Từ khi có quyết định thành lập Trường Đại học (ĐH) Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, lãnh đạo nhà trường đã không ngừng đầu tư nguồn lực, nhằm phục vụ cho bước phát triển mới, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.
 |
Thời gian qua Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ đã đầu tư, mua sắm trang thiết bị cho các phòng học, đến nay hầu hết các phòng đều được trang bị màn hình LCD 50 inches, để phục vụ giảng dạy. |
Ngày 29-1-2013 có lẽ là ngày đáng nhớ của tập thể cán bộ, giảng viên Trung tâm ĐH Tại chức Cần Thơ (nay là Trường ĐH Kỹ thuật- Công nghệ Cần Thơ), bởi trường nhận được Quyết định của Chính phủ thành lập Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ. Kể từ khi có quyết định thành lập trường, tập thể cán bộ, giảng viên trường đã không ngừng đầu tư nguồn lực, đáp ứng yêu cầu cho tình hình mới. Cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Tiến sĩ Dương Thái Công, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: "Ở cơ sở 1, trường đang đầu tư đề án phòng thí nghiệm cơ bản, lắp đặt thiết bị, kinh phí khoảng 2 tỉ đồng; đầu tư 6 tỉ đồng trang bị các thiết bị thực hành cho 4 ngành học mới;
Ngoài ra, trường đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cải tạo nâng cấp thư viện để kịp đưa vào sử dụng tháng 9-2013, phục vụ cho giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học của giảng viên, sinh viên nhà trường". Nhờ sự chuẩn bị chu đáo, đến nay, trường hiện có 40 phòng học lý thuyết có trang bị màn hình LCD 50 inches; 5 hội trường, 10 phòng thí nghiệm, thực hành; thư viện
Trường đang triển khai dự án cải tạo và xây dựng mới khối phòng học và thực hành thí nghiệm quy mô 1 trệt 6 lầu (kinh phí đầu tư 50 tỉ đồng), nhằm phục vụ dạy và học. Ngoài cơ sở 1, trường đang gấp rút thực hiện các thủ tục bồi hoàn giải phóng mặt bằng để đưa vào sử dụng cơ sở 2 (phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, diện tích trên 17 ha).
Đối với một cơ sở đào tạo, nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng. Để nâng cao chất lượng đào tạo, trường đã được UBND thành phố phê duyệt Đề án nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ giai đoạn 2011-2020. Trên cơ sở đó, trường khuyến khích cán bộ, giảng viên học tập nâng cao trình độ, tranh thủ nguồn đào tạo từ một số chương trình, đề án của địa phương nhằm tạo điều kiện cho giảng viên học sau ĐH. Đến nay, trường có 169 cán bộ viên chức, giảng viên và nhân viên (129 giảng viên; trong đó có trên 70 cán bộ đạt trình độ sau đại học). Hiện nay, trường có 28 cán bộ giảng viên đang học sau đại học trong và ngoài nước (trong đó có 4 giảng viên đang học tiến sĩ nước ngoài); 11 cán bộ đang chờ kết quả tham gia Đề án 911 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Thu, Trưởng phòng Tổ chức hành chính của trường, ngoài việc tập trung kiện toàn bộ máy tổ chức, lãnh đạo trường còn bố trí lực lượng cán bộ, giảng viên phù hợp với vị trí; tạo điều kiện để cán bộ giảng viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Có thể nói, đội ngũ cán bộ, giảng viên hiện có đủ đáp ứng yêu cầu đào tạo của trường.
Theo Ban Giám hiệu Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, ngoài sự nỗ lực của tập thể cán bộ, giảng viên nhà trường, kết quả có được còn nhờ sự chỉ đạo, quan tâm đầu tư nguồn lực của UBND TP Cần Thơ, hỗ trợ từ các cơ quan hữu quan. Hiện nay, trường đang hoàn chỉnh 4 hồ sơ đăng ký mở mã ngành đào tạo trình độ ĐH hệ chính quy, gồm: Kỹ thuật Điện - điện tử, Quản lý công nghiệp, Công nghệ thực phẩm, Hệ thống thông tin. Mỗi ngành, trường dự kiến tuyển 320 sinh viên. Song, do đặc thù của trường trước đây là đơn vị liên kết đào tạo nên giai đoạn đầu hoạt động, trường vẫn tiếp tục duy trì đào tạo hệ chính quy song song với hệ vừa làm vừa học. Tiến sĩ Dương Thái Công lý giải: "Nguồn kinh phí đầu tư cho cơ sở đào tạo đại học rất lớn, trong khi đó, nguồn lực của thành phố không thể bao cấp hoàn toàn cho trường. Thực tế, một số trường ĐH trực thuộc địa phương trong quá trình hoạt động gặp không ít khó khăn. Để có nguồn kinh phí đảm bảo cho trường hoạt động và giảm áp lực cho thành phố, trường tiếp tục duy trì mô hình liên kết đào tạo với các trường ĐH có uy tín trong nước". Dự kiến, trường tuyển ít nhất 1.500 sinh viên cho các ngành theo nhu cầu xã hội. Trường sẽ định hướng liên kết với các địa phương để tuyển sinh và tổ chức đào tạo trình độ đại học hình thức giáo dục thường xuyên.
Trong Thông báo Kết luận của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hùng Dũng tại buổi họp nghe báo cáo về tình hình hoạt động của Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ trong giai đoạn mới thành lập vào ngày 12 tháng 4-2013, đã nhấn mạnh: Để sớm đưa trường đi vào hoạt động ổn định và phát triển trong giai đoạn đầu mới thành lập, yêu cầu nhà trường tiếp tục thực hiện hoạt động liên kết đào tạo hệ không chính quy với các trường ĐH có uy tín, vừa góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương, vừa bổ sung một phần kinh phí hoạt động của trường. Mặt khác, các cơ quan hữu quan tiếp tục hỗ trợ nhà trường để đi vào hoạt động hiệu quả
Tiến sĩ Dương Thái Công bày tỏ: "Trong giai đoạn đầu thành lập, nhà trường khó tránh khỏi khó khăn về tài chính, nguồn lực cơ sở vật chất, con người. Tuy nhiên, với sự quan tâm của thành phố và nỗ lực của tập thể cán bộ, giảng viên, tôi tin hoạt động nhà trường sẽ đi vào guồng máy, từng bước khắc phục khó khăn, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động".
Bài, ảnh: B.Kiên