07/08/2024 - 20:17

Hiểm họa của tin giả 

Thảm kịch 3 bé gái bị sát hại và 10 người khác bị thương trong vụ đâm dao tại thị trấn Southport, Tây Bắc vùng England ngày 29-7 đã dẫn đến làn sóng bạo loạn nghiêm trọng nhất ở Anh kể từ năm 2011 trong suốt tuần qua và chưa có dấu hiệu dừng lại. Ðáng lo ngại, bạo lực được châm ngòi từ những thông tin sai lệch lan truyền trên mạng xã hội về nhân thân và tôn giáo của nghi phạm, kích động làn sóng kỳ thị chủng tộc và tôn giáo trên cả nước.

Biểu tình bạo loạn tại Anh. Ảnh: DW 

Nghi phạm là Axel Muganwa Rudakuban, bị bắt sau vụ tấn công với 3 tội danh giết người, 10 tội danh cố ý giết người và một tội danh sở hữu vật sắc nhọn. Nam thanh niên 17 tuổi này sinh tại Cardiff, xứ Wales, trong một gia đình có bố mẹ là người Rwanda đến Anh vào năm 2002, và sống tại làng Banks, cách Southport khoảng 10km.

Trong vòng vài giờ sau vụ tấn công, mạng xã hội tràn ngập tin đồn về nghi phạm, viết rằng đây là người Hồi giáo xin tị nạn, đến Anh bất hợp pháp bằng thuyền hơi và nằm trong danh sách theo dõi khủng bố. Các thông tin này sau đó đều được cảnh sát xác nhận là sai sự thật, song chúng lại là nguyên nhân bùng phát biểu tình bạo lực nhằm vào người tị nạn và cộng đồng Hồi giáo trên khắp nước Anh.

Những thông tin sai sự thật trên mạng xã hội về nghi phạm được lan truyền nhanh chóng khi gắn các từ khóa nhạy cảm với xã hội Anh: nhập cư, Hồi giáo và Rwanda - quốc gia châu Phi có tên trong một đạo luật mà chính phủ tiền nhiệm của Thủ tướng Keir Starmer đưa ra, theo đó trục xuất người tị nạn không được Anh chấp thuận tới Rwanda. Cũng ngay sau sự việc ở Southport, chính phủ của Thủ tướng Keir Starmer đã bị chỉ trích là “gián tiếp để tội ác xảy ra” vì hủy chính sách trục xuất kể trên.

Một loạt các phe phái và cá nhân cực hữu, bao gồm cả những người theo chủ nghĩa quốc xã mới, các nhóm bài Hồi giáo đã sử dụng các ứng dụng nhắn tin bao gồm Telegram và X với nội dung lăng mạ, đe dọa và kích động thù hận chủng tộc, lôi kéo mọi người xuống đường biểu tình phản đối nhập cư và bài Hồi giáo. Vụ bạo loạn đầu tiên xảy ra ở Southport ngày 30-7 tại một buổi cầu nguyện cho các nạn nhân. Hàng trăm người biểu tình tụ tập bên ngoài một đền thờ Hồi giáo, trong đó các đối tượng quá khích đốt xe cảnh sát, ném gạch, đá và pháo sáng vào đền thờ và cảnh sát, khiến hàng chục người bị thương.

Sau vụ bạo loạn ở Southport, từ ngày 31-7 đến 6-8, khoảng 60 cuộc biểu tình cực hữu và biểu tình phản đối cực hữu nổ ra tại hàng loạt thành phố lớn trên khắp nước Anh. Nhiều trong số này biến thành bạo loạn khi những đối tượng cực đoan tấn công cảnh sát bằng bình chữa cháy, ném chai lọ, gạch đá, pháo sáng, bom xăng, đốt xe cảnh sát, đốt và cướp phá các cửa hàng, bao vây các đền thờ Hồi giáo và tấn công các khách sạn là nơi cư trú của người xin tị nạn... Tính đến ngày 4-8, các cuộc bạo loạn khiến hơn 100 cảnh sát bị thương và hơn 400 người bị bắt.

Làn sóng bạo loạn gây bất ngờ đối với người dân Anh cũng như lực lượng cảnh sát và chính phủ, cho thấy hiểm họa ghê gớm của thông tin sai lệch trên mạng xã hội khi những tin giả kích động kỳ thị chủng tộc, tôn giáo dễ dàng qua mặt công chúng và được chia sẻ với tốc độ chóng mặt, bùng phát thành bạo lực trên đường phố.

Làn sóng bạo loạn ở Anh cũng làm lộ rõ những “lỗ hổng” cần được lấp đầy. Nguy cơ từ thông tin sai lệch đòi hỏi cảnh sát phải phản ứng nhanh hơn khi lực lượng này vẫn chưa điều chỉnh kịp tốc độ mà các bài đăng trên mạng xã hội có thể biến thành rắc rối trên đường phố. Các nhà phân tích chỉ ra rằng cảnh sát phải mất vài giờ để bác bỏ những tin đồn về danh tính nghi phạm ở Southport. Bên cạnh đó là những vấn đề của hệ thống tư pháp hình sự Anh với lực lượng cảnh sát dàn mỏng, tòa án và nhà tù đều quá tải trong khi niềm tin vào cảnh sát suy giảm. Theo một khảo sát mới đây, chưa đến 50% người dân đánh giá lực lượng cảnh sát đang làm tốt nhiệm vụ so với tỷ lệ 63% cách đây 10 năm.

Một vấn đề khác là việc các nền tảng truyền thông xã hội vẫn tiếp tục không thực hiện được cam kết ngăn chặn thông tin sai lệch lan truyền trong các trường hợp khẩn cấp. Joe Mulhall, giám đốc nghiên cứu của Hope Not Hate, một tổ chức chuyên nghiên cứu chống phân biệt chủng tộc có trụ sở tại Anh, cho rằng mạng xã hội và sự phát triển của công nghệ đã cung cấp “những cách thức mới” để các nhóm cực hữu tổ chức hoạt động và mở rộng ảnh hưởng, phát tán thông tin sai lệch nguy hiểm và thúc đẩy các cuộc
biểu tình.

Bộ trưởng Nội vụ Anh Yvette Cooper tuyên bố các công ty truyền thông xã hội phải chịu một phần trách nhiệm khi là “bệ phóng” cho các thông tin sai lệch và khuyến khích bạo lực. Bà cho biết chính phủ sẽ theo đuổi vấn đề này với các công ty công nghệ lớn, để đảm bảo ngăn chặn hiệu quả thông tin sai lệch và kích động bạo lực trực tuyến, đồng thời nhanh chóng phát hiện và gỡ bỏ nội dung độc hại. Ngày 6-8, Cơ quan Công tố Hoàng gia (CPS) đã quyết định truy tố một người đàn ông 28 tuổi với tội danh kích động thù hận trực tuyến khi đăng tải các bài viết có nội dung này trên Facebook trong thời gian từ ngày 1-8 đến ngày 5-8.

MINH HỢP (TTXVN)

 

Chia sẻ bài viết