03/02/2013 - 14:43

Hàng không vũ trụ Trung Quốc khiến phương Tây lo ngại

Một chiếc Airbus A320 trong giai đoạn hoàn tất ở Thiên Tân. Ảnh: New York Times

Với tham vọng mở rộng ảnh hưởng trong lĩnh vực phát triển công nghệ không gian, Trung Quốc đang khiến các quốc gia phương Tây như “ngồi trên lửa” trước những mối lo lắng ngày càng gia tăng về vấn đề an ninh.

Cách đây 7 năm, giám đốc điều hành hãng sản xuất máy bay hàng đầu châu Âu Airbus đến Trung Quốc với chiến lược xây dựng dây chuyền lắp ráp máy bay tại thành phố Thiên Tân cùng hy vọng thống trị một trong những thị trường máy bay lớn nhất và có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Đến thời điểm hiện tại, tập đoàn không gian vũ trụ khổng lồ châu Âu đã sở hữu khoảng 20 tòa cao ốc với công suất lắp ráp mỗi tháng có thể cung cấp 4 chiếc máy bay phản lực A320 cho phần lớn các hãng vận chuyển Trung Quốc.

Việc nhanh chóng mở rộng sản xuất hàng không dân sự và quân sự ở Thiên Tân mặt khác đã phản ánh tham vọng của Trung Quốc với mục tiêu nhắm đến thị phần sản xuất phụ tùng, nguyên vật liệu, doanh nghiệp cho thuê, các hãng vận chuyển hàng hóa và khai thác sân bay trong lĩnh vực hàng không vũ trụ.

Hiện tại, Trung Quốc đang “so kè” vị thế với Mỹ trong thị trường máy bay dân sự cùng hy vọng có thể tự cung tự cấp trang thiết bị từ các nhà máy sản xuất trong nước. Theo đó,  “chiến thuật” được các công ty Trung Quốc sử dụng chủ yếu là chính sách công ty liên doanh, thỏa thuận hợp tác kỹ thuật bên cạnh các thương vụ thâu tóm tương tự trong ngành công nghiệp tài nguyên thiên nhiên.

Chẳng hạn, Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) năm 2009 đã ra mắt thế hệ máy bay chở khách cỡ lớn đầu tiên được sản xuất trong nước trong thương vụ hợp tác với nhà cung cấp động cơ máy bay và công nghệ hàng không lớn nhất của Mỹ- General Electric (GE) và một số công ty khác. Đến năm 2010, AVIC tiến hành mua bản quyền sản xuất ở nước ngoài cho máy bay cỡ nhỏ của hãng Epic Aircraft (Canada). Hồi cuối năm ngoái, các nhà đầu tư Trung Quốc tiếp tục ký kết một thỏa thuận trị giá 4,23 tỉ USD để mua lại 80% cổ phần International Lease Finance (ILFC) - công ty cho thuê máy bay sở hữu phi đội máy bay chở khách lớn thứ hai thế giới thuộc Tập đoàn bảo hiểm Quốc tế Mỹ AIG (American International Group).

Chủ tịch của Diễn đàn Không gian vũ trụ châu Á Martin Craigs cho biết, ngoài những chiến lược trên thì các công ty Trung Quốc còn đang tích cực chiêu mộ đội ngũ kỹ sư hàng không vũ trụ cấp cao của Mỹ và châu Âu, làm dấy lên mối quan ngại về an ninh quốc gia có thể bị phá vỡ.

Tuy nhiên, vấn đề trọng yếu khiến Mỹ quan tâm và nỗ lực tìm kiếm giải pháp đối phó là các nhà sản xuất Trung Quốc trong lĩnh vực hàng không vũ trụ lại có mối quan hệ sâu sắc với quân đội. Điển hình là việc AVIC đã thành lập quỹ cổ phần tư nhân với mục tiêu đầu tư lên đến 3 tỉ USD nhằm phục vụ cho kế hoạch thu mua những công ty có công nghệ ứng dụng trong cả dân sự và quân sự. Theo nhận định của thành viên Ủy ban Xét duyệt An ninh và Kinh tế Mỹ – Trung thuộc Quốc hội Mỹ Michael R. Wessel, Washington cần “sáng suốt” đối với các khoản giao dịch thúc đẩy đầu tư trong mối quan hệ song phương hai nước.

Không riêng gì Mỹ, các tập đoàn và chuyên gia cố vấn phương Tây cũng đang áp dụng các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ bí mật thương mại và an ninh quốc gia. Thông qua bản hợp đồng liên doanh chuyển giao công nghệ giữa GE và Avic, các quốc gia phương Tây nhận thức sâu sắc rằng chuyển giao công nghệ có thể giúp Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự của mình và khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực máy bay dân sự.

Những lo ngại trên càng được chứng minh không phải thừa trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng các động thái đáng quan ngại trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ, bao gồm cả việc gửi tàu chiến đến các vùng biển đang tranh chấp với Nhật Bản, Philippines và Việt Nam. Ngoài ra, việc chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đang bắt đầu “xoay trục” chiến lược, tập trung vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương càng thúc đẩy tham vọng của Bắc Kinh. Bởi theo lập luận của các quan chức Trung Quốc, động thái trên của Mỹ mang tính kìm hãm Bắc Kinh nên việc phát triển tên lửa tầm xa và các chương trình không gian vũ trụ có tầm quan trọng nhất định nhằm hiện đại hóa quân đội nước này.

VI VI (Theo New York Times)

Chia sẻ bài viết