/năm.

Ông Phạm Văn Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Phú Đông, cho biết: “Giống dừa xiêm xanh được nhiều hộ dân ở địa phương trồng khá lâu. Tuy nhiên, chỉ có ông Cường là trồng chuyên, đầu tư đúng mức và có thể đáp ứng đơn đặt hàng với số lượng lớn. Hiện toàn xã có 1.065 ha đất trồng dừa, trong đó diện tích dừa xiêm xanh chiếm từ 60-70%. Diện tích dừa xiêm xanh sẽ tiếp tục được mở rộng và dần thay thế đất trồng cây ăn trái và cây mía kém hiệu quả ở địa phương”.

Bài, ảnh: TRẦN QUỐC

Chia sẻ bài viết