05/02/2023 - 08:11

Góp thêm đôi điều về chuyện bảo tồn di sản Bùi Hữu Nghĩa thuở trước 

Bài, ảnh: ÐĂNG HUỲNH

Tên tuổi, đức độ và văn tài của Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa từ xưa đã được nhân dân, các nhân sĩ, trí thức ghi nhận và tôn vinh. Nhờ đó, danh tiếng “Rồng Vàng” xứ Ðồng Nai xưa được truyền lưu hậu thế. Nhân kỷ niệm 151 năm Ngày Giỗ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa (19 và 20 tháng Giêng âm lịch), xin góp thêm đôi dòng về chuyện bảo tồn di sản Bùi Hữu Nghĩa thuở trước.

Lễ Giỗ lần thứ 150 của Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa vào năm 2022. 

Trùng tu mộ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa

Năm 2023 là tròn 80 năm diễn ra cuộc kêu gọi trùng tu ngôi mộ cho danh nhân văn hóa xứ Tây Ðô. Một cuộc trùng tu với sự hưởng ứng của các nhân sĩ, trí thức và những người yêu mến tài năng, đức độ của cụ Thủ khoa.

Chuyện này được thuật lại khá nhiều trên các số của “Nam Kỳ Tuần báo”, do Hồ Văn Trung (tức nhà văn Hồ Biểu Chánh) làm Giám đốc. Ngọn nguồn đầu tiên là loạt ký sự “Ði tìm dấu người xưa” của tác giả Khuông Việt, đăng trên nhiều số của “Nam Kỳ Tuần báo” trong năm 1943. Trong thiên ký sự này, phần II mang tên “Thẳng xuống Cần Thơ”, có đoạn miêu tả về khung cảnh điêu tàn của phần mộ danh nhân họ Bùi. Hết “chung qua bụi rậm”, lại phải “nhảy mương” rồi đi qua cầu khỉ mới đến mộ tiền nhân. Tác giả Khuông Việt thốt lên: “Mộ của một vị Thũ-khoa có một văn nghiệp bất hũ lại điêu tàn đến thế nầy ư? Một nấm đất lè tè gần mặt đất, không rào giậu, không gạch xây. May mà còn được tấm mộ bia của ông Bùi-hữu-Tú, con cụ Thủ khoa, dựng lên để ghi ngày cụ mãn phần...” (trong bài viết này, phần thuật trích “Nam Kỳ Tuần báo”, chúng tôi xin giữ nguyên văn phong, chính tả đã in - PV).

Sau khi luận mấy điều về đạo với tiền nhân, sự cung kính với bậc danh nhân, tác giả Khuông Việt khẳng khái: “Cái danh dự đầu tiên trong công việc nghĩa nầy (ý nói việc trùng tu mộ - PV) phải thuộc về hàng trí thức Tây đô là nơi cụ Thũ-khoa gởi nắm xương tàn; nhứt là các bạn thanh-niên nhiều hăng hái...”.

Ðọc đoạn ký sự này, tác giả Thượng Tân Thị, một văn hào, nhà sưu khảo, cây bút giỏi thời bấy giờ cũng cho đăng trên “Nam Kỳ Tuần báo” bài viết “Tiếng gọi của lương tâm đối với cụ Thủ-khoa Bùi-hữu-Nghĩa” luống những ngậm ngùi. Thuật lại mấy lời của tác giả Khuông Việt đã tả, Thượng Tân Thị mạnh dạn: “Xét về văn nghệ của cụ Bùi-hữu-Nghĩa với văn nghệ của cụ Nguyễn-Du, không kém nhau chút nào, duy có khác nhau cái hoàn cảnh mà thôi”. Không chỉ đề cao văn tài của Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa ở lĩnh vực văn học, mà ở lĩnh vực sân khấu, với bổn tuồng “Kim Thạch kỳ duyên” lừng lẫy, Thượng Tân Thị đề đạt: “Lại củng xin với các ông chủ ca kịch đoàn (hát bộ hay cải lương) nên nhớ đến cụ Bùi-hữu-Nghĩa là một hậu tỗ của làng diễn kịch”. Một chi tiết khác trong bài viết này đáng chú ý là bổn tuồng “Kim Thạch kỳ duyên” của cụ Thủ khoa từng được diễn cho vua Tự Ðức xem, vua khen hết lời và có giao cho đội Thanh Bình diễn tập. Rốt cùng bài viết, tác giả Thượng Tân Thị cũng bàn việc cần nhanh chóng trùng tu mộ phần của danh nhân văn hóa đất Tây Ðô.

Ngay sau khi hai bài viết này được đăng tải, một cuộc bàn bạc sôi nổi trong văn sĩ, trí thức Nam Kỳ thời bấy giờ. Ðể rồi trong số báo sau đó, số 34 (tháng 5-1943), bác sĩ Lê Văn Ngôn, Hội trưởng Hội Khuyến học Cần Thơ đã có bài đăng với tựa đề rõ ràng “Phần mộ của Thủ khoa Nghĩa sẽ được hội khuyến-học Cần-thơ lãnh việc tu bổ”. Khi vừa được cử vào Ban Trị sự của Hội Khuyến học Cần Thơ ngày 12-3-1943, bác sĩ Lê Văn Ngôn đã đem chuyện trùng tu phần mộ cụ Thủ khoa bàn bạc với hội viên và những dự định phải làm. Hội cũng đệ đơn trình quan chủ tỉnh cho phép mở cuộc lạc quyên trùng tu phần mộ.

Theo dõi các số báo của “Nam Kỳ Tuần báo” sau đó, chúng tôi nhận thấy sự ủng hộ rất nhiệt tình trong việc làm ý nghĩa này. Số báo ra ngày 10-6-1943 có khởi đăng “Sổ lạc quyên sùng tu phần mộ cụ Thủ-khoa Bùi-hữu-Nghĩa (do Hội Khuyến-học Cần-thơ tổ chức)”. Danh sách có 11 người, với số tiền góp được là 298 đồng và có ghi “còn nửa”. Chuyện lạc quyên thuận lợi, ngôi mộ của cụ Thủ khoa được trùng tu khang trang ngay sau đó. 70 năm sau, năm 2013, khu mộ cụ Thủ khoa được TP Cần Thơ đầu tư xây dựng khang trang, trở thành Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, thu hút đông đảo khách đến thăm.

Người dân địa phương cung tiến bánh dân gian tự làm nhân dịp Lễ Giỗ lần thứ 150 của Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa.  

Cuộc diễn thuyết về Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa

Cuộc diễn thuyết này do Hội Khuyến học Cần Thơ tổ chức vào đêm 29-5, với mục đích cổ vũ cho cuộc lạc quyên trùng tu phần mộ cụ như đã trình bày.

Sự kiện này được “Nam Kỳ Tuần báo” thuật lại trong bài viết đăng số báo ra ngày 10-6-1943 của tác giả Trúc Hà. Chứng kiến sự tất tả, tận tâm lo cho chuyện lạc quyên, đêm diễn thuyết, tác giả viết: “Tôi có nãy ra cái ý so sánh họ với một bầy ong đang sốt sắng làm việc trong một buổi sáng ngày tốt đẹp để gầy mật. Nhiều người đả ăn mật ong nhưng trong khi thưởng thức cái vị ngọt ngon kia, ít ai nhớ đến công phu của loài vậy nhỏ nhít siêng năng ấy. Các nhà trí thức đó cũng đương lo gây lấy một thứ mật tinh thần để cống hiến cho công chúng Tây-đô”.

Tối đến, sắp diễn ra buổi diễn thuyết, Ban Tổ chức gặp trục trặc khi nhân sĩ, trí thức, người dân kéo đến rạp đã rất đông thì quan Chủ tỉnh báo bận việc không dự được. Diễn giả Ðỗ Văn Y lại “đang bị cử rét hoành hành” (Ðoạn này xin được nói thêm, diễn giả Ðỗ Văn Y sau đó đã cho đăng toàn văn bài diễn văn “Thân thế và sự nghiệp cụ Thủ-khoa Nghĩa” trên “Ðại Việt Tập chí” số 17, xuất bản ngày 16-6-1943. Ðây là tài liệu quan trọng để hậu thế nghiên cứu về Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa). Những người tổ chức vì vậy có phần bối rối.

Trong buổi diễn thuyết, ông Giáo sư Nguyễn Văn Kiết thay ông Ðỗ Văn Y làm diễn giả. Dù có chút lúng túng của “diễn giả bất đắc dĩ” nhưng ông Kiết cũng đã giúp buổi nói chuyện thành công. Ngoài nghe diễn giả nói chuyện, đêm ấy, khán giả còn được một ông bầu gánh hát chuyên nghiệp hát lại một đoạn trong tuồng “Kim Thạch kỳ duyên”. Cô Túy Hoa, một thiếu nữ có nhiều tình cảm với văn chương, ngâm bài “Viếng mộ cụ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa” với giọng oanh trong trẻo...

Bài thơ “Viếng mộ cụ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa” là do Tây Ðô Cát Sĩ sáng tác, gồm 10 đoạn, mỗi đoạn 4 câu, mỗi câu 7 chữ. Thiết nghĩ đây là bài thơ hay, ít người biết. Nay, xin được giới thiệu cùng bạn đọc:

Uốn khúc, dòng sông chảy lững lờ
Bên cầu ông lão đứng buông tơ
Đến đây, du khách hồn vơ vẫn
Nẻo lạ nhìn theo một bóng mơ
 
Phủi lớp rêu xanh đọc nét lòa
Thương ôi! Số kiếp một tài hoa!
Trải bao mưa nắng người qua lại
Ai nhớ Long Tuyền, cụ Thủ khoa?
 
Ai nhớ danh nho ẩn một thời
Buông cần thú vị giữa dòng khơi?
Sớm chiều mây nước duyên tri kỷ
Cây cỏ còn mơ dạng đứng ngồi
 
Ai nhớ phong lưu nức một thì
Túi thơ bầu rượu, bạn tương tri?
Lững lờ, bến cũ cơn ngâm vịnh
Nước biếc còn mơ giọng phú thi
 
Ai nhớ thi nhơn với bổn tuồng
Lạ lùng “Kim Thạch” mối tơ vương?
Câu văn pha lẫn lời tâm sự
Tao khách còn mơ, khúc đoạn trường.
 
Đời mãi bôn ba kiếp sống thừa
Nào ai chốn cũ, nhớ người xưa?
Than ôi! Nắm đất vùng hiu quạnh
Bao độ âm thầm với gió mưa
 
Thiệt thòi chỉ có khách văn chương
Rút cả tâm hồn trả thế gian
Đến lúc hơi mòn ba tấc đất
Nào ai thương xót mảnh xương tàn
 
Giọt lệ khôn đem hết sự tình
Muôn trùng giải tỏ đến cao xanh
Kính dưng chín suối vài câu điếu
Cầu nguyện hồn thiêng chứng tấc thành
 
Hiu hắt phong vân một bóng đèn
Nhớ ai lần giở tập “Kỳ duyên”
Lắng nghe canh vắng đêm u tịch
Như khoảng bên thềm trỗi tiếng quyên.

Chia sẻ bài viết