15/05/2022 - 11:19

Gỡ khó để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công 

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 548/QÐ-TTg ngày 2-5-2022 thành lập 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đến ngày 30-4-2022 thấp hơn mức bình quân chung cả nước (18,48%). Ðây là quyết tâm lớn của Chính phủ, nhằm thúc đẩy đà phục hồi kinh tế, đạt các mục tiêu tăng trưởng của năm 2022 và các năm tiếp theo.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vừa khánh thành, đây là dự án giao thông trọng điểm tại vùng ĐBSCL. Ảnh: CTV

Gỡ các điểm nghẽn

Theo Tổng cục Thống kê, trong 4 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tăng khoảng 9,1% so với cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện tại Việt Nam ước đạt 5,92 tỉ USD là giá trị cao nhất của 4 tháng từ năm 2018-2022. Ðây là cơ sở để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vĩ mô; đồng thời tạo động lực phục hồi kinh tế năm 2022-2023. Trong 4 tháng, nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện ước đạt 109.600 tỉ đồng; trong đó, vốn Trung ương quản lý đạt 18.400 tỉ đồng, bằng 18,1% kế hoạch năm và tăng 15,3% so cùng kỳ năm 2021, vốn do địa phương quản lý đạt 91.200 tỉ đồng, tăng 8% so cùng kỳ năm trước.

Mặc dù vốn đầu tư công giải ngân tăng so với cùng kỳ, nhưng mới bằng 20,6% kế hoạch năm. Tính đến hết tháng 4-2022, tổng số vốn các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã có quyết định giao chi tiết cho các dự án đủ điều kiện giải ngân, thủ tục đầu tư trong năm 2022 hơn 479.527 tỉ đồng, đạt 92,6% kế hoạch vốn Thủ tướng giao. Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, có 41/51 bộ và 28/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 17%, thấp hơn mức bình quân chung cả nước. Ðể triển khai các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các dự án. Ðẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư nhằm rút ngắn thời gian cho các chủ đầu tư, nhà thầu hoàn thành các thủ tục đầu tư; báo cáo cấp có thẩm quyền về những tồn đọng, vướng mắc của dự án nếu vượt thẩm quyền quyết định để kịp thời gỡ khó, đẩy nhanh tiến độ dự án, nhất là dự án trọng điểm.

Ðể đốc thúc giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 548/QÐ-TTg thành lập 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Các Tổ công tác do các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Tổ trưởng có nhiệm vụ tổ chức rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc; đồng thời phân tích các nguyên nhân, kiến nghị giải pháp thúc đẩy tiến độ giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn; đặc biệt là các dự án sử dụng vốn ODA, vốn của các nhà tài trợ nước ngoài. Bên cạnh đó, Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4-2022 cũng yêu cầu Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương… hoàn thiện các dự thảo Nghị định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ… để trình Chính phủ. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, các cơ quan liên quan, rà soát những quy định bất cập của Luật Ðầu tư công, báo cáo Chính phủ hướng giải quyết trong tháng 5-2022… Tất cả đều nhằm mục tiêu khơi thông nguồn lực, giải ngân vốn đầu tư công, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn.

Cần sự nỗ lực chung

Có thể nói, trong 2 năm qua, tác động của dịch COVID-19 đã làm thay đổi cơ cấu kinh tế, gây khó khăn cho toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó có giải ngân vốn đầu tư công. Thêm vào đó, giá nguyên vật liệu đầu vào cho các công trình dự án xây dựng tăng cũng là nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân, chủ đầu tư phải xin điều chỉnh vốn và thủ tục cần thực hiện mất khá nhiều thời gian. Theo các cơ quan chuyên môn, kết quả giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp trong 4 tháng đầu năm cần được xem xét, đánh giá một cách toàn diện về nguyên nhân, điểm nghẽn để có giải pháp tháo gỡ sát tình hình thực tế. Với các dự án trọng điểm quốc gia, vùng cần phải rà soát kỹ để phân bổ hợp lý các nguồn vốn, tạo điều kiện tối đa cho các dự án hoàn thành đúng tiến độ đề ra. Ðồng thời cần sự phối hợp, vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành Trung ương và quyết tâm của địa phương.

Tại ÐBSCL, nhiều địa phương có kết quả giải ngân vốn đầu tư thấp hiện đang nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp gỡ khó cho từng công trình, dự án. Theo ông Ðồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, năm 2022, tỉnh xác định vốn đầu tư công phải thực sự đóng vai trò dẫn dắt, là vốn mồi để thu hút tối đa các nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác theo phương châm "đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư" để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh sẽ cơ cấu lại đầu tư công theo hướng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các dự án tạo nguồn lực phát phát triển, các dự án kết nối vùng và liên vùng, tạo sự liên kết, hiệu ứng lan tỏa… Còn theo ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre, tỉnh xác định đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư, nhất là đầu tư công và hỗ trợ triển khai các dự án đầu tư ngoài ngân sách (các dự án phát triển đô thị, điện gió, khu công nghiệp, hạ tầng giao thông, thủy lợi...) là một trong các động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của năm 2022 và các năm tiếp theo.

Cũng theo ông Nguyễn Trúc Sơn, ngoài thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Bến Tre tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong vùng ÐBSCL đề xuất đầu tư các dự án mang tính liên kết vùng, nhất là về giao thông kết nối các tỉnh qua các tuyến quốc lộ 60, quốc lộ 57; đầu tư dự án cầu Rạch Miễu 2, đường Bắc - Nam; khởi động tuyến đường ven biển... để kết nối giao thông liên vùng, góp phần tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế cho tỉnh nói riêng và các địa phương trong vùng ÐBSCL nói chung.

Kết quả giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và tạo áp lực lớn cho các năm tiếp theo. Theo Quyết định số 548/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngoài rà soát, gỡ khó cho các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, 6 Tổ công tác còn có nhiệm vụ xem xét trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, xử lý các khó khăn… tại từng bộ, cơ quan, địa phương; đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu. Với sự chỉ đạo quyết liệt này, kỳ vọng các điểm nghẽn, khó khăn sẽ được tháo gỡ, tạo động lực tăng trưởng kinh tế cho năm 2022.

GIA BẢO

Chia sẻ bài viết