19/04/2015 - 15:31

Hàng rào kỹ thuật trong thương mại - Vấn đề cần đặc biệt quan tâm

Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Song song đó, hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) do các nước đặt ra luôn là vấn đề "đau đầu" đối với doanh nghiệp (DN) và cả nhà quản lý. Báo Cần Thơ đã phỏng vấn ông Nguyễn Trọng Cường, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ về vấn đề này.

* Thưa ông, vì sao các nước phải đặt ra các TBT? Chúng ta cần quan tâm đến TBT trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế như thế nào?

- Trong thương mại quốc tế, TBT thực chất là các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mà một nước áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu hoặc quy trình đánh giá sự phù hợp của hàng hóa nhập khẩu đối với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đó. Các biện pháp kỹ thuật này về nguyên tắc là cần thiết và hợp lý nhằm bảo vệ những lợi ích quan trọng như sức khỏe con người, môi trường, an ninh…Vì vậy, mỗi nước thành viên WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới) đều thiết lập và duy trì một hệ thống các biện pháp kỹ thuật riêng đối với hàng hóa của mình và hàng hóa nhập khẩu.

Trong thực tế, các biện pháp kỹ thuật đó có thể là những rào cản tiềm ẩn đối với thương mại quốc tế. Bởi chúng có thể được sử dụng vì mục tiêu bảo hộ cho sản phẩm trong nước, gây khó khăn cho việc thâm nhập của hàng hóa nước ngoài vào thị trường nhập khẩu. Vì vậy, DN và nhà quản lý trong nước cần đặc biệt quan tâm đến các TBT của nước ngoài để có định hướng, chiến lược sản xuất sản phẩm phù hợp trong quá tiến trình hội nhập

* Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng: "Khái niệm TBT và những thách thức cũng như cơ hội đi cùng, đến nay vẫn còn khá mơ hồ với nhiều đối tượng bị nó tác động". Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- Thực tế cho thấy, các DN nước ta đã, đang và sẽ tiếp tục phải đối mặt với lượng hàng rào kỹ thuật vô hình ngày càng tăng mạnh. Theo thống kê của Bộ Công thương, rào cản thương mại của một số nước và khu vực đối với hàng xuất khẩu Việt Nam áp dụng cho nhiều loại mặt hàng. Trong đó, chủ yếu tập trung vào các nhóm hàng nông, lâm, thủy sản. Đặc biệt, Hoa Kỳ đã từ chối nhập khẩu 6 lô hàng trái cây của Việt Nam do có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao hơn mức quy định. Bên cạnh đó, nhiều lô hàng trái cây xuất khẩu của nước ta không bảo đảm quy chuẩn của Liên minh châu Âu (EU), và EU cũng đang tăng tần suất kiểm tra lên 20% đối với một số mặt hàng rau, củ và rau gia vị của Việt Nam. Ngoài ra, các thị trường nhập khẩu chính như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Mexico... đều đưa ra các hàng rào kỹ thuật nghiêm ngặt đối với nhiều mặt hàng thủy sản xuất khẩu của nước ta.

Tóm lại, các đối tượng chịu tác động dường như vẫn mơ hồ về rào cản kỹ thuật trong thương mại, những thách thức cũng như cơ hội mà TBT mang lại. Phần lớn DN trong nước, trong đó có các DN TP Cần Thơ chưa quan tâm đúng mức và thiếu kiến thức, thiếu thông tin về TBT. Nhiều DN dù có quan tâm nhưng mới chỉ đơn độc, tự mình đối phó với TBT mà chưa có sự liên kết. Đây cũng là nguyên nhân làm các DN nhỏ và vừa thường gặp phải rủi ro rất lớn khi vấp phải yêu cầu TBT của các thị trường nhập khẩu thời gian qua.

Thời gian qua, xuất khẩu cá tra của Việt Nam "vướng" nhiều rào cản kỹ thuật ở nhiều thị trường nhập khẩu. Ảnh: T. LONG

* Nếu thiếu sự quan tâm đến TBT, DN sẽ gặp bất lợi nào, thưa ông?

- Các DN xuất khẩu sẽ phải tăng chi phí sản xuất để thay đổi điều kiện sản xuất sao cho đáp ứng được những yêu cầu của quy định về kỹ thuật nên lợi nhuận của nhà sản xuất sẽ bị giảm sút. Rào cản kỹ thuật các nước kéo theo các thủ tục quản lý, chứng minh, kiểm định, chứng nhận, công nhận tương đối phức tạp,… đối với hàng xuất khẩu Việt Nam, cả ở Việt Nam và thị trường nhập khẩu. Vì vậy, dù muốn hay không, các doanh nghiệp phải chấp nhận quy định do nước ngoài đặt ra. Việc tiến hành nhiều khâu, nhiều bước trong kiểm tra, đánh giá, trong khi còn thiếu sự công nhận về kết quả kiểm tra, đánh giá giữa Việt Nam và đối tác nhập khẩu sẽ gây ra sự chậm trễ trong giao hàng, hàm chứa yếu tố rủi ro do hư hỏng đặc biệt là các mặt hàng thủy sản, rau quả,... Đi kèm đó là khả năng bị tịch thu, tiêu hủy tại cửa khẩu nước nhập khẩu...

* Văn phòng TBT Cần Thơ chính thức thành lập từ năm 2006, để hoạt động hiệu quả hơn, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho DN trên địa bàn thành phố, ông có đề xuất, kiến nghị gì?

- Thời gian qua, Văn phòng TBT thành phố thực hiện tốt vai trò tham gia xây dựng các văn bản pháp quy kỹ thuật; xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật địa phương; thông tin tuyên truyền phổ biến Hiệp định TBT. Thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo của WTO, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đến các tổ chức, cá nhân, DN, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN... Tuy nhiên, cán bộ tham gia mạng lưới TBT kiêm nhiệm, hạn chế kiến thức chuyên ngành về TBT và do luân chuyển công tác giữa các phòng ban. Sự phối hợp hoạt động giữa các thành viên trong Mạng lưới TBT tại địa phương chưa thật sự hiệu quả... Công tác thông tin tuyên truyền có nội dung chưa thật sự phong phú đa dạng. Thông tin chỉ mới thực hiện một chiều từ cơ quan quản lý nhà nước đến DN, chưa có thông tin phản hồi từ DN đến cơ quan quản lý nhà nước. Những vấn đề này ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của Văn phòng TBT Cần Thơ.

Thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ, các Bộ ngành liên quan nên tổ chức tập huấn nghiệp vụ trong thông báo và hỏi - đáp về TBT để nâng cao chất lượng hỗ trợ, giải đáp thông tin cho các DN xuất nhập khẩu tại địa phương. Thủ trưởng các sở ngành cần quan tâm hơn trong việc chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho các công chức thuộc Mạng lưới TBT thành phố thực hiện tốt công tác TBT của đơn vị. Các thành viên thuộc Mạng lưới TBT của thành phố trong quá trình công tác, tiếp xúc với DN giới thiệu về lợi ích của việc Thông báo và hỏi - đáp về hàng rào kỹ thuật của sản phẩm, hàng hóa để quảng bá cho hoạt động của Mạng lưới, được tiếp cận gần hơn với các DN xuất nhập khẩu trên địa bàn…Văn phòng TBT Việt Nam hỗ trợ đào tạo nghiệp vụ Thông báo và hỏi đáp cho cán bộ làm công tác TBT tại địa phương, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn... nhằm nâng cao khả năng hoạt động TBT.

* Theo ông, cần có những giải pháp gì thực thi một cách có hiệu quả các vấn đề về TBT trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ?

- Về phía Nhà nước cần tăng cường thông tin, phổ biến pháp luật, chính sách thương mại của các nước nhằm giúp DN biết trước để đề phòng và có những đối sách hợp lý. Đây là một trong những giải pháp hết sức quan trọng, vì hiện nay, sự hiểu biết về WTO và môi trường pháp luật kinh doanh của các nước nhập khẩu của các DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ còn hạn chế, không kịp thời. Chủ động đối phó với các rào cản về chống bán phá giá. Thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch hành động về nâng cao sức cạnh tranh nhằm đáp ứng được ngày càng tốt hơn và dễ dàng vượt qua các rào cản trong các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩm của thị trường nhập khẩu. Hiện nay, các yếu tố môi trường cũng được các nước lợi dụng để làm các rào cản trong thương mại quốc tế. Vì vậy, việc hỗ trợ và khuyến khích các DN sử dụng nhãn mác sinh thái theo các tiêu chuẩn quốc tế (ISO 14020, ISO/DIS 14021, ISO/CD 14024) để đối phó và vượt qua các rào cản về môi trường là cần thiết. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ nhằm giúp DN vượt qua các rào cản về sở hữu trí tuệ.

Hiện nay, các DN TP Cần Thơ và cả nước thường được tổ chức theo kiểu định hướng về sản xuất hoặc định hướng về thương mại mà chưa tổ chức theo định hướng khách hàng. Điều này là chưa phù hợp với thực tế và hạn chế khả năng tiên đoán trước những rào cản có thể phát sinh. Chính vì vậy, một yêu cầu đặt ra trước mắt là cần phải đổi mới phương thức hoạt động của các DN. DN nên tăng cường hoạt động nghiên cứu thị trường và xúc tiến thương mại, giúp DN chủ động đối phó và vượt qua các rào cản trong thương mại quốc tế. Bên cạnh đó đầu tư, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và hàng hóa khi xuất khẩu sang thị trường thế giới. Chủ động triển khai áp dụng các hệ thống quản lý tiêu chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế và đáp ứng yêu cầu bảo vệ sức khỏe, môi trường. Đặc biệt, khi có vấn đề trở ngại trong hàng rào kỹ thuật đối với việc xuất nhập khẩu hàng hóa hoặc cần trợ giúp các vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trong xuất nhập khẩu có thể liên hệ đến Điểm TBT Cần Thơ và Văn phòng TBT Việt Nam để yêu cầu giúp đỡ…

* Xin cảm ơn ông!

Thanh Long (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết