12/09/2013 - 14:09

Đọc “Xóm Miếu Nổi”

Góc khuất của cuộc sống

Bìa tiểu thuyết “Xóm Miếu Nổi”.

Trong cuộc sống hiện tại,  đâu đó người ta có thể bắt gặp một Gã Cụt ngang tàng, một cô nàng Kách Kách chưng diện già đời, hay một chàng sinh viên mỹ thuật tài năng, ngông ngênh, giàu suy tư… Chất liệu của tiểu thuyết “Xóm Miếu Nổi” chính là lấy từ cuộc sống hiện thực đó…
Tiểu thuyết của Hà Hùng, NXB Trẻ phát hành tháng 8 năm 2013.

“Miếu Nổi là xóm lao động nghèo nằm bên dòng kinh rác, đêm đêm ướp mắt những ngôi sao, những căn nhà ổ chuột dáng nghiêng nghiêng đứng nép vào nhau, như gắn trên những cây sào cắm xuống nước…” (trang 8) - đó là nơi trọ của nhân vật xưng “tôi” trong tiểu thuyết, anh là sinh viên ngành mỹ thuật. Xóm trọ nghèo với đủ thành phần, nhưng nổi bật nhất là gia đình của Gã Cụt -  một người đàn ông bị cụt hai chân, nghiện rượu, hay la hét, chửi bới vợ con, sống với cô con gái điệu đàng, phóng túng là Kách Kách. Xóm Miếu Nổi còn thường xuyên bị khuấy động bởi sự xuất hiện của gã Giang Hồ Gốc, một tay xã hội đen bị thọt chân, giàu có… Sau một thời gian tiếp xúc, anh sinh viên có cảm tình với Kách Kách. Một ngày kia, Kách Kách suy sụp khi được tin mẹ cô phạm tội, bị án tử hình, sau đó cha cô cũng qua đời…

 “Xóm Miếu Nổi” phản ánh một góc khuất của cuộc sống hiện đại thông qua những cư dân xóm Miếu Nổi qua cái nhìn của nhân vật tôi. Mỗi con người được anh ta gắn cho những cái tên gọi mà khi nghe là có thể hình dung được đôi nét về con người, như: Gã Cụt, Kách Kách, thằng Thiếu Gia hay gã Giang Hồ Gốc…. Trong cảm nhận của anh sinh viên, lối sống, tính cách mỗi con người ở xóm Miếu Nổi khá phức tạp, tuy nhiên đằng sau vẻ bề ngoài đó là tấm lòng chân thành. Mặc dù Gã Cụt thường chửi bới, đày đọa vợ con nhưng thực chất lại là một người chồng yêu thương vợ, một người cha có trách nhiệm với con cái. Khi người vợ bị án tử hình, gã đã tìm mọi cách để chết theo, trước khi ra đi, gã đã nhắn nhủ, gởi gắm con cái cho người khác săn sóc. Cô nàng Kách Kách se sua, chưng diện và sống phóng túng lại là người có tình, có nghĩa, đã âm thầm giúp đỡ cho nhân vật tôi khi anh lâm vào hoàn cảnh túng thiếu, hay gã Giang Hồ Gốc có bề ngoài bặm trợn, côn đồ nhưng lại nghĩa khí…

“Xóm Miếu Nổi” còn chất chứa những trăn trở, suy tư của những người trẻ tuổi “tập tễnh” bước vào đời. Nhân vật tôi xuất thân nghèo khó, nhưng luôn nuôi ước vọng về ngày thành đạt. Cuộc sống sinh viên khó khăn, thiếu thốn khiến anh phải từ bỏ cái tôi, học cách nhẫn nhịn để kiếm tiền.

Khởi đầu của tiểu thuyết “Xóm Miếu Nổi” là những nỗi buồn, mất mát, trăn trở, suy tư nhưng hồi kết lại trọn vẹn, mở ra niềm tin yêu, hy vọng. Tiểu thuyết khép lại với cảnh nhân vật tôi dẫn Kách Kách về ra mắt gia đình. “Cuộc đời là vui thôi!” – câu nói phấn khởi của nhân vật tôi cuối tiểu thuyết tạo cho người đọc dự cảm về tương lai tươi sáng của họ: mọi phiền muộn, khó khăn đã qua rồi, từ nay chỉ có niềm vui và hạnh phúc.

Chất liệu của “Xóm Miếu Nổi” lấy từ cuộc sống thực tại, nên câu chuyện gần gũi, quen thuộc với đời thường. Đó là lý do khiến cho “Xóm Miếu Nổi” dễ đi vào lòng độc giả.

Bích Vân

 

Chia sẻ bài viết