10/09/2012 - 20:45

Hành trình hành tím Vĩnh Châu chinh phục GlobalGAP

Sơ chế hành tím tại DNTN Đức Vinh.

Năm nay, dù người trồng hành tím ở thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng không được như ý do giá hành xuống thấp, nhưng bù lại, một niềm vui khác lớn hơn: Mô hình sản xuất hành tím đầu tiên được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP...

Từ nói không với thuốc trừ sâu DDT...

Nhắc đến hành tím Vĩnh Châu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhận xét: “Củ hành tím là một trong những mặt hàng có thế mạnh của Vĩnh Châu nhờ chất lượng cao. Đây là nguồn cung cấp sản phẩm hành tươi cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh khác trong khu vực ĐBSCL; đặc biệt được xuất khẩu đi nhiều nước như: Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Ấn Độ... Cây hành tím không chỉ mang lại nguồn lợi lớn cho nông dân địa phương mà còn là đại diện cho sản phẩm củ hành tím của Việt Nam trên thị trường thế giới”.

Diện tích trồng hành tím thương phẩm ở Vĩnh Châu mỗi năm từ 5-7 ngàn héc-ta và sau 2 tháng gieo trồng, sản lượng hành có thể lên đến 150 ngàn tấn. Chỉ cần giá bán khoảng 10.000 đồng/kg, giá trị từ cây hành mang lại tương đương với 50.000 ha lúa sản xuất trong một năm. Điều đó cho thấy, giá trị của cây hành tím là rất lớn so với một số cây trồng khác tại địa phương. Vì thế, hành tím Vĩnh Châu được xếp vào mặt hàng nông sản chủ lực thứ hai của thị xã Vĩnh Châu, sau con tôm sú. Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu, cho biết: “Giá trị mang lại từ cây hành tím là rất lớn. Vấn đề là làm sao ổn định được diện tích, năng suất, chất lượng để tăng tính cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước”.

Công việc đầu tiên là vận động nông dân từ bỏ sử dụng thuốc trừ sâu DDT trong bảo quản hành giống, hành thương phẩm. Đây là việc làm hết sức khó khăn, nhưng trước áp lực của thị trường tiêu thụ cùng với sự nỗ lực tìm quy trình bảo quản thay thế đã giúp nông dân mạnh dạn nói không với hóa chất DDT. Ông Dương Khươl, một nông dân trồng hành ở xã Vĩnh Hải, bộc bạch: “Dù biết thuốc DDT rất độc, nhưng hồi trước, tôi vẫn phải xài vì không có chất gì thay thế. Sau này, cán bộ kỹ thuật hướng dẫn quy trình trồng mới cũng như cách bảo quản không có DDT mà vẫn hiệu quả, lại dễ bán nên không còn ai sử dụng nữa”. Ngay sau khi chất lượng và độ an toàn vệ sinh thực phẩm của hành tím Vĩnh Châu được cải thiện, các doanh nghiệp từ thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng... bắt đầu tìm về Vĩnh Châu để đặt trạm thu mua, sơ chế, xuất hành đi các nước. Anh Trịnh Đức Vinh, Chủ DNTN Đức Vinh, nhận xét: “Việc từ bỏ hóa chất DDT kịp thời là một thành công lớn cho củ hành tím Vĩnh Châu, vì hầu hết các nước nhập khẩu đều đưa ra tiêu chuẩn dư lượng hóa chất ngày càng khắt khe hơn”.

Đến chứng nhận GlobalGAP

Sau thành công về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, lãnh đạo huyện Vĩnh Châu (nay là thị xã Vĩnh Châu) tiến thêm một bước mới cho củ hành tím: Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa tập thể “hành tím Vĩnh Châu”. Sau 20 tháng đăng ký, thực hiện, ngày 29-12-2009, Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ có quyết định chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hành tím Vĩnh Châu cho Câu lạc bộ hành tím Vĩnh Châu (nay là HTX hành tím Vĩnh Châu), thuộc ấp Cà Lăng A Biển, xã Vĩnh Châu, huyện Vĩnh Châu. Đây là loại nhãn hiệu tập thể được bảo hộ tổng thể, không bảo hộ riêng cho nhãn hiệu “Hành tím”, “Sóc Trăng”, hình củ hành, hình luống hành... Nhãn hiệu có các màu như: xanh da trời, tím, xanh rêu đậm, vàng rêu, nâu, trắng... thể hiện hình ảnh củ hành, liếp hành, bầu trời... 29 thành viên CLB là người dân tộc Khmer và Hoa, tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp 34,12ha, mỗi năm sản xuất từ 700-800 tấn hành thương phẩm. Đây là một nỗ lực lớn của lãnh đạo huyện Vĩnh Châu và Câu lạc bộ nhằm quảng bá cho hành tím Vĩnh Châu đến với doanh nghiệp, người tiêu dùng trong nước và thế giới.

Vụ hành năm 2011, được sự hỗ trợ từ Chi cục Bảo vệ Thực Vật và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng, HTX hành tím Vĩnh Châu và DNTN Đức Vinh quyết định thực hiện mô hình sản xuất hành tím theo tiêu chuẩn GlobalGAP (thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu). Đây là giải pháp để đưa hành tím Vĩnh Châu vào những thị trường khó tính, có giá trị kinh tế cao. Sau hơn một năm tích cực thực hiện, xã viên và DNTN Đức Vinh đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP vào ngày 26-4-2012. Anh Trịnh Đức Vinh, Chủ DNTN Đức Vinh, cho biết: Việc công nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP đòi hỏi không chỉ để hành tím Vĩnh Châu vươn xa hơn, chất lượng hơn mà còn phải đảm bảo số lượng. Vì vậy, cần có biện pháp giúp nông dân hiểu để mở rộng diện tích sản xuất hành tím theo tiêu chuẩn GlobalGAP”.

Theo Thạc sĩ Đặng Thị Cúc, Trưởng phòng kỹ thuật, Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh Sóc Trăng, việc sản xuất hành tím theo tiêu chuẩn GlobalGAP nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực thực phẩm, bảo vệ sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng, người lao động, môi trường, truy vết sản phẩm, tạo ra môi trường canh tác bền vững, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Do đó, với tiềm năng sản lượng khoảng 150 ngàn tấn/năm, khi sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, hành tím Vĩnh Châu nói riêng và tỉnh Sóc Trăng nói chung sẽ được quảng bá thương hiệu (thông qua trang web của tổ chức cấp chứng nhận), có điều kiện gia nhập thị trường thế giới, từ đó, ổn định và nâng cao giá trị. Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu, nhấn mạnh: “Hành tím Vĩnh Châu đã được bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, nay lại được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, vấn đề còn lại là sản xuất, bảo quản phải đúng quy trình kỹ thuật để ổn định năng suất, chất lượng để giữ vững thị trường tiêu thụ”.

Chưa đầy 3 tháng nữa, vụ hành mới bắt đầu. Tấm vé thông hành GlobalGAP cùng chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa hy vọng sẽ giúp hành tím Vĩnh Châu vươn xa trên thị trường thế giới, để ổn định giá cả và thu nhập cho người trồng hành...

Bài, ảnh: XUÂN TRƯỜNG

Chia sẻ bài viết