22/10/2016 - 16:40

Hệ vi khuẩn đường ruột ảnh hưởng sức khỏe tâm thần ra sao?

Chúng ta biết rằng hệ vi khuẩn đường ruột đóng vai trò quan trọng đối với quá trình tiêu hóa thức ăn và trao đổi chất. Nhưng ngày càng có nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh chúng ảnh hưởng tới nhiều khía cạnh sức khỏe tâm thần.

Vi khuẩn đường ruột "kết nối" với não bộ

Ruột có mối quan hệ 2 chiều với hệ thần kinh trung ương (được gọi là "trục ruột-não"), cho phép ruột và não truyền và nhận tín hiệu của nhau. Một nghiên cứu mới công bố cho thấy những con chuột được bổ sung chủng vi khuẩn "tốt" Lactobacillus (thường có trong sữa chua) đã giảm mức độ lo lắng. Nhưng lợi ích này bị chặn đứng sau khi dây thần kinh phế vị – đường kết nối chính giữa não và ruột – của chuột bị vô hiệu. Điều này chứng tỏ vi khuẩn đã dùng "trục ruột-não" để tác động đến não.

Trong một nghiên cứu khác, các nhà khoa học phát hiện phụ phẩm mà vi khuẩn tạo ra trong quá trình tiêu hóa chất xơ đã làm tăng nồng độ hoóc-môn serotonin – một chất dẫn truyền thần kinh. Do serotonin có thể kích hoạt dây thần kinh phế vị, nên vi khuẩn đường ruột cũng được cho có kết nối với não. Ngoài ra, vi khuẩn đường ruột còn tác động tới não theo nhiều cách khác, như thông qua độc tố vi khuẩn và quá trình trao đổi chất, hấp thu chất dinh dưỡng, làm thay đổi các thụ thể vị giác và gây rối loạn hệ miễn dịch.

Hệ vi khuẩn đường ruột không khỏe ảnh hưởng xấu tới sức khỏe tâm thần. Ảnh: Daily Mail

Ảnh hưởng đến nguy cơ trầm cảm và stress

Hai nghiên cứu tiến hành trên bệnh nhân trầm cảm cho thấy, vi khuẩn trong phân của họ khác biệt so với ở tình nguyện viên khỏe mạnh, dù chưa rõ lý do vì sao. Nhưng trong các thử nghiệm trên chuột, các nhà khoa học phát hiện sự thay đổi trong hệ vi khuẩn đường ruột – do tác động từ thuốc kháng sinh, men vi sinh (probiotics) hoặc các kỹ thuật nuôi cấy đặc biệt – có liên quan đến các biểu hiện lo âu và trầm cảm ở con vật. Những biểu hiện này có thể "lây lan" khi cấy vi khuẩn trong phân từ con này sang con khác. Trong một nghiên cứu khác, các chuyên gia đã bất ngờ khi phát hiện mẫu vi khuẩn trong ruột bệnh nhân trầm cảm nặng khi cấy vào cơ thể chuột cũng khiến chúng thay đổi hành vi giống như bị trầm cảm.

Căng thẳng tinh thần (stress) cũng đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe tâm thần và hệ vi khuẩn trong ruột. Đơn cử, một thí nghiệm cho thấy chuột con khi bị stress (do cách ly khỏi chuột mẹ) đã thay đổi hệ khuẩn đường ruột, cách phản ứng với stress và cả hành vi, nhưng bổ sung probiotics có thể giúp chúng giảm biểu hiện stress.

Ảnh hưởng tâm trạng

Các bệnh lý làm thay đổi tâm trạng – như hội chứng ruột kích thích (IBS) và mệt mỏi mãn tính (CFS) – cũng có thể liên quan đến hệ vi khuẩn đường ruột. Theo đó, IBS được xem là một rối loạn ruột-não (vì bệnh thường xấu đi khi stress), với 50% bệnh nhân thường mắc phải chứng trầm cảm hoặc lo âu. Tương tự, nhiều bệnh nhân CFS thường mắc phải tình trạng mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột. Ở nhóm người này, những thay đổi trong hệ vi khuẩn đường ruột có thể góp phần phát triển các triệu chứng như trầm cảm, suy giảm nhận thức thần kinh (ảnh hưởng đến trí nhớ, tư duy và giao tiếp), đau và rối loạn giấc ngủ.

Ảnh hưởng chất lượng giấc ngủ

Bằng chứng khoa học cho thấy hệ vi khuẩn đường ruột có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và chu kỳ ngủ-thức (tức nhịp sinh học của cơ thể). Theo nghiên cứu tập trung vào bệnh nhân CFS (công bố đầu năm nay), những người có nồng độ vi khuẩn "xấu" Clostridium cao hơn bình thường có nguy cơ cao mắc các vấn đề giấc ngủ và mệt mỏi, đặc biệt là ở nữ giới. Điều này cho thấy tình trạng mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột có thể thúc đẩy hoặc kéo dài tình trạng ngủ kém.

Trong khi đó, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy nhịp sinh học cơ thể và đường ruột có mối quan hệ 2 chiều. Đơn cử, dữ liệu từ các nghiên cứu trên động vật cho thấy rối loạn nhịp sinh học có thể dẫn đến tình trạng mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột. Tuy nhiên, tác động này có thể điều chỉnh bằng chế độ ăn uống.

Cải thiện hệ vi khuẩn đường ruột có thể chữa bệnh hay không?

Thử nghiệm trên chuột đã chứng minh, phương pháp dùng men vi sinh có thể giúp chuột giảm nồng độ hoóc-môn gây stress cortisol, cũng như các hành vi biểu hiện sự căng thẳng. Tuy có rất ít nghiên cứu trên người về tiềm năng chữa bệnh bằng cách tác động trực tiếp đến hệ khuẩn đường ruột, nhưng các nghiên cứu quy mô lớn cho thấy những người có chế độ ăn uống cân bằng và có lợi cho đường ruột (gồm nhiều chất xơ và rau quả tươi) có tỷ lệ mắc bệnh tâm thần thấp hơn ở tuổi thiếu niên và khi trưởng thành. Điều này chứng tỏ chế độ ăn uống có thể ảnh hưởng tới hệ vi khuẩn đường ruột và sức khỏe tâm thần.

AN NHIÊN (Theo The Conversation, Gut Microbiota Info)

Chia sẻ bài viết