23/02/2013 - 15:00

“Extremely Loud & Incredibly Close”

Hãy chấp nhận mất mát và đi tới

Hai cha con chơi với nhau.
Ảnh: boxofficemojo.com

Dù một người thân của ai đó mất đi thì tình yêu thương của họ vẫn sưởi ấm cho người ở lại. Đó chính là tâm sự của cậu bé Oskar Schell trong hành trình tìm kiếm ánh sáng nối tiếp của người cha thân yêu đã mất đột ngột. Phim đầy xúc động, với sự tham gia của ngôi sao nổi tiếng Tom Hanks và Sandra Bullock, đã mang về 2 đề cử Oscar và nhiều ấn tượng đẹp trong lòng khán giả.
Phim chiếu trên HBO 21 giờ Chủ nhật 24-2.

Oskar Schell (Thomas Horn) sống trong tình yêu thương của cha mẹ từ nhỏ. Cha cậu, ông Thomas (Tom Hanks), là một người đàn ông của gia đình, luôn gần gũi với cậu và bày cho cậu rất nhiều trò chơi. Với Oskar, đó là chuỗi ngày thần tiên của cậu bé.

Những gì tươi đẹp ấy bỗng chấm dứt đột ngột cùng sự kiện 11-9  - cha cậu là một trong những người xấu số có mặt trong tòa tháp đôi ấy. Cú sốc khủng khiếp khiến cho Oskar hoàn toàn thay đổi. Cậu bé không tin nổi vào những chuyện đã xảy ra, cả Oskar và mẹ thậm chí còn không có can đảm xem lại vật dụng của ông Thomas.

Một năm sau, vô tình Oskar làm vỡ chiếc bình cũ của cha, trong đó có chiếc chìa khóa két an toàn. Nhóm lên niềm hy vọng trong cậu bé rằng cha cậu có để lại một vật gì đó cùng lời nhắn nhủ cho cậu. Nhưng tất cả đầu mối chỉ là một cái tên Black vỏn vẹn ngoài chiếc bì thư đựng chìa khóa. Với Oskar thế là đủ. Cậu bé lần trong danh bạ điện thoại hơn 400 cái tên có họ Black và lên kế hoạch, tìm từng người một để hỏi về cha mình. Đó là một hành trình dũng cảm của một cậu nhỏ trong lòng thành phố New York mênh mông … Cuộc hành trình ấy, cho dù có tìm thấy được cái két sắt bí ẩn ấy hay không, vẫn là một thành công của cậu để bước ra khỏi đau thương và nối tiếp được tình cảm của cha dành cho cậu cũng như hé mở cho cậu biết một điều đáng quý nữa: sự yêu thương vô bờ bến của người mẹ luôn âm thầm chăm sóc cho mỗi bước Oskar mạo hiểm bên ngoài…

Dựa vào tác phẩm cùng tên của nhà văn Jonathan Safran Foer, đạo diễn Stephen Daldry đã thể hiện một câu chuyện không có nhiều nút mở thắt kịch tính mà vẫn truyền tải được hết những tình cảm sâu lắng của đứa con mồ côi dành cho người cha đã khuất. Dù tiến trình của phim đôi chỗ không được lưu loát lắm, nhưng vị đạo diễn từng được biết đến với những tác phẩm nổi tiếng như The Reader (2008),  The Hours (2002) hay Billy Elliot (2000)… đã làm tốt phần việc của mình với cao trào và những hình ảnh tượng trưng giàu ý nghĩa.

Dù phim có 2 đề cử Oscar cho hạng mục Phim của năm và Diễn viên phụ xuất sắc nhất, nhưng lại gặp nhiều lời phê phán từ các nhà bình phim chuyên nghiệp cho rằng đạo diễn Stephen Daldry thiếu tầm khi thể hiện tác phẩm của nhà văn Jonathan. Phim động đến một thực tại đau đớn của nước Mỹ - sự kiện 11-9 và hậu quả của nó - nên không dễ gì làm hài lòng những nhà phê bình khó tính. Ngược lại, khán giả cảm động trước cách thể hiện chân thực của bộ phim về nỗi đau của một đứa bé mồ côi cha. Cậu bé Thomas Horn đã diễn tả được hết nỗi đau không lời làm rung động tận sâu trong lòng những khán giả có những đồng cảm với câu chuyện:  chấp nhận mất mát và đi tới, để cho tình cảm của người đã khuất sống mãi trong tim. Đó chính là thông điệp mà bộ phim muốn mang lại.

ĐỨC THẢO

Chia sẻ bài viết