31/05/2021 - 07:31

Hệ thống phòng không Israel lợi hại cỡ nào? 

Thông tin hệ thống phòng thủ Vòm Sắt vô tình bắn hạ “quân mình” trong cuộc giao tranh gần đây với Hamas ở Dải Gaza đang khiến các quan chức Israel lo ngại về năng lực của quân đội.

Tổ hợp Vòm Sắt khai hỏa chặn rocket trong cuộc giao tranh gần đây. Ảnh: Yahoo News

Tổ hợp Vòm Sắt khai hỏa chặn rocket trong cuộc giao tranh gần đây. Ảnh: Yahoo News

Cuộc đụng độ ác liệt kéo dài 11 ngày, kể từ sau vụ phóng rocket của phong trào Hamas nhắm vào các thành phố của Israel hôm 10-5. Trong thời gian giao tranh, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết nước này đã hứng 4.369 quả tên lửa với nhiều kích cỡ và phạm vi khác nhau phóng từ Gaza. Theo IDF, gần 2/3 trong số này rơi xuống các cánh đồng hoặc những khu vực trống; bị trục trặc và trượt mục tiêu.  Mặc dù vẫn còn 1.500 quả nã vào vùng dân cư, IDF cho biết hệ thống Vòm Sắt đã thành công đánh chặn 90% tổng số tên lửa cùng nhiều thiết bị không người lái của đối phương. Đây là lần đầu tiên hệ thống phòng không tầm ngắn của Israel xử lý máy bay không người lái cỡ nhỏ và vô tình một phương tiện của IDF đã bị nhắm trúng, cơ quan này xác nhận.

Thông tin thêm về sự cố, người phát ngôn IDF cho biết máy bay bị bắn rơi Skylark đang làm nhiệm vụ tình báo, giám sát và trinh sát. Tuy vụ việc đang được điều tra, nhưng sự cố “quân ta bắn quân mình” vẫn khiến IDF lo ngại khả năng quân đội có thể chiến đấu thời gian dài mà không gây tổn hại đến lực lượng của chính mình. Được biết vào năm 2018, hệ thống Vòm Sắt đã “phóng nhầm” liên tiếp 10 quả tên lửa với mỗi quả trị giá 40.000USD do báo động giả về rocket đang bay tới. Theo kết quả điều tra, đó chỉ là tiếng súng máy do lực lượng Hamas bắn về phía lãnh thổ Israel.

Uy lực của Vòm Sắt

Trước đó, nhiều chuyên gia nhận định mục đích phong trào Hamas phóng dồn dập rocket sang Israel trong vài ngày là để kiểm tra giới hạn hệ thống phòng không của đối thủ. Ngoài các “lá chắn” tầm trung và tầm xa như David’s Sling, Arrow và Patriot, hệ thống phòng không nhiều lớp của Tel Aviv đang vận hành 10 hệ thống Vòm Sắt và có thể biên chế thêm 5 tổ hợp trong tương lai. Một tổ hợp ước tính trị giá khoảng 50 triệu USD, gồm radar đa nhiệm (phát hiện, theo dõi, dẫn đường), hệ thống kiểm soát tác chiến và điều khiển hỏa lực cùng 3-4 ụ phóng với mỗi ụ có 20 tên lửa đánh chặn Tamir trang bị đầu dò cảm biến (chi phí dao động từ 20.000 tới 100.000USD/quả). Điểm đặc biệt của Vòm Sắt là tính được điểm rơi của tên lửa mục tiêu và tiêu diệt trong khoảng thời gian rất ngắn, nhưng nó sẽ không đánh chặn nếu tên lửa không hướng vào khu dân cư hay địa điểm quan trọng.

Được sự hỗ trợ về kinh phí và kỹ thuật từ Mỹ, Israel bắt đầu triển khai Vòm Sắt sau cuộc chiến tại Lebanon năm 2006 nhằm đối phó hỏa lực từ Hamas và Hezbollah. Hệ thống lần đầu được triển khai vào năm 2011 và trong 10 ngày đã đánh chặn thành công tên lửa Grad phóng từ Dải Gaza. Hoạt động tốt trong mọi điều kiện thời tiết và bao quát diện tích lên tới 150km2, Vòm Sắt được thiết kế chống lại các loại đạn pháo và tên lửa tầm ngắn. Từ khoảng cách 70km, một bệ phóng của tổ hợp có thể theo dõi và đánh chặn đồng thời 12 mục tiêu. Đại tá phòng không Nga Sergei Khatylev ước lượng, thời gian từ khi phát hiện đến lúc phóng tên lửa tiêu diệt của hệ thống này chỉ vỏn vẹn 2 giây.

Còn nhiều hạn chế

Một trong những điểm yếu dễ nhận thấy của Vòm Sắt  là chi phí đắt đỏ. So với đạn pháo bắn từ Dải Gaza chỉ khoảng 1.000USD/quả, giá một lần phóng tên lửa Tamir trung bình lên tới 50.000USD. Số lượng lớn đạn rocket giá rẻ phóng đến sẽ buộc Israel liên tục khai hỏa, làm hao hụt đáng kể nguồn cung tên lửa. Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây cam kết cung cấp thêm hệ thống Vòm Sắt cho Israel sau khi nước này và Hamas đạt được thỏa thuận ngừng bắn.

Hạn chế khác nữa là hệ thống không phản ứng với các cuộc tấn công liên tiếp trong phạm vi ngắn. Theo đó, Vòm Sắt chỉ đạt hiệu quả đánh chặn cao với các đạn pháo, tên lửa trong tầm bắn 10-70km. Nhiều chuyên gia tiết lộ “mái vòm” của Israel được thiết kế chống lại các mục tiêu có vận tốc không quá lớn và rocket xuất phát trong phạm vi dưới 5km thì bộ xử lý của hệ thống không đủ thời gian phản ứng.

Loại trừ giới hạn kỹ thuật, các kiến trúc sư của chương trình này khẳng định Vòm Sắt tiết kiệm cho Israel hàng tỉ USD thiệt hại vật chất và tác động kinh tế, cũng như bảo vệ sinh mạng cho người dân. Với tâm lý đó, Chính phủ Israel không ngần ngại chi tiền đầu tư để tạo ra mái vòm vững chắc, làm dấy lên ý kiến cho rằng Tel Aviv quá lệ thuộc vào công nghệ mà xem nhẹ củng cố các nguồn lực phòng thủ khác, điển hình như xây dựng và nâng cấp hầm trú ẩn. Điều này lý giải tại sao khi tên lửa từ Gaza xuyên qua lá chắn Vòm Sắt trong cuộc giao tranh hồi giữa tháng này, những người thiệt mạng ở Israel hầu hết là người già, tàn tật, nghèo và vô gia cư hoặc cư dân của các ngôi làng Arab không được chính phủ đầu tư hạ tầng như hầm trú bom.

MAI QUYÊN (Theo Atlantic)

Chia sẻ bài viết