11/03/2008 - 22:09

Gỡ rối cho doanh nghiệp xuất khẩu

Sản xuất sản phẩm may mặc tại Công ty TNHH May xuất khẩu Việt Thành trong khu công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Cái Sơn - Hàng Bàng. Ảnh: ANH KHOA

Năm 2008 được nhận định là năm nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp, nhưng thách thức cũng không kém. Bên cạnh những lợi thế do giá gia công không tăng, tỷ giá đồng đô- la lại sụt giảm, các doanh nghiệp phải đối mặt với những rào cản kỹ thuật chất lượng sản phẩm từ các nước nhập khẩu... Hơn nữa, việc thiếu thông tin về thị trường, những chính sách pháp luật của các nước nhập khẩu đã gây rất nhiều trở ngại cho doanh nghiệp.

Những “rào cản”

Ông Trần Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Thủy sản miền Nam (South Vina), cho biết: “Làm ăn với đối tác nước ngoài phải tìm hiểu luật pháp của họ thật kỹ càng để tránh những vụ kiện tụng và cũng là tránh thua thiệt về phần mình. Ngoài tuân thủ luật pháp từ các nước nhập khẩu, doanh nghiệp còn phải giữ chữ tín, thương hiệu khi làm ăn với họ. Quan trọng là các doanh nghiệp cùng ngồi lại với nhau để bàn bạc những biện pháp liên kết, thống nhất để không bị ép giá”. Theo giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, nước ngoài đánh giá rất cao sản phẩm cá da trơn của Việt Nam. Tuy nhiên, tình trạng các doanh nghiệp “tự định giá” xuất khẩu ra nước ngoài mà không có sự thống nhất chung với nhau đã tạo ra tiền lệ “người bán phụ thuộc vào người mua”. Do đó, doanh nghiệp bị rất nhiều thiệt thòi, người nuôi càng thiệt do giá bán thấp và Nhà nước không thu được nhiều ngoại tệ.

Còn ngành dệt may cũng đầy ắp những lo âu do việc EU dỡ bỏ hạn ngạch dệt may đối với Trung Quốc. Ông Nguyễn Thái Hùng, Tổng Giám đốc Công ty CP May Tây Đô, cho biết: “Năm 2008, xuất khẩu hàng may mặc sẽ gặp rất nhiều khó khăn, trong khi doanh nghiệp còn nhiều khó khăn về nguồn vốn, lao động, thị trường. Hơn nữa, chi phí sản xuất tăng trong khi giá gia công không tăng, đồng đô-la giảm giá, doanh nghiệp và công nhân mất một khoản tiền vô hình”. Năm 2008, ngành thương mại thành phố Cần Thơ đặt chỉ tiêu xuất khẩu 6 triệu sản phẩm may mặc thành phẩm. Song, có thể nói việc xúc tiến thương mại của thành phố còn rất nhiều bất cập. Hiện nay, ngành thương mại có website với nhiều chuyên mục, thông tin. Nhưng đó là những thông tin ở dạng báo cáo, thống kê- kế hoạch và thông tin cũ. Trong khi doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp xuất nhập khẩu, cần những thông tin “nóng”.

Bà Nguyễn Mỹ Thuận, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp TP Cần Thơ, nhận định: “Ở đây có 2 vấn đề cần đưa ra thảo luận. Một là, những thông tin dự báo, biến động về thị trường để doanh nghiệp đưa ra quyết định kinh doanh cho phù hợp chưa được đầy đủ và kịp thời. Còn những thông tin thật sự hữu ích thường rất hiếm. Mặt khác, các Tham tán thương mại ở các nước đúng ra là nguồn cung cấp thông tin cần thiết cho doanh nghiệp, nhưng điều này tùy thuộc vào tính sẵn sàng của từng người! Hai là, doanh nghiệp vẫn đang trong trạng thái chờ cái gì có sẵn để sử dụng, chứ chưa chịu đi gõ cửa”.

Cần cách làm mới

Giảm bớt “rào cản”, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu luôn là vấn đề nóng bỏng đặt ra cho các ngành quản lý và tự thân của doanh nghiệp.

Theo Bộ NN&PTNT, nhu cầu thị trường thế giới đối với con cá tra và tôm sú xuất khẩu của ĐBSCL và cả nước rất lớn. Nhưng vẫn còn nhiều thách thức cho hai đối tượng này, trong đó chủ yếu là các hàng rào kỹ thuật mới từ các thị trường nhập khẩu ngày càng nhiều. Chính vì thế, ngoài việc chuẩn bị từ phía doanh nghiệp xuất khẩu, sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp để siết chặt công tác kiểm tra, kiểm soát an toàn vệ sinh chất lượng hàng thủy sản được coi là biện pháp hữu hiệu để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu khoảng 4,25 tỉ USD trong năm 2008.

Ông Trần Văn Quang, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Thủy sản miền Nam (South Vina), cho biết: “Tháng 7 năm rồi, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã xem xét đưa South Vina vào danh sách giảm thuế chống bán phá giá cá da trơn sang thị trường này, tạo nhiều thuận lợi cho công ty. Tôi nghĩ, cần phải xem thương hiệu là vấn đề ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp. Do đó, khi tham dự hội chợ ở nước ngoài, nhất là các nước EU, South Vina đã được bạn hàng nước ngoài tín nhiệm và họ tìm đến để ký hợp đồng tại hội chợ. Hiện tại, ngoài việc quản lý sản xuất theo tiêu chuẩn ISO, công ty còn áp dụng qui trình nuôi cá sạch theo tiêu chuẩn SQF. Đây là điều kiện cần thiết cho doanh nghiệp xuất khẩu”. Hiện nay, một số doanh nghiệp đã chủ động mở rộng vùng nguyên liệu, ký hợp đồng bao tiêu với nông dân để kiểm soát chặt chẽ đầu vào của nguồn nguyên liệu.

Ông Nguyễn Trường Đảnh, Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư- Thương mại - Du lịch TP Cần Thơ, thừa nhận: “Mối liên hệ giữa doanh nghiệp và trung tâm vẫn còn lỏng lẻo. Chúng tôi đã đề đạt với UBND thành phố cơ cấu lại tổ chức của trung tâm cho phù hợp đi sát với nhu cầu của doanh nghiệp hơn. Hiện nay, phòng thông tin và phòng dịch vụ chịu trách nhiệm cung cấp thông tin, thị trường, tổ chức hội thảo, tư vấn cho doanh nghiệp có nhu cầu. Như vậy sẽ rút ngắn khoảng cách giữa doanh nghiệp và trung tâm. Lâu nay, cách làm cũ của mình trong hoạt động xúc tiến đầu tư khiến rất ít doanh nghiệp quan tâm, vì không có những cái khác với những cái mà doanh nghiệp tự làm cho mình”. Theo ông Đảnh, trong năm 2007 đã xúc tiến 4 đoàn công tác nước ngoài và đã ký kết được 2 biên bản ghi nhớ hợp tác với một nhóm doanh nhân ở Trung Quốc, Mỹ trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng. Trong năm 2008, kinh phí UBND thành phố phê duyệt cho trung tâm 2,8 tỉ đồng và theo kế hoạch sẽ có 5 đoàn công tác ra nước ngoài với chương trình hội thảo, mời gọi đầu tư cụ thể. Hy vọng cách làm này sẽ giúp các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong hoạt động xuất khẩu.

• GIA BẢO - HÀ TRIỀU

Chia sẻ bài viết