15/11/2013 - 21:30

Hết thời lưỡi kiếm biến lưỡi cày!

Chuyến hàng nhiên liệu uranium cuối cùng trong dự án mang tên HEU-LEU (Hiệp định biến Megatons thành Megawatts) đã xuất bến từ cảng St Petersburg của Nga để đến thành phố Baltimore của Mỹ - kết thúc chương trình mua bán nhiên liệu hạt nhân kéo dài 20 năm qua giữa hai cựu thù thời Chiến tranh lạnh.

Theo thỏa thuận từ sau khi Liên Xô sụp đổ, phía Nga chịu trách nhiệm chuyển đổi 500 tấn uranium có độ làm giàu cao (HEU) từ 20.000 đầu đạn hạt nhân cũ thành uranium có độ giàu thấp (LEU) để bán cho Mỹ sử dụng làm năng lượng nguyên tử. Theo mô tả của giới chức hai nước, HEU-LEU là một trong những dự án không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt thành công nhất được thực hiện từ trước đến nay khi biến "lưỡi kiếm" thành "lưỡi cày", củng cố niềm tin hòa bình và an ninh cho nhân loại.

Hơn 15 năm qua triển khai dự án, nhiên liệu đầu đạn hạt nhân Nga đã vượt xa các nguồn cung khác như năng lượng Mặt trời, thủy điện, nhiên liệu sinh học... khi đóng góp 10 % trong tổng sản lượng điện và chiếm gần một nửa nguyên liệu trong các lò hạt nhân thương mại của Mỹ. Trong khi đó, chương trình cũng đã mang lại tổng doanh thu trị giá 17 tỉ USD cho Nga.

Tuy nhiên giờ đây, hồi kết của hiệp định từ ngày 14-11 tạo ra dư âm khác nhau giữa hai cường quốc hạt nhân quân sự hàng đầu thế giới. Thị trường Mỹ tiếp tục cần nhiên liệu uranium của Nga, nước được cho còn hàng trăm tấn HEU "dư thừa" nhưng cho rằng mình nhận cái giá "quá bèo". Một nước Nga đang trở nên giàu có hơn lại cho rằng họ là bên "đơn phương" hạ thấp độ làm giàu của 500 tấn uranium, trong khi Mỹ chỉ mới thực hiện nghĩa vụ hơn 140 tấn HEU.

Nga-Mỹ đang thực thi hiệp ước mỗi bên cắt giảm số đầu đạn hạt nhân chiến lược được triển khai xuống còn 1.550 đơn vị, nhưng dự án HEU-LEU kết thúc có thể làm tăng nghi vấn tính khả thi của cam kết đó.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, AP)

 

Chia sẻ bài viết